|
Nhìn nhận vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng từ góc nhìn văn hóa, thì văn hóa cần phải trở thành “lá chắn mềm” theo tinh thần “hoa thơm sẽ lấn át cỏ dại” để loại trừ sự phản cảm, xấu độc, sai trái… vẫn đang hàng ngày len lỏi, cố gắng tiếp cận người dân, phá hoại xã hội.
Chính vì thế, việc phát huy những giá trị của văn hoá, phát huy “sức mạnh mềm” để bảo vệ sự trường tồn của đất nước, dân tộc đang được Đảng ta đẩy mạnh.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền văn hóa đã có đóng góp to lớn vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc. Tuy nhiên, trong thời gian dài, văn hóa chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí.
Trong khi đó, mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự tác động của quá trình hội nhập quốc tế dường như thúc đẩy lối sống chạy theo vật chất, đồng tiền, đề cao các giá trị hình thức bề ngoài. Các sản phẩm văn hóa ngoại lai có xu hướng tuyên truyền quảng bá lối sống thực dụng, khiến nhiều người quên đi cội nguồn dân tộc, xem nhẹ tình người, không có mục tiêu lý tưởng, trách nhiệm với quốc gia dân tộc. Nhiều người, đặc biệt là một bộ phận giới trẻ bị cuốn theo những phù phiếm bề nổi, mà coi nhẹ các giá trị thực chất, bên trong.
Ngoài ra, tinh thần "lấy cái đẹp để dẹp cái xấu" chưa được thực hiện nghiêm túc, những thông tin tích cực, gương người tốt việc tốt chưa được truyền thông mạnh mẽ, trong khi các tin bài giải trí thông tục, giật tít, câu view có tần suất gia tăng, ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng, thị hiếu, thẩm mỹ của công chúng, dẫn tới tình trạng "nhờn cảm xúc", thái độ vô cảm trong xã hội hiện nay.
Đáng chú ý, với những luận điệu mị dân “dân chủ”, “nhân quyền”, “bảo vệ tự do”, “cổ vũ sáng tạo nghệ thuật”, các thế lực thù địch tấn công vào sự mơ hồ, mất cảnh giác, thiếu niềm tin của một số văn nghệ sĩ, trí thức có lập trường tư tưởng dao động. Một bộ phận văn nghệ sĩ, trí thức vào tổ chức, hội nhóm bất hợp pháp sáng tạo nên những sản phẩm lệch lạc, đi ngược lại giá trị cao đẹp của chân - thiện - mỹ, đối lập với ước vọng và lý tưởng của quần chúng Nhân dân.
TP Hà Nội luôn quan tâm tới việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, coi đây là động lực phát triển |
Trước nguy cơ bị tấn công, bị “xâm lăng văn hóa” dựa trên sự vận động “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” từ đó đe dọa sự tồn vong của dân tộc, thì nhất thiết phải gìn giữ được nét đẹp văn hóa Việt Nam. Sự gìn giữ ở đây vừa là bảo vệ, bảo tồn nhưng cũng vừa là tiếp nhận, dung nạp những tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu mạnh thêm sức mạnh của văn hóa Việt Nam. Có như vậy, chúng ta mới tạo dựng được “lá chắn thép” cho sự trường tồn của đất nước, của dân tộc.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc với sự chỉ đạo, phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã biểu thị quyết tâm của Đảng với mục tiêu nhân lên sức mạnh văn. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, việc xem nhẹ văn hóa có tác động khôn lường đối với dân tộc ta, nhất là trong cơ chế thị trường hiện nay. Muốn “vực dậy” các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, nhân lên sức mạnh mềm của văn hóa, chính những người làm văn hóa các cấp, và đội ngũ cán bộ trong bộ máy Nhà nước trên mọi lĩnh vực phải “định vị” từ sớm, xuyên suốt vai trò, vị trí đặc biệt của văn hóa.
Tại Hà Nội, với vị thế là một kinh đô lâu đời, Thủ đô của cả nước, Đảng bộ và chính quyền TP Hà Nội luôn quan tâm tới việc xây dựng con người Hà Nội thanh lịch văn minh và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là động lực để phát triển kinh tế, xã hội
Trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội, Đảng bộ TP Hà Nội đều đề ra các chương trình mục tiêu về xây dựng văn hóa, xây dựng con người. Từ Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2016 - 2020”; đến Đại hội lần thứ XIII, Thành ủy Hà Nội lại ban hành Chương trình 06-Ctr/TU về "Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2026”.
