Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022 quy định việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt từ nguồn cùng phương pháp thu phí xử lý rác thải mới dựa trên khối lượng hoặc thể tích. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo nên cơ chế để rác trở thành một nguồn tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế, đồng thời giảm áp lực lên quy trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay tại Hà Nội. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Thế Chinh để làm rõ hơn các nội dung mới trong luật.
Tôi cho rằng, ưu điểm của việc xử lý rác thải sinh hoạt trong nội thành của Hà Nội là không để rác tồn đọng. Lượng rác thải hằng ngày được thu gom gọn gàng, sạch sẽ một ngày hai lần; Nhân viên vệ sinh quét dọn trách nhiệm, đầy đủ.
Còn tại một số nơi ở nông thôn, ví dụ như huyện Đông Anh đã bắt đầu hình thành thói quen phân loại rác thải, chú trọng việc thu lại những thứ có thể tái chế, tái sử dụng được.
Bên cạnh đó, ý thức người dân có sự thay đổi. Thay vì bị vứt lung tung, rác đã được gói cẩn thận trong túi nilon và có khu tập kết chung để đưa đi xử lý trên bãi rác Nam Sơn. Các cơ quan thu gom cũng có hệ thống xe chuyên dụng chở rác được thiết kế kín, hạn chế được mùi hôi trên đường đi.
Tuy nhiên, công tác xử lý rác thải sinh hoạt ở Hà Nội cũng có vài hạn chế. Nhược điểm lớn nhất hiện nay là chưa có một quy hoạch và cách quản lý rác thải văn minh cho đô thị. Các điểm tập kết rác chủ yếu hiện nay là tự phát. Do vậy, dọc đường đi thi thoảng lại có một nơi tập kết rất nhiều xe đẩy rác. Điều này vừa gây mất vệ sinh đô thị, vừa cản trở giao thông.
Thứ hai, nhân viên vệ sinh, thu gom rác chưa thực sự chuyên nghiệp, nhiều lao động chưa được đào tạo. Do đó, việc thu gom rác thải chưa trở thành một lĩnh vực dịch vụ đúng nghĩa trong bối cảnh thị trường. Từ đó, người thu gom rác vẫn chưa được bảo vệ và tôn vinh trong xã hội.
Điều này xuất phát từ những đòi hỏi của thực tiễn và các điều kiện cho phép.
Ở thời điểm hiện tại, cuộc sống đã tương đối đầy đủ, người dân không phải lo nghĩ nhiều về việc làm kinh tế như trước nên nhận thức về vấn đề rác thải tăng lên. Áp lực của xã hội phát triển đã đạt đến mức thay đổi nhận thức, xem rác là một nguồn tài nguyên. Mặt khác, năng lực tái chế, tái sử dụng rác thải đã được cải thiện nhờ vào sự phát triển của công nghệ xử lý. Với những nước có nền kinh tế tương đối phát triển và nhận thức người dân cao, việc phân loại rác thải từ nguồn là đương nhiên. Việt Nam không thể đi ngược lại xu thế đó.
Để làm được điều đó, cần phải có một hành lang pháp lý rõ ràng. Sắp tới, việc phân loại rác tại nguồn sẽ có tính bắt buộc, ai không thực hiện được, luật sẽ xử lý. Các địa phương có thời hạn 3 năm để chuẩn bị những điều kiện thi hành luật mới, từ khâu phân loại tại nguồn, tổ chức thu phí theo quy định mới...
Về dài hạn, việc phân loại rác thải sinh hoạt được quy định trong luật sẽ đem lại nhiều thuận lợi cho Thủ đô.
Cách phân loại mới chia rác thành ba kiểu chính: Hữu cơ, rác tái chế, rác đốt. Rác hữu cơ sau khi xử lý, tái chế có thể làm thành thành phân bón, chất khử mùi, mùn để trồng cây, chăm bón cây trồng hoặc làm thức ăn cho động vật. Rác được tái chế là quá trình rác thải hoặc vật liệu không cần thiết (phế liệu) thành vật liệu mới với khả năng ứng dụng đem lại lợi ích cho con người. Rác đốt tạo ra điện và trở thành một vòng kinh tế tuần hoàn.
Từ đó có thể thấy, lợi ích thứ nhất là chúng ta có thể thu được nguồn lợi lớn từ các rác thải có thể tái chế và tái sử dụng được. Ngoài ra, việc phân loại rác thải nguồn sẽ làm giảm áp lực chôn lấp. Như chúng ta đã biết bãi chôn lấp Nam Sơn đã quá tải, giá đất ở đô thị cao, việc tiết kiệm đất rất quan trọng.
Thứ hai, các nhà máy đốt rác phát điện ra đời tới đây sẽ đem lại nhiều lợi ích về kinh tế. Bản chất của mô hình này là đốt những thứ vô cơ hoặc những thứ cháy được, có nghĩa là rác đã qua phân loại. Sản phẩm đầu ra là điện được Nhà nước mua lại.
Như vậy, nếu chúng ta làm tốt công tác phân loại rác thải sinh hoạt thì chính rác tạo ra kinh tế, tạo nên tính sử dụng không lãng phí. Đây chính là biểu hiện của xã hội văn minh. Con người bảo vệ môi trường nhưng đồng thời vẫn phát triển kinh tế.
Chung quy lại, việc phân loại rác khi đưa vào quy định, dù có tính áp lực, bắt buộc nhưng đem đến lợi ích dài hạn trong bối cảnh kinh tế thị trường. Đó chính là động lực để toàn xã hội thực hiện việc này.
Việc áp dụng cách tính phí rác thải mới sẽ xóa bỏ cơ chế cào bằng giá, tạo sự công bằng với người xả rác.
Mặt khác, việc xử lý rác cần kinh phí và nguyên tắc của người xử lý là xử lý theo khối lượng. Hiện nay, kinh phí xử lý rác chưa đủ, việc thu phí theo khối lượng giúp tạo ra dòng tiền để đầu tư trở lại cho dịch vụ thu gom rác. Đó cũng là điều tất yếu để đảm bảo tính công bằng, văn minh.
Thêm vào đó, quy định thu phí xử lý rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thải ra sẽ làm cho ý thức của người dân được hình thành. Người dân có trách nhiệm với rác thải mình xả ra môi trường, không để rác bị lãng phí.
Do sự chênh lệch mức sống giữa các khu vực, nên cách tính các mức tiền xử lý rác thải sinh hoạt sẽ được quy định theo giá tại địa phương. Dần dần, câu chuyện thu phí thông qua giá sẽ được gỡ bỏ.
Giá tức là thỏa thuận hai phía, bên có nhu cầu và bên cung cấp dịch vụ, hai bên gặp nhau ở một điểm. Khi đó, giá bao nhiêu cho một cân rác, cho một túi rác, cho một thùng rác sẽ do tùy địa phương quy định.
Cuối cùng, điều mà luật hướng đến không phải là phí mà là giá dịch vụ, tùy theo nhu cầu của mỗi địa phương để có một mức tính phù hợp. Giá phù hợp đủ để đảm bảo cho việc đủ chi phí xử lý cho người tham gia dịch vụ đấy.
PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Nội dung: Phạm Mạnh, Hà Thu, Minh Quân, Hằng Hoàng Đồ họa: Hằng Hoàng, Đỗ Lý, Minh Quân |