Vụ cháy lớn xảy ra tại chung cư mini số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội vào tối 12/9, đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về hiểm họa liên quan đến cháy nổ tại những chung cư mini trong các khu dân cư. Ngay sau khi vụ cháy xảy ra, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã tích cực vào cuộc khắc phục hậu quả và thể hiện quyết tâm chấn chỉnh công tác phòng cháy, chữa cháy trên tinh thần xử lý “không có ngại lệ”.
Vào hồi 23h50 phút ngày 12/9, trên địa bàn phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, xảy ra một vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại chung cư mini số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, có diện tích khoảng 200m2, với khoảng 150 người dân sinh sống.
Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ cháy, lãnh đạo thành phố, lực lượng Công an thành phố, lãnh đạo quận Thanh Xuân đã ngay lập tức có mặt tại hiện trường và chỉ đạo, thực hiện các phương án cứu hộ, cứu nạn. Đến 5h ngày 13/9, thống kê sơ bộ cho biết đã thực hiện cứu nạn thành công trên 70 người dân, đưa đi cấp cứu 54 người.
Đây là vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng, các cơ quan của quận Thanh Xuân đang phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố và các lực lượng chức năng khẩn trương xử lý tại hiện trường, tiến hành hỗ trợ người bị nạn và có các phương án khắc phục hậu quả vụ cháy, đồng thời tiến hành điều tra nguyên nhân vụ cháy.
Một lần nữa, nguy cơ cháy, nổ tiềm ẩn ở chung cư mini lại gióng lên hồi chuông cảnh báo. Hơn bao giờ hết, cuộc chiến với “giặc lửa” đang thật sự trở nên nguy nan và cấp bách.
Theo các chuyên gia xây dựng, nhiều nhà chung cư mini tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, song mô hình này vẫn xếp vào loại nhà ở hộ gia đình và được thực hiện rà soát, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) theo diện nhà ở kết hợp cơ sở kinh doanh. Trên thực tế, đây là chung cư bởi vì có hàng chục hộ dân, có mua bán, trao đổi, cho thuê nhưng lại không được thẩm duyệt an toàn PCCC khi xây dựng. Lỗ hổng này dẫn đến việc chấp hành quy định an toàn PCCC ở đây rất hạn chế, thậm chí chủ nhà không chấp hành khi kiểm tra hoặc tuyên truyền PCCC.
Luật nhà ở quy định: Căn hộ của nhà chung cư mini được xây dựng theo Giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền cấp, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, đảm bảo phòng cháy, chữa cháy và quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 hoặc quy hoạch xây dựng đô thị đối với khu vực đã có quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng thì được cấp Giấy chứng nhận.
Tuy nhiên việc kiểm tra, giám sát nhiều nơi còn buông lỏng. Theo Phụ lục V Nghị định 136/2020/NĐ-CP “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật phòng cháy và chữa cháy và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng cháy và chữa cháy”, thì nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; Nhà hỗn hợp cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000m3 trở lên phải buộc có giấy phép về phòng cháy, chữa cháy.
Theo Thượng tá Đỗ Anh Quyến - Phó trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm, ngôi nhà khi xin phép xây dựng thì chỉ thiết kế cho một gia đình sử dụng nhưng sau đó thực tế lại chuyển sang mục đích cho thuê với số lượng nhiều người ở, cùng chung sinh hoạt, tất yếu tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Hệ thống điện trong ngôi nhà khó đáp ứng được nhu cầu của đông người sinh hoạt. Do đó, tần suất quá tải của dây dẫn trong thời gian dài có thể dẫn đến chập, cháy. Chưa kể kèm theo đó xăng xe bốc hơi trong không gian hẹp, tích trữ thành khí và rất dễ bén lửa, chỉ cần gặp tia lửa điện cũng bùng phát thành đám cháy”.
Cũng theo Thượng tá Đỗ Anh Quyến, điều đáng lo ngại phần lớn các vụ cháy đều xảy ra về đêm, rạng sáng. Đây là thời điểm dễ thiệt hại về người nhất bởi khi đó tất cả đều đã ngủ say, ngọn lửa bùng phát lớn mới phát hiện.
