Bài 1: "Liều thuốc thử"
năng lực cán bộ
LTS: Đại dịch COVID-19 trở thành liều thuốc “thử” năng lực cũng như đạo đức của cán bộ, đảng viên. Thực tế, nhiều người đã bị kỷ luật, nặng hơn là vướng vào vòng lao lý. Sợ trách nhiệm, nhiều cán bộ, đảng viên co mình, trốn tránh. Trước thực trạng đó, Thành ủy Hà Nội đã ban hành “Chỉ thị 24” - được kỳ vọng là "liều thuốc" trị "căn bệnh sợ trách nhiệm". |
Trong bài Đạo đức cách mạng đăng trên Tạp chí Học tập số 12, năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo, vì để cho chủ nghĩa cá nhân "chớm nở", cho nên có cán bộ "muốn địa vị cao nhưng lại sợ trách nhiệm nặng"; Dần dần tính tích cực, dũng khí và phẩm chất tốt đẹp bị kém sút. Khi còn là cán bộ công tác ở Tạp chí Cộng sản, năm 1973, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, nay là Tổng Bí thư đã có bài “chẩn đoán bệnh sợ trách nhiệm", phân tích rõ căn nguyên tình trạng này.
Dẫn ra như thế để thấy, sợ tránh nhiệm là căn bệnh kinh niên trong cán bộ do yếu kém chuyên môn, thiếu tinh thần trong công tác mà làm việc cầm chừng, bảo thủ vì sợ sai, ỷ vào tập thể vì sợ liên lụy cá nhân; Trong sinh hoạt Đảng thì né tránh tự phê bình và phê bình vì sợ mất lòng nhau… Triệu chứng của "căn bện"h ấy hiện nay ngày càng lộ rõ hơn. Thực chất đó là việc chỉ chăm chăm lo cho mình.
Những năm gần đây, “sợ trách nhiệm” lại được nhắc đến rất nhiều lần, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19.
Liều thuốc thử “nóng lên”
Chỉ trong nửa đầu tháng 8/2021, hàng loạt thông tin đình chỉ cán bộ vì lơ là trong công tác phòng chống dịch COVID-19 xuất hiện trên các trang báo Trung ương và địa phương.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đây là lúc những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy cao độ vai trò của người đứng đầu, đặc biệt ở cấp gần và sát với dân nhất.
Tại điểm nóng phòng chống dịch COVID-19 ở TP HCM, Chủ tịch UBND Quận 8 đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Chủ tịch UBND phường 15 và điều chuyển công tác đối với Chủ tịch UBND phường 16 nhằm kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Phiên tòa xét xử vụ chuyến bay giải cứu. Ảnh: Việt Hùng. |
Sau đại dịch, Nhân dân bày tỏ sự bất bình, lên án mạnh mẽ, phẫn nộ đối với những hành vi trục lợi trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao, có sự tiếp tay, bao che của một số cán bộ, đảng viên. Đồng thời, mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm, bị can bỏ trốn; Công khai, minh bạch kết quả điều tra, xét xử để Nhân dân giám sát.
Những đợt sóng dồn dập khiến từ khóa “sợ sai, sợ trách nhiệm”, chỉ trong tích tắc hiện lên hàng triệu kết quả được tìm thấy. Điều này chứng tỏ độ “nóng” của hiện tượng này trên các diễn đàn, thậm chí nhiều cán bộ, đảng viên còn có tư tưởng “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”, hay “bị phê bình vì làm chậm, chưa hoàn thành nhiệm vụ còn hơn bị kỷ luật, hoặc có thể bị truy cứu hình sự”.
“Sợ trách nhiệm” thành "bệnh trầm kha"
Nhắc lại về bài viết “Bệnh sợ trách nhiệm” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đến căn bệnh này cách đây tròn 50 năm đã vạch ra những biểu hiện của căn bệnh nguy hiểm mà đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự: “Nhiệm vụ trước mắt đòi hỏi mọi người phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, nhưng hiện nay trong cán bộ, đảng viên còn có những đồng chí sợ trách nhiệm. Người sợ trách nhiệm thường làm việc một cách cầm chừng cho “đủ bổn phận”. Bài viết chỉ rõ: “Sợ trách nhiệm là một khuyết điểm thuộc về ý thức tư tưởng, về phẩm chất cách mạng của người cán bộ, đảng viên, bởi vì sợ trách nhiệm tức là muốn yên thân, né tránh khó khăn, là thiếu tính chiến đấu, thiếu dũng khí cách mạng, là trái với tinh thần dám xả thân vì sự nghiệp cách mạng, quyết đấu tranh xóa bỏ áp bức bóc lột, xóa bỏ nghèo đói và dốt nát, đấu tranh kiên cường, không mệt mỏi cho nhiệm vụ thực hiện thắng lợi cương lĩnh chính trị của Đảng”.
Căn bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm đúng như Tổng Bí thư “chẩn bệnh” thuộc về ý thức tư tưởng.
