Bồi đắp niềm tự hào dân tộc, tình yêu đất nước trong mỗi bạn trẻ Thủ đô
Thủ đô Hà Nội năm 2022: 10 sự kiện nổi bật |
Tiếp bước những người anh hùng
“Tiếp bước những bước chân anh hùng - Xây dựng thế hệ thanh niên thủ đô thời đại mới” là chủ đề chương trình giao lưu với nhân chứng lịch sử được Thành đoàn Hà Nội tổ chức tại trường Đại học Phenikaa. Chương trình đã mang lại cho bạn trẻ nhiều cung bậc cảm xúc.
Chương trình cũng là một hoạt động bổ ích nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống, tôn vinh những chiến công của trí tuệ, lòng dũng cảm và ý chí quật cường của dân tộc, quân đội ta nói chung, của cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân, quân dân Thủ đô nói riên. Đây cũng là dịp tôn vinh, tri ân các thế hệ cán bộ, chiến sỹ, các Anh hùng lực lượng vũ trang và Nhân dân đã trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".
Chương trình có sự tham gia của các vị khách mời: Đại tá Đinh Thế Văn, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 - Đơn vị Anh hùng đã liên tục hạ B-52 trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không; Ông Lê Đình Giật, nhân chứng lịch sử chứng kiến 12 ngày đêm chiến đấu của quân và dân ta trong Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”; PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Phenikaa
Nhằm mang đến cái nhìn sâu sắc về Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, chương trình giao lưu được làm hai phần: “ Tiếp bước những bước chân anh hùng” và “Xây dựng thế hệ thanh niên Thủ đô thời đại mới”. Từ câu chuyện, kỷ niệm của các nhân chứng lịch sử, đoàn viên, thanh niên Thủ đô như được trở về với những ngày tháng oanh liệt của quân và dân ta trong Chiến dịch 12 ngày đêm “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.
Đông đảo bạn trẻ tham gia chương trình giao lưu |
“Từ những câu chuyện của Đại tá Đinh Thế Văn, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 (đơn vị Anh hùng đã liên tục hạ B-52 trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không), bác Lê Đình Giật, mình thêm hiểu những hi sinh, mất mát của quân và dân tai trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không”. Bên cạnh đó là niềm tự hào, khâm phục trước sự chiến đấu mưu trí, dũng cảm của những người lính Cụ Hồ để hôm nay chúng ta được sống trong hòa bình, hạnh phúc”, bạn Lê Thảo An, sinh viên trường Đại học Phenikaa chia sẻ.
Tiếp nối những câu chuyện lịch sử, từ những ký ức hào hùng của lớp thanh niên Thủ đô đi trước, An cũng đoàn viên, thanh niên hôm này cùng thảo luận, nêu ý kiến, chia sẻ quan điểm về những tiêu chí, những giá trị cần có để phát huy truyền thống hào hùng của lớp lớp thanh niên Thủ đô thời kỳ trước; Tham gia xây dựng những giá trị hình mẫu thanh niên Thủ đô phù hợp với thời đại mới.
An cho rằng, mỗi người trẻ hôm nay phải sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. “Mình nghĩ, mỗi người hãy làm thật tốt công việc của mình cả trong học tập, lao động. Từ đó, chúng ta sẽ có những đóng góp thiết thực cho xã hội, chung tay xây dựng Thủ đô và đất nước văn minh, giàu mạnh”, An tâm sự.
Chung sức xây dựng Thủ đô
Cũng nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, Đoàn Thanh niên cơ quan Thành đoàn Hà Nội tổ chức lễ dâng hương, sinh hoạt truyền thống tại Đài tưởng niệm Khâm Thiên, để tưởng nhớ đồng bào, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ Hà Nội những ngày cuối năm 1972.
Đoàn đại biểu Đoàn cơ quan Thành đoàn Hà Nội làm lễ dâng hương, sinh hoạt truyền thống tại Đài tưởng niệm Khâm Thiên |
Đài tưởng niệm Khâm Thiên là nơi tưởng niệm đồng bào ở phố Khâm Thiên đã bị máy bay B52 của đế quốc Mỹ ném bom rải thảm vào tối ngày 26/12/1972. Đợt ném bom rải thảm này đã khiến 577 người dân vô tội chết và bị thương, phá hủy hoàn toàn 534 ngôi nhà, làm hư hỏng 1200 ngôi nhà khác. Trong đó 3 căn hộ liền nhau số nhà 47, 49, 51 bị bom Mỹ đánh trúng và san bằng.
Cũng trong đợt ném bom cao điểm của đế quốc Mỹ trong 12 ngày đêm năm 1972, nhiều người trong đợt giải cứu phố Khâm Thiên đã kể lại cho nhau nghe về hình ảnh hai mẹ con ở ngôi nhà số 47 Khâm Thiên bị sức ép của bom B52 cướp đi sinh mạng. Người mẹ vĩ đại ấy ra đi nhưng vẫn giữ nguyên tư thế đứng ôm chặt, che chở cho con. Người con bé bỏng, tuy không còn hơi thở nhưng tấm thân còn mềm, cánh tay vẫn bám chặt vào người mẹ.
Đoàn tham quan, lắng nghe trao đổi về giai đoạn lịch sử của quân và dân ta những ngày cuối tháng 12 năm 1972 |
50 năm qua, Đài tưởng niệm Khâm Thiên vẫn là nơi để những người còn sống nhớ về một nỗi đau không gì bù đắp được; Nơi để thế hệ trẻ biết đến tội ác của B-52 và những gì thế hệ trước đã trải qua trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; Nhắc nhở con người Việt Nam luôn phải biết trân trọng và ghi nhớ công lao của những thế hệ đi trước đã hy sinh để đem lại sự bình yên hôm nay. Đó chính là đạo lý cao đẹp của người dân Việt Nam.
Xúc động khi được tham dự lễ dâng hương, sinh hoạt truyền thống tại Đài tưởng niệm Khâm Thiên, bạn Phạm Thành Trung, Phó Bí thư Chi đoàn báo Tuổi trẻ Thủ đô cho biết: “Hiểu quá khứ, chúng ta sẽ biết trân trọng và nỗ lực phấn đấu cho hiện tại. Là một đoàn viên, phóng viên trẻ tôi thầm hứa sẽ làm thật tốt việc tuyên truyền về chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không nói riêng, chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung đến các bạn trẻ. Qua các tác phẩm báo chí đó sẽ cổ vũ thanh niên xung kích, sáng tạo xây dựng Thủ đô và đất nước”.
Cũng theo Trung, những bài học kinh nghiệm quý báu rút ra từ Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” còn vẹn nguyên giá trị đối với thế hệ trẻ, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước và Thủ đô đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng với những thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen.
Cùng với hoạt động cấp thành phố, tại các cơ sở Đoàn cũng diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”. Các hoạt động sôi nổi đã tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong thanh niên Thủ đô.