Theo khảo sát PV, trên địa bàn thành phố Hà Nội, hiện nay, loại hình nhà chung cư mini xuất hiện khá nhiều, đặc biệt là tại các quận nội thành. Những chung cư mini này đa phần đều được xây dựng trong những ngõ, ngách nhỏ, không có hệ thống PCCC hoặc có nhưng không đảm bảo tiêu chuẩn. Đặc biệt, việc cơi nới, tận dụng tối đa diện tích tại các chung cư mini cũng làm tăng nguy cơ mất an toàn PCCC cho các công trình này, khi mà phần diện tích xây dựng tăng thêm đã làm thay đổi thiết kế của công trình, thu hẹp và thậm chí là chiếm mất lối thoát hiểm.
Tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cháy nổ là vậy, tuy nhiên, nhiều người dân sống tại các khu chung cư mini vẫn tỏ ra thờ ơ đối với công tác PCCC. Khi được hỏi về một số kỹ năng cơ bản trong việc ứng phó khi có cháy nổ xảy ra hay cách sử dụng bình chữa cháy, nhiều người đều lắc đầu tỏ vẻ không biết. Chính điều này đã gây khó khăn cho lực lượng PCCC và các cơ quan chức năng khi thực hiện nhiệm vụ, dẫn đến rủi ro lớn ngay cả với những đám cháy thông thường.
Việc chủ động PCCC là không bao giờ thừa bởi chỉ cần một phút lơ là, mất cảnh giác, ngọn lửa có thể thiêu rụi tài sản và có thể ảnh hưởng đến tính mạng con người. Đối với chung cư mini, để công tác PCCC thực sự đem lại hiệu quả, ngoài sự cố gắng của chính quyền, lực lượng chức năng thì đòi hỏi người dân, các hộ gia đình phải nâng cao ý thức trách nhiệm; Tham gia các lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến kiến thức PCCC, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định về PCCC. Có như thế cháy nổ mới không xảy ra.
Chỉ thị số 25-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội nêu rõ, trong thời gian qua, quán triệt và thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của trung ương, Thủ tướng Chính phủ, thành phố đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH). Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và các lực lượng chức năng của thành phố đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt được những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, gần đây, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhất là cháy, nổ tại các khu dân cư, hộ gia đình, chung cư, nhà cao tầng, khu nhà trọ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở hoạt động vui chơi giải trí, karaoke, vũ trường, chợ, cụm điểm làng nghề truyền thống, khu, cụm công nghiệp...
Đặc biệt, vụ cháy xảy ra đối với nhà ở nhiều căn hộ tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng và rất đáng tiếc, gây hậu quả, thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và đời sống của người dân.
Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do tốc độ đô thị hóa, tăng dân số nhanh nhưng hạ tầng, trang thiết bị về PCCC được đầu tư, song chưa đáp ứng so với yêu cầu thực tế. Cùng với đó, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực chưa coi trọng đến công tác PCCC và CNCH; Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý nhà nước của chính quyền địa phương ở một số nơi về PCCC và CNCH có lúc, có nơi còn buông lỏng, thiếu chặt chẽ, đồng bộ…
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, nhiều nơi làm "qua loa, chiếu lệ", chưa quan tâm phân tích nguyên nhân các vụ cháy để rút kinh nghiệm, chỉ rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm khắc để phòng ngừa sai phạm. Không những vậy, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe; Một bộ phận không nhỏ người dân chưa nhận thức, ý thức được tầm quan trọng đối với công tác phòng, chống cháy, nổ, phòng ngừa, ứng phó sự cố, tai nạn, còn chủ quan.
Trước thực tế trên, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo quán triệt quan điểm trong công tác phòng cháy, cứu nạn. Cụ thể, xác định người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn, tính mạng người dân là trên hết, trước hết. An toàn cháy, nổ là điều kiện tiên quyết để Hà Nội phát triển về mọi mặt.
Chỉ thị cũng đặt ra nhiệm vụ phải ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới không để xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan. Đồng thời, đề cao ý thức phòng ngừa, nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn của người dân trong phòng cháy chữa cháy.
"Việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy là một tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, hội viên, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. Cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị đối với nhiệm vụ phòng cháy" - Chỉ thị nêu rõ.
Ngoài ra, Thành ủy Hà Nội yêu cầu triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế các vụ cháy, nổ, nhất là ở các khu vực có nguy cơ cháy, đặc biệt các khu dân cư, hộ gia đình, chung cư, nhà cao tầng, karaoke, vũ trường...
"Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình" - Chỉ thị nêu rõ trách nhiệm.
Các hành vi vi phạm các quy định về phòng cháy buộc phải được xử lý nghiêm theo quy định và bắt buộc các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy phải khắc phục mới được hoạt động. "Việc thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trong diện quản lý phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ và tuân thủ theo quy định pháp luật trên nguyên tắc không có vùng cấm, không có ngoại lệ" - Thành ủy Hà Nội chỉ đạo.
Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị phải thực hiện nghiêm công tác thẩm định, cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng, đô thị theo đúng quy định. Đặc biệt, xử lý nghiêm các công trình xây dựng không phép, trái phép (trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, sử dụng đất sai mục đích) và các công trình vi phạm về trật tự xây dựng, công trình chưa được thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu về phòng cháy theo quy định nhưng đã đưa vào hoạt động.
Cùng với đó, cơ quan chức năng xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng trong quản lý, cấp phép xây dựng phòng cháy, chữa cháy và để xảy ra cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng. "Cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân nào không làm tốt công tác quản lý, cấp phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy theo chức năng, nhiệm vụ được giao, để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về người và tài sản nghiêm trọng thì thủ trưởng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị quản lý và cá nhân đó phải chịu trách nhiệm trước Ban thường vụ Thành ủy và trước pháp luật" - Chỉ thị nhấn mạnh.
Ngày 22/9, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội ban hành Thông báo số 439/TB-VP, kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh tại Hội nghị trực tuyến triển khai Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Điện mật của Bộ Công an, Công điện của UBND thành phố về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi là chung cư mini) trên địa bàn thành phố.
Việc triển khai Kế hoạch số 234/KH-UBND ngày 15/9/2023 của UBND thành phố về tổng kiểm tra, rà soát loại hình nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu công tác kiểm tra, xử lý vi phạm phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, công khai, minh bạch, bảo đảm khách quan và tuân thủ theo quy định của pháp luật trên nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu quá trình kiểm tra phải bảo đảm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân; Coi trọng vai trò kiểm tra, giám sát của Nhân dân, các cơ quan thông tấn, báo chí đối với việc chấp hành pháp luật của chủ cơ sở, chủ hộ gia đình, người dân và công tác kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng; Kiên quyết áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả theo đúng thẩm quyền, quy định; Chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để điều tra, xử lý nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với UBND quận, huyện, thị xã tham mưu UBND thành phố xử lý dứt điểm các tồn tại đối với loại hình cơ sở chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào sử dụng. Sở Công thương, Tổng Công ty Điện lực thành phố phối hợp, chủ động tham mưu cho thành phố hướng dẫn, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý và sử dụng điện.
Đối với việc đưa chương trình giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng cháy vào học đường, UBND thành phố yêu cầu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo triển khai đến 100% các cơ sở giáo dục trực thuộc trong năm học 2023 - 2024.
UBND thành phố giao Công an thành phố thường xuyên kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các ngành; Cần thiết nghiên cứu đề xuất Ủy ban Kiểm tra Thành ủy xem xét kiểm tra đối với các đơn vị, địa phương đã được hướng dẫn, kiểm tra, nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn để xảy ra những tồn tại, sai phạm trong công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gây hậu quả nghiêm trọng.
Đối với các vụ cháy để xảy ra chết người, Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Nội vụ, Ban Thi Đua - Khen thưởng thành phố xem xét cắt thi đua, không xem xét trình khen thưởng đối với các đơn vị, cá nhân có liên quan mà trên địa bàn để xảy ra cháy gây thiệt hại về người, thiệt hại lớn về tài sản.
Những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm 2023, cùng với các quận, huyện trên địa bàn toàn thành phố, Công an quận Đống Đa (Hà Nội), lực lượng nòng cốt của Ban Chỉ đạo 197 quận tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các điều kiện về phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ với phương châm “không có ngoại lệ, không có vùng cấm”.
Tại Hội nghị giao ban Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP với lãnh đạo quận, huyện, thị xã quý III/2023 diễn ra mới đây, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết, quận Đống Đa có dân số trên 37 vạn người, địa bàn có hơn 1.000 ngõ ngách với tổng chiều dài 163km. Trong đó, có 232 ngõ sâu chiều ngang dưới 3m, xe chữa cháy không tiếp cận được, không có nguồn nước chữa cháy.
Trên địa bàn quận có 600 cơ sở không đảm bảo về yêu cầu PCCC được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC có hiệu lực. Trong đó, 494 cơ sở thuộc loại hình chung cư, nhà tập thể cũ (chiếm 82,33%); 9 cơ sở thuộc loại hình bệnh viện (chiếm 1,5%); 32 cơ sở thuộc loại hình trường học, giáo dục (chiếm 5,34%); 4 cơ sở thuộc lại hình chợ (chiếm 0,66%); 5 cơ sở loại hình kho bãi hàng hóa (chiếm 0,83%); 46 cơ sở cơ sở thuộc loại hình văn phòng, trụ sở làm việc (chiếm 7,67%); 10 cơ sở thuộc loại hình khác (chiếm 1,67 %). Hiện đã thực hiện đôn đốc ký cam kết và phê duyệt lộ trình thực hiện khắc phục PCCC của 106/600 (đạt tỷ lệ 17,6%).
