Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh, giám sát phải trên tinh thần hết sức xây dựng; Giữa "xây" và "chống" thì "xây" vẫn là căn bản, lâu dài, "chống" là quyết liệt, triệt để, cấp bách… Với một thành phố lớn và phát triển như Hà Nội, thì yêu cầu đó càng đòi hỏi một quyết tâm lớn từ trong bộ máy HĐND cùng một hệ thống các giải pháp bài bản trong giám sát.
Nhìn tổng quan, hoạt động giám sát của HĐND TP Hà Nội đã mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt. Tinh thần, quyết tâm đổi mới có tính chất lan toả, vừa truyền cảm hứng, vừa “giữ lửa” cho hoạt động của cơ quan dân cử tại địa phương.
Tuy nhiên vẫn phải thẳng thắn thừa nhận, hoạt động giám sát vẫn còn một số tồn tại, hạn chế chưa được xử lý triệt để. Điển hình như: Phương thức giám sát chủ yếu vẫn là nghe trình bày báo cáo, hoạt động khảo sát, kiểm chứng việc thực hiện cụ thể chưa nhiều. Một số nội dung trong kết luận giám sát còn chung chung. Một số cuộc giám sát mang tính chuyên môn sâu, phạm vi giám sát rộng nhưng chất lượng còn hạn chế do năng lực và kinh nghiệm của đại biểu đối với lĩnh vực được giám sát chưa đáp ứng.
Bên cạnh đó, công tác giám sát chuyên đề, tái giám sát còn ít. Việc thực hiện kết luận sau giám sát của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận giám sát chưa thường xuyên...
|
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Trưởng đoàn giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố |
Nguyên nhân của các tồn tại trên là do quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND, về giám sát của HĐND còn một số nội dung chưa sát với thực tế. Còn có những đại biểu kiêm nhiệm chưa dành đủ thời gian thích hợp cho hoạt động đại biểu theo quy định; Về trình độ, năng lực chuyên môn và kinh nghiệm hoạt động, nhất là hoạt động giám sát của một số đại biểu, đặc biệt là cấp xã hiện còn nhiều hạn chế...
Nhìn nhận rõ một số khó khăn, nhiệm kỳ này, Quốc hội đã rất quan tâm, ban hành Nghị quyết 160 thí điểm bố trí đại biểu chuyên trách của HĐND TP, theo đó số lượng chuyên trách là 19 người, cao nhất từ trước đến nay (trước đây dự kiến có 10 đại biểu). Đối với các quận, huyện, thị xã, Ban Thường vụ Thành uỷ chỉ đạo bố trí từ 5 đến 6 đại biểu chuyên trách đảm bảo theo quy định của Luật (trước đây là 2-3 đại biểu).
Tuy nhiên, theo Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Duy Hoàng Dương, pháp chế là lĩnh vực chuyên sâu, đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn và chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực tư pháp; Trong khi đó thành viên Ban lại làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây là trở ngại của Ban khi tiến hành giám sát chuyên đề ở một số nội dung liên quan đến lĩnh vực tư pháp.
Trong khi đó, Ban gồm 15 thành viên nhưng chỉ có 4 đại biểu chuyên trách, còn lại là 11 đại biểu kiêm nhiệm đều giữ những chức vụ cao tại cơ quan công tác, vì thế thời gian dành cho hoạt động của ban cũng không nhiều. Chưa kể, đội ngũ chuyên viên giúp việc ban chỉ có 2 người, trong đó 1 đồng chí mới được bổ sung từ 1/1/2023, vì vậy việc tham mưu, giúp việc Ban còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Duy Hoàng Dương cũng cho biết, mặc dù đã được quan tâm thực hiện song chất lượng hoạt động giám sát của các cơ quan này ở mỗi cấp, mỗi địa phương còn chưa đồng đều, một số đơn vị còn hạn chế. Để nâng cao hiệu quả giám sát trong lĩnh vực tư pháp, mới đây, Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị giao ban chuyên đề với Ban Pháp chế HĐND các quận, huyện, thị xã về kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng giám sát hoạt động của cơ quan thuộc lĩnh vực này.