Chưa bao giờ, căn “bệnh sợ trách nhiệm” lại được nhắc đến nhiều như gần đây. Vì cán bộ sợ trách nhiệm mà nhiều dự án và cả “những việc cần làm ngay” cũng bị đùn đẩy, né tránh. Hệ lụy rõ nhất được chứng minh sau đại dịch COVID-19 là thuốc, trang thiết bị y tế có lúc thiếu trầm trọng, nhưng nhiều bệnh viện không dám tổ chức đấu thầu; Nhiều công trình dự án nằm bất động dù tiền không thiếu, nhưng không giải ngân được...
Lý giải nguyên nhân của căn bệnh này, không ít người cho rằng, do đấu tranh phòng, chống tham nhũng quyết liệt, cán bộ bị xử lý nhiều, cho nên một bộ phận không dám làm, không dám quyết, kể cả những việc thuộc thẩm quyền của mình.
"Cần phải xác định được nguyên phát của căn bệnh này mới có thể điều trị bệnh một cách hiệu quả"! - Đại biểu Trần Quốc Tuấn - |
Tại kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV, ngày 31/5/2023, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) bày tỏ, tâm lý sợ trách nhiệm của cán bộ lan rộng từ Trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công sang khu vực tư. Do vậy, cần phải xác định được nguyên phát của căn bệnh này mới có thể điều trị bệnh một cách hiệu quả, đồng nghĩa với việc chúng ta cần phân hóa, phân định rõ một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm ấy gồm những kiểu cán bộ nào và nguyên nhân nào dẫn đến sự tồn tại của một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm như thế?
Đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng có hai nhóm cán bộ: “Một là, cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm vì không có lợi ích gì. Hai là, cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm”.
"Đã sợ sai còn né tránh, đùn đẩy"! - Đại biểu Vũ Trọng Kim - |
Còn đại biểu Vũ Trọng Kim (Nam Định) nêu rõ, tình trạng cán bộ sợ sai, không dám làm nên bỏ bê công việc là vấn đề có thật. Đại biểu tâm tư: “Bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu”. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, vấn đề sợ sai chưa đề cập tới mức, đã sợ sai còn né tránh, đùn đẩy, cái gì thuận lợi thì nhận vào bản thân, còn khó khăn thì đẩy cho tổ chức, người khác và bên ngoài... Đại biểu cho rằng, có nguyên nhân nhạy cảm nhất, đó là có một bộ phận cán bộ sợ rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng mạnh lên thì cán bộ nhụt chí, không dám làm!
Thực tế cho thấy, từ Đại hội XII của Đảng đến nay, với quan điểm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã được Đảng, Nhà nước ta tiến hành công khai, minh bạch, quyết liệt từ Trung ương đến cơ sở.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong 10 năm qua đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở nhiều cấp độ.
Hàng loạt cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý; Nhiều cán bộ lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã nghỉ hưu nhưng do mắc sai phạm trước đó vẫn bị xử lý kỷ luật, có người đã bị xử lý hình sự về chức vụ trong Đảng, chính quyền...
Giải trình tại phiên thảo luận Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV, ngày 31/5/2023, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết có 4 nguyên nhân cơ bản của căn bệnh “sợ trách nhiệm”, né tránh, đùn đẩy: Một là, nhận thức và ý thức trách nhiệm, cũng như năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ, công chức bị hạn chế. Hai là, việc nêu gương của một số cán bộ đứng đầu chưa được phát huy một cách nghiêm túc; Thể chế, chính sách còn bất cập, chồng chéo, chậm sửa đổi một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Ba là, quy chế, phối hợp giữa các bộ, địa phương vẫn còn một số mặt chưa kịp thời, đồng bộ, thống nhất. Bốn là, kỷ cương, kỷ luật đang được siết chặt lại, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được đẩy mạnh và hàng loạt cán bộ, công chức bị kỷ luật, khởi tố, truy tố dẫn đến tâm lý một bộ phận cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng: “Dù bất kỳ nguyên nhân nào cũng cần phải thống nhất hiện trạng này là vi phạm, sai phạm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, là biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, cần nghiêm khắc phê phán, triệt tiêu”.
Phải nói rằng, căn bệnh “sợ trách nhiệm” thu mình, thụ động, dè chừng, ngại đưa ra quyết định ngày càng nặng hơn. Theo nhiều chuyên gia tâm lý, nói đi cũng phải ngẫm lại rằng, có những lý do khiến cán bộ, công chức không dám làm vì không biết làm thế nào cho đúng. Văn bản pháp luật vẫn còn những chỗ chưa rõ, sơ hở, mâu thuẫn, hỏi cấp trên thì được trả lời rất chung chung: Cứ theo quy định của pháp luật mà làm.
Có những việc người thực thi hiểu luật và giải quyết công việc một cách, nhưng người có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra lại hiểu luật và đánh giá công việc theo một cách khác thì người thực thi công vụ nhất định sẽ gặp rắc rối.
Do vậy, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và tạo ra hành lang pháp lý để khuyến khích mọi người tự tin làm việc, thì rất cần có những cú hích, đột phá phù hợp với từng địa bàn, từng cấp, từng ngành, đặc biệt với Thủ đô Hà Nội.
Thực hiện: Vũ Cường |