Ngoài ra, toàn quận hiện có tổng số 1.946 cơ sở chung cư mini, trong đó có 1.881 cơ sở kinh doanh cho thuê trọ với 9.170 hộ đang thuê trọ và 65 chung cư mini với 1.768 hộ dân đang sinh sống. Qua đánh giá sơ bộ, hầu hết các cơ sở này không đảm bảo về công tác PCCC, không đảm bảo khoảng cách an toàn đối với các công trình xung quanh và hầu hết các cơ sở chỉ có 1 lối thoát nạn mỗi tầng, thiếu thang bộ thoát nạn, chưa có các giải pháp ngăn cháy phù hợp.
Triển khai thực hiện Công điện số 02 và Kế hoạch số 234 ngày 15/9/2023 của UBND Thành phố, quận đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện, đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành, xây dựng tiến độ tổng kiểm tra 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ và công trình nhà ở nhiều căn hộ.
Lực lượng PCCC của quận, ngoài 50 chiến sỹ PCCC chuyên nghiệp của Đội cảnh sát PCCC Công an quận, toàn quận có 380 đội dân phòng tại 380 tổ dân phố với 3.861 thành viên; 1.221 đội PCCC cơ sở với 8.168 thành viên được tập huấn nghiệp vụ hàng năm.
Clip: Tổ liên gia an toàn PCCC phường Thổ Quan (quận Đống Đa, Hà Nội) tham gia thực tập phương án PCCC và CNCH
Quận đã ưu tiên nguồn lực đầu tư năm 2023, triển khai thực hiện dự án đầu tư trang thiết bị PCCC cho 380 đội dân phòng PCCC và khu dân cư trên địa bàn quận với tổng mức đầu tư 28,2 tỷ đồng. Tại các hộ gia đình cũng được tuyên truyền, vận động tự trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ. Hiện đã có 27.124 hộ tự trang bị bình chữa cháy xách tay với 27.543 bình chưa cháy, 37.750 dụng cụ phá dỡ.
Từ đầu năm đến nay, quận đã tổ chức 185 buổi tuyên truyền về PCCC&CNCH tại các khu dân cư, tổ dân phố với tổng số 41.752 người tham dự. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH đối với 3.863 hộ gia đình để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, đạt tỉ lệ 100%.
Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn quận đã xảy ra 10 vụ cháy lớn, nhỏ tại các công trình nhà ở riêng lẻ. Nguyên nhân đều được xác định do phát sinh cháy từ các thiết bị điện dân dụng.
Các lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra 3.323 lượt cơ sở và xử phạt 121 trường hợp; Kiểm tra và xử lý, tạm đình chỉ 28/28 cơ sở kinh doanh Karaoke trên địa bàn; Thành lập 379 Tổ liên gia PCCC và 921 điểm theo mô hình điểm chữa cháy công cộng; Tổ chức ký cam kết thực hiện mô hình “Hộ gia đình an toàn PCCC theo phương châm 4 tại chỗ” đối với 59.809/60.789 nhà ở riêng lẻ (đạt 98,4%).
Bên cạnh đó, lực lượng Ban chỉ đạo 197 quận Đống Đa nghiêm túc triển khai Công điện số 02 và Kế hoạch số 234 của UBND thành phố; Tuân thủ phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, quyết liệt triển khai công tác tổng kiểm tra, rà soát 100% các cơ sở kinh doanh cho thuê trọ, chung cư mini.
Trong 2 ngày 26 và 27/9, Đoàn kiểm tra liên ngành (có sự tham gia của Công an quận Hà Đông, lực lượng nòng cốt của Ban chỉ đạo 197 quận) đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở dịch vụ cho thuê trọ trên địa bàn phường Kiến Hưng.