|
Ban Văn Hoá - Xã hội HĐND TP triển khai hoạt động giám sát do ông Nguyễn Thanh Bình làm trưởng đoàn |
Còn theo ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP, Ban hiện đang phụ trách theo dõi 6 Sở và 3 cơ quan khác trong khi chỉ có 4 đại biểu chuyên trách. Mỗi đại biểu chỉ có một lĩnh vực chuyên sâu, trong khi diễn biến tình hình thực tiễn, số liệu và quản lý Nhà nước ... luôn phát sinh từng ngày, từng giờ. Điều này phần nào khiến hoạt động giám sát chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của Thủ đô.
Để khắc phục khó khăn, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Văn hóa - Xã hội đã ký quy chế phối hợp với các Sở và cơ quan mà Ban phụ trách theo dõi, giúp cho việc triển khai hoạt động được hiệu quả hơn, tìm được tiếng nói chung trong công tác phối hợp, tăng cường giao lưu hợp tác. Nhờ chủ động, linh động trong công tác phối hợp, hoạt động giám sát để đánh giá kết quả thực hiện một số cơ chế chính sách thời gian qua luôn được thực hiện rất hiệu quả.
Nhìn từ những kết quả đạt được trong hoạt động giám sát của HĐND TP Hà Nội, có thể thấy vai trò của Thường trực, người đứng đầu HĐND các cấp là vô cùng quan trọng.
Theo một chuyên gia đã từng có nhiều năm hoạt động tại HĐND TP Hà Nội, chủ thể giám sát đóng vai trò rất quan trọng, trong đó, Thường trực HĐND các cấp phải chỗ dựa vững chắc cho các ban HĐND, các tổ đại biểu HĐND.
Trong bối cảnh Hà Nội thực hiện mô hình Chính quyền đô thị, không còn HĐND phường, hàng loạt các vấn đề đầu tư công, ô nhiễm môi trường... thường xuyên gây bức xúc dư luận mà lực lượng có hạn, việc xây dựng hệ thống các biện pháp phát huy vai trò giám sát là vô cùng quan trọng. Trong đó, Thường trực HĐND cần lựa chọn đúng vấn đề trọng tâm để giám sát, không dàn trải, đã giám sát là phải đến cùng, “thà ít mà tốt”.
Công tác phối hợp giữa các chủ thể giám sát, giữa các cấp HĐND, các cơ quan của HĐND trong triển khai các nhiệm vụ trọng tâm cần phải tăng cường hơn nữa. Đồng thời tiến hành công khai các kết quả giám sát, tăng cường truyền thông giám sát để khẳng định hiệu quả giám sát của HĐND...
Đặc biệt, cần phát huy mạnh mẽ vai trò của các đại biểu, tổ đại biểu HĐND. “Tổ đại biểu HĐND là một trong 4 chủ thể giám sát. Nếu như tất cả các đại biểu đều là “tai mắt”, thực hiện tốt quyền năng giám sát thì kết quả của công tác giám sát sẽ còn tốt hơn nữa. Vì vậy, không chỉ Hà Nội mà các địa phương phải phát huy vai trò của chủ thể này, cũng là một cách để đảm bảo hoạt động giám sát bao quát được nhiều vấn đề”- vị chuyên gia nêu quan điểm.
Vị chuyên gia này cũng chỉ ra, tại mỗi nhiệm kỳ, các đại biểu được bầu mới bao giờ cũng nhiều hơn số đại biểu tái cử, vì vậy, việc bồi dưỡng cho đại biểu phải được tập huấn ngay từ đầu, tránh tình trạng đại biểu mới “vừa chạy, vừa xếp hàng” ảnh hưởng đến kết quả giám sát.
