|
|
|
Chị Trần Kim Huyền, Bí thư Quận đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho rằng, những năm qua, Thủ đô đạt được rất nhiều thành tựu toàn diện, quan trọng trên các lĩnh vực, để có được những thành quả như vậy, bên cạnh chính sách và chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, thành phố, còn có những cống hiến trong sáng, không ngừng của đội ngũ trí thức trong, ngoài nước.
"Rất nhiều trí thức lựa chọn con đường đồng hành với bước tiến của Thủ đô. Trong đó có người là đảng viên, có người không phải là đảng viên nhưng tựu chung một khát vọng vì sự hùng cường của Việt Nam để sánh vai cùng các cường quốc năm châu, vì tình yêu với Hà Nội", chị Huyền chia sẻ.
Theo chị Huyền, sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2025, Hà Nội sẽ có điều kiện áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù và có sự chủ động trong công việc.
|
Bí thư Quận đoàn Hoàn Kiếm, cho rằng, ngoài việc thực hiện các chế độ đãi ngộ, lương, thì chọn người tài đức phải dựa vào sự tâm huyết, chân thành trong nhận thức cùng khát vọng cống hiến trong sáng, chính đáng của họ. Cũng chính vì sự tự trọng, khát vọng cống hiến, người có tài đức sẵn sàng gánh vác những trọng trách được giao. Họ sẽ chủ động đề xuất, dám nghĩ, dám làm và tự chịu trách nhiệm trước những quyết định của bản thân.
Còn chị Nguyễn Thu Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Azmax nhìn nhận, cùng với nguồn lực đất đai, vốn đầu tư, ngân sách, nhân lực là một trong 4 nguồn lực phát triển kinh tế Thủ đô.
Để xây dựng Hà Nội trở thành đô thị thông minh cần dựa trên nền tảng công nghệ cao, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề tối quan trọng để thực hiện các mục tiêu này. Chị Nguyễn Thu Hương đề xuất: "Nhằm tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài cho Thủ đô, lãnh đạo thành phố cần có chính sách tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động trong các lĩnh vực trọng yếu đạt trình độ quốc tế.
|
Cùng với đó là tăng cường đào tạo thường xuyên, đào tạo lại cho người lao động, đặc biệt là kỹ năng mềm, tính kỷ luật, kỷ cương lao động; đồng thời đa dạng hóa các phương thức đào tạo dựa theo mô hình giáo dục mở, khung trình độ quốc gia, gắn với thị trường, đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế ở các lĩnh vực ưu tiên, phát huy vai trò trung tâm giáo dục - đào tạo của cả nước".
Chị Hương cho rằng, thời gian tới, thành phố cần xác định đây là khâu đột phá với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo; chuyển tiềm năng trí tuệ của nguồn nhân lực thành những thành quả ứng dụng, sáng tạo khoa học công nghệ, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế.
|
Là thủ khoa xuất sắc năm 2004, GS.TS Nguyễn Khánh Diệu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho biết, được tuyên dương thủ khoa xuất sắc là niềm vinh dự, tự hào. Tuy nhiên tự hào đi liền trách nhiệm, phải nỗ lực phấn đấu bởi danh hiệu thủ khoa mới chỉ là bước khởi đầu.
“Trước khi trở về nước, tôi đã có một công việc rất tốt ở Anh. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định trở về Việt Nam bởi tin rằng sẽ có nhiều điều kiện phát triển. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi cho rằng ngoài đãi ngộ, thì môi trường làm việc là yếu tố quan trọng để thu hút, giữ chân nhân tài”, GS.TS Nguyễn Khánh Diệu Hồng chia sẻ.
|
Cũng từng là thủ khoa xuất sắc về Hà Nội công tác gần 10 năm, chị Nguyễn Quỳnh Trang, Bí thư Quận đoàn Hoàng Mai cho rằng, chế độ đãi ngộ và chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay còn nhiều bất cập. Đây là điều cần khắc phục để thu hút, giữ chân người tài.
“Tiền lương và các chế độ đãi ngộ trong một số trường hợp không phải là yếu tố duy nhất để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Yếu tố môi trường làm việc và sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là thủ trưởng cơ quan, đơn vị có sự động viên ghi nhận kịp thời sẽ là động lực to lớn để thúc đẩy đội ngũ này tiếp tục cống hiến”, chị Nguyễn Quỳnh Trang chia sẻ
Phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế |
|
Theo anh Bùi Vũ Nghĩa (trú tại quận Đống Đa, thành phố Hà Nội), nhiều cán bộ công chức, viên chức, người lao động rơi vào trạng thái không chắc chắn trong 5 năm nữa, họ có còn làm việc tại cơ quan hiện tại hay không. Tuy nhiên, hầu hết ai cũng mong muốn nhìn rõ lộ trình phát triển sự nghiệp của mình ở đó, để cảm thấy yên tâm, tin tưởng vào tổ chức và cống hiến.
Anh Nghĩa cho rằng, với những nhân viên giỏi có đam mê với nghề, họ luôn mong muốn có được một lộ trình thăng tiến cụ thể và cơ hội phát triển năng lực cá nhân mỗi ngày. Bởi vậy, mỗi cơ quan, đơn vị cần hoạch định và thể hiện rõ lộ trình phát triển cho từng vị trí để mỗi nhân sự đều nhìn thấy được khả năng phát triển sự nghiệp của bản thân.
Từng làm việc trong cơ quan Nhà nước, anh Bùi Vũ Nghĩa nhận thấy, cán bộ, nhân viên luôn mong muốn cơ quan là nơi để được học hỏi, chấp nhận những thiếu sót và cho cán bộ cơ hội hoàn thiện bản thân.
Anh cho rằng, nâng cao chất lượng nhân sự không chỉ đem tới lợi ích về mặt năng suất lao động cho cơ quan mà còn là cách tạo lòng tin và trách nhiệm cho người lao động.
Nhất là với thế hệ trẻ ngày nay, nếu tổ chức cho thấy khả năng phát triển nghề nghiệp và không gian để họ học hỏi, cải thiện bản thân, thì không có lý do gì để họ từ chối lựa chọn gắn bó lâu dài. Một động lực rất lớn để mỗi người làm việc hết mình là khi tìm thấy giá trị và ý nghĩa của bản thân trong công việc mình làm. Trước hết là cho chính họ và sau là cho tổ cơ quan, hơn thế nữa là cho cộng đồng và xã hội.
Với những nhân viên giỏi có đam mê với nghề, họ luôn mong muốn có được một lộ trình thăng tiến cụ thể và cơ hội phát triển năng lực cá nhân mỗi ngày |
“Theo tôi, cán bộ công chức, viên chức, người lao động, nhất là những người tài giỏi luôn muốn cảm thấy mình đang tạo ảnh hưởng đến cơ quan như thế nào. Môi trường làm việc cần có tính kích thích, thoải mái để thúc đẩy tinh thần của người lao động, để họ sẵn sàng làm việc hết khả năng. Tôi cho rằng, nếu cán bộ, nhân viên được nhìn nhận tốt hơn, họ sẽ có động lực hơn trong công việc. Động viên đúng cách mang lại hiệu suất làm việc và kết quả cao hơn”, anh Nghĩa bày tỏ.
Thực hiện: Lê Dung - Lê Trang |
Bài viết liên quan:
Bài 2: Trải thảm đỏ nhưng Hà Nội vẫn thiếu nhân tài
Bài 3: Tuyển nhân tài đã khó “dụng” còn khó hơn
Bài 4: Trẻ hóa đội ngũ cán bộ để tìm người tài