Theo ghi nhận quá trình kiểm tra tại hộ kinh doanh Vương Huy Hùng, địa chỉ lô 11, 12 Liền kề 23, Khu đấu giá quyền sử dụng đất thuộc tổ dân phố 10 có 2 căn nhà được xây dựng năm 2018, 2019, bắt đầu cho thuê trọ 2019. Chủ kinh doanh cho biết, căn hộ cho thuê theo tính chất tự phát, không có hợp đồng thuê trọ, tổng diện tích xây dựng 104 m2, cao 8 tầng với 48 phòng; Đã được cấp phép xây dựng. Kiểm tra thực tế, căn nhà đã bố trí lối thoát nạn, nhà nằm ở đường lớn, xe chữa cháy tiếp cận được. Tòa nhà đã trang bị 28 bình chữa cháy xách tay, tuy nhiên cầu thang hở, không đảm bảo điều kiện ngăn cháy lan giữa các tầng.
Đoàn công tác kiểm tra điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy tại hộ gia đình anh Nguyễn Văn An, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội |
Qua kiểm tra Đoàn liên ngành đề nghị chủ cơ sở xây dựng, lập và lưu giữ đầy đủ hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC của tòa nhà; Định kỳ kiểm tra hệ thống phòng cháy chữa cháy, xây dựng phương án chữa cháy của tòa nhà theo đúng quy định. Chủ cơ sở phải thực hiện đầy đủ các điều kiện về phòng cháy chữa cháy theo quy định, như: trang bị hệ thống báo cháy, hệ thống họng nước chữa cháy, chữa cháy tự động. Đối với hệ thống điện chung của tòa nhà, Đoàn kiểm tra đề nghị cần làm kín tránh ảnh hưởng đến hệ thống dây do các loài ngặm nhấm gây ra.
Trước đó, ngày 19/9/2023, Quận ủy Hà Đông đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/QU về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi là chung cư mini), cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ trên địa bàn quận Hà Đông".
Nghị quyết đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, cụ thể như: Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân trong công tác PCCC &CNCH tại các chung cư mini và cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ.
Đồng thời, cấp ủy Đảng, chính quyền đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC&CNCH tại các chung cư mini và cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp trong công tác PCCC&CNCH tại các chung cư mini và cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ.
Các cấp chính quyền tăng cường kiểm tra, giám sát trong công tác PCCC&CNCH tại các chung cư mini và cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ; kiên quyết xử lý các vi phạm theo quy định.
Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng cho biết, quận đang tập trung công tác tuyên truyền về PCCC, trong đó nhấn mạnh hậu quả của các vụ cháy; Tuyên truyền hướng dẫn các kỹ năng phòng cháy, thoát nạn, cách thức xử lý khi xảy ra cháy; Tập trung cao cho công tác quản lý; Đầu tư ttrang thiết bị cho lực lượng chữa cháy tại khu dân cư, tổ dân phố, lắp đặt các tổ chữa cháy công cộng; Gắn chặt trách nhiệm người đứng đầu trong PCCC...
Cùng với đó, quận đã thành lập 18 tổ kiểm tra để tổng kiểm tra, rà soát chung cư mini, các nhà cho thuê trọ có nhiều căn hộ. Qua rà soát sơ bộ, địa bàn quận có khoảng 1.900 chung cư mini, nhà cho thuê trọ; Trong đó có khoảng gần 90 chung cư mini.
Đến nay, quận đã kiểm tra 180 chung cư mini, nhà thuê trọ (có mức độ cư dân ở đông như chung cư mini). Các đoàn kiểm tra đã yêu cầu di chuyển xe máy, xe đạp điện tại tầng 1." Chúng tôi đặt mục tiêu nếu không di chuyển được toàn bộ phương tiện thì phải di chuyển được 70 - 80% phương tiện xe máy, xe đạp điện để nếu xảy ra sự cố thì mức độ ảnh hưởng sẽ giảm bởi qua thống kê khoảng 90% vụ cháy đều xuất phát từ tầng 1" - Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết.
Quận cũng yêu cầu các chủ đầu tư phối hợp lắp đặt cửa chống cháy ngăn từ tầng 1 vào cầu thang bộ, từ cầu thang bộ lên các tầng cao hơn để ngăn khói vào các tầng; Yêu cầu tại tầng 1 trang bị thêm bình chữa cháy công suất lớn; Đồng thời, khuyến nghị người dân tăng cường trang bị thang dây thoát hiểm, cửa sổ có bản lề để nếu cháy có thể mở thoát hiểm...
Lãnh đạo quận Thanh Xuân đề nghị TP tăng cường trang bị thiết bị chuyên dụng cho lực lượng PCCC; Nghiên cứu có giải pháp tổng thể với các cơ sở nhà trọ, nhà cho thuê đang có vi phạm về PCCC để xử lý triệt để về vấn đề PCCC.
Nội dung: Văn Thiêm |
|