Bàn về quan điểm, “Giám sát phải kết hợp giữa xây và chống, trong đó xây là chủ yếu”, vị chuyên gia này cho rằng, “xây” trong hoạt động giám sát là nhìn nhận, soi xét thực tiễn một cách thấu đáo, không chăm chăm vào những bất cập mà phải mở rộng giám sát ở cả nơi làm hay làm tốt để tổng kết kinh nghiệm, cách làm đưa vào nghị quyết.
|
Ông Võ Xuân Trọng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quận ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND quận Hoàng Mai |
Còn theo ông Võ Xuân Trọng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quận ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND quận Hoàng Mai, để các Tổ đại biểu HĐND đạt hiệu quả trong hoạt động giám sát thì trách nhiệm điều hành của trưởng, phó các ban là rất quan trọng.
Ông Trọng phân tích: Đại biểu kiêm nhiệm, thời gian dành cho công việc chuyên môn sẽ nhiều hơn, thời gian để nghiên cứu sâu cho các nội dung giám sát sẽ hạn chế hơn. Thậm chí có nhiều kỳ các đại biểu vắng mặt, việc này ảnh hưởng hoat động của ban. Đơn cử, các cuộc khảo sát, giám sát của Ban pháp chế phải làm việc với viện tư pháp, cơ quan điều tra… Khi làm việc đòi hỏi đại biểu phải nghiên cứu kỹ, nắm bắt sâu về pháp luật; Thường xuyên chủ động trau dồi, nâng cao năng lực, nghiên cứu các tài liệu.
“Vì thế, ngay khi có kế hoạch các cuộc giám sát, chúng tôi yêu cầu đồng chí Phó ban sưu tầm tài liệu liên quan, đồng thời chuyển báo cáo từ đơn vị được giám sát cho đại biểu. Cá nhân tôi luôn chủ động gửi tài liệu nhắc nhở đại biểu. Đôi khi chúng tôi giao việc trực tiếp cho đại biểu nhằm nâng cao trách nhiệm của họ. Vấn đề là đại biểu cần tích cực, năng động nhiều hơn”- ông Võ Xuân Trọng cho biết.
Được biết, thực hiện Đề án số 15/ĐA-TU ngày 12/5/2022 về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”, HĐND TP đang xây dựng quy chế chung để đảm bảo các Tổ đại biểu HĐND phát huy vai trò trong giám sát. Đặc biệt bàn kỹ về việc đại biểu HĐND có được trực tiếp giám sát tại các đơn vị, đối tượng hay không. Đồng thời có quy định rõ ràng để tránh việc giám sát giữa Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND chồng chéo, gây lãng phí...
Tại hội nghị tổng kết hoạt động của HĐND các cấp TP Hà Nội mới đây, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tăng cường công tác lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy Đảng, nhất là đồng chí Bí thư, Thường trực, Ban Thường vụ cấp ủy; Sự phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp và các cơ quan liên quan trong triển khai các nhiệm vụ; Chú trọng tăng cường lực lượng chuyên trách để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ. Đồng thời, tập trung khai thác nội dung về chế tài trong thực hiện.
|
Năm 2023, HĐND các cấp TP cần tiếp tục "Chủ động, đồng hành, thực chất, hiệu quả”, phát động sâu rộng các phong trào thi đua, lan toả sự đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động" - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị |
“Nếu không thực hiện tốt, không có chuyển biến khi thực hiện kết luận sau giám sát, chất vấn, giải trình thì sẽ xem xét trong quá trình đánh giá, quy hoạch, khen thưởng… Chủ trương này được Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất rất cao, nên cần tập trung khai thác tốt để đạt được hiệu quả, lan toả HĐND các cấp. Với quận, thị xã thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, cần lan toả thiết thực, vừa động viên, khích lệ, vừa trang bị cơ sở pháp lý, truyền cảm hứng để hoạt động HĐND các cấp được xuyên suốt, đồng bộ” - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội gợi mở.
Với tinh thần luôn đồng hành, không ngại đổi mới, hoạt động giám sát của HĐND TP Hà Nội chắc chắn sẽ tạo dấu ấn sâu đậm trong nhiệm kỳ này. Đây sẽ là nền móng quan trọng để nâng tầm hoạt động của cơ quan dân cử tại địa phương.