Bên cạnh việc tiếp tục xác định một Chương trình công tác lớn riêng về phát triển văn hóa, Thành ủy Hà Nội với tầm nhìn rộng mở và quyết tâm chính trị cao đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU “về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô với định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Điểm chung của các chương trình, nghị quyết trên là đều nhấn mạnh xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Thành phố hướng đến phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, phát triển bền vững dựa trên nguồn lực văn hóa…
Cùng với hệ thống cơ chế, chính sách, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tư thỏa đáng cho văn hóa. Năm 2022, thành phố đã ban hành Nghị quyết, bổ sung nguồn vốn cho bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, với trên 14.000 tỉ đồng, trọng tâm là đầu tư cho tu bổ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 với chủ đề “Dòng chảy” được tổ chức vớii hơn 60 hoạt động văn hóa, tổ chức ở nhiều địa điểm. |
Trên thực tế, những quan điểm chỉ đạo của Hà Nội về văn hoá đã mang đến nhiều thành quả. Hà Nội đã tham gia vào thành viên Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO năm 2019; tham gia vào các không gian sáng tạo; các sự kiện công nghiệp văn hoá… Đó là minh chứng cho sự quan tâm của thành phố đối với văn hoá, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển văn hoá…
Cùng với các chương trình, nghị quyết, Hà Nội đã có nhiều phong trào thi đua và mô hình tiêu biểu hướng tới các nội dung: Bồi dưỡng tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc và phát huy truyền thống Thủ đô văn hiến, anh hùng; xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc …
Hàng nghìn mô hình, phong trào tiêu biểu đã được nhân rộng và phát huy hiệu quả tích cực trong thực tiễn. Nổi bật như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”... được duy trì và phát triển tại nhiều địa phương trên địa bàn thành phố. Phong trào xây dựng “Làng văn hóa”; “Tổ dân phố văn hóa” tiếp tục được nhân rộng, chất lượng và hiệu quả ngày càng đi vào chiều sâu. Phong trào xây dựng “Đơn vị văn hóa” được triển khai rộng khắp trong khối các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, lực lượng vũ trang.
Các mô hình về tuyên truyền Nhân dân chấp hành trật tự văn minh đô thị và vệ sinh môi trường, các nhóm tự quản kiểm tra trật tự hè phố, chỉnh trang các tuyến phố, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, các “Tuyến đường tự quản”, “Con đường nở hoa”, “tuyến đường không rác” được triển khai đồng bộ, góp phần tạo cảnh quan đô thị sáng - xanh- sạch - đẹp…
Tháng 2/2024, Thành ủy ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Chỉ thị 30 khẳng định tư duy vừa mang tính kế thừa, vừa bổ sung, hoàn thiện, thể hiện quyết tâm chính trị mới của Thành ủy Hà Nội nhằm tạo ra kết quả mới trong một nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt.
Hệ thống 9 nhiệm vụ và giải pháp cho thấy rằng toàn bộ hệ thống chính trị, toàn thể Nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng làng xã, phường, khối phố... phải cùng vào cuộc một cách quyết liệt, bài bản, kiên trì và có hiệu quả.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị. |
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đánh giá: Chỉ thị số 30-CT/TU (Chỉ thị 30) về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” thể hiện quan điểm xuyên suốt và quyết tâm của thành phố Hà Nội trong việc xây dựng, phát triển văn hóa, người Hà Nội thanh lịch văn minh. Đó là một quá trình bền bỉ, để xây dựng văn hóa, con người Hà Nội vừa mang nét đẹp đặc trưng riêng của Thủ đô, vừa tiêu biểu cho văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Theo đồng chí Phạm Quang Nghị, lãnh đạo TP Hà Nội luôn coi trọng, nhận thức đúng và rất quan tâm xây dựng phát triển văn hóa. Điều này thể hiện từ nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, công trình xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản đến hoạt động nghệ thuật trên địa bàn. Bên cạnh tiếp nhận lời khen thì lãnh đạo TP Hà Nội cũng tiếp nhận những lời nhận xét phê bình góp ý để ngày càng hoàn thiện về phát triển văn hóa. Cụ thể là TP đã có những biện pháp xử lý các hành vi ứng xử thiếu văn hóa nhưng đồng thời cũng có biểu dương khen thưởng cho các cá nhân, tập thể điển hình trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Chính vì vậy, người Hà Nội đang có nhiều chuyển biến theo chiều hướng văn minh lành mạnh, từ văn hóa đi xe buýt, văn hóa giao tiếp nơi công cộng.
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, đánh giá một cách tổng thể và khái quát, trong dòng chảy của văn hóa Việt Nam thời gian qua, nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nếu các tổ chức, cá nhân không có đủ nội lực văn hóa, bản lĩnh văn hóa sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa bên ngoài "chi phối".
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. |
“Khi nhiệm vụ xây dựng văn hoá trở thành thường trực, nền tảng văn hoá được hình thành tự nhiên, tự nguyện trong mỗi cộng đồng, trong mỗi người, đặc biệt là giới trẻ thì khả năng chọn lọc cái tinh tế, tốt đẹp, định vị bản thân, giá trị, bản sắc dân tộc gắn với khát vọng hội nhập, cống hiến sẽ trở thành “lá chắn mềm” loại trừ cái phản cảm, lố lăng và đó là chính là biểu hiện thuyết phục nhất của sức mạnh nội sinh văn hóa” - Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh.
Chung quan điểm về vai trò của người trẻ trong phát huy “lá chắn mềm”, TS Đặng Vũ Cảnh Linh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Thanh niên cho rằng: Mặc dù văn hóa thanh niên là tiểu văn hóa trong hệ thống cấu trúc văn hóa chung, tuy nhiên với những đặc tính năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, luôn cập nhật, thích ứng với trào lưu và xu hướng mới trong xã hội hiện đại nên những biểu hiện văn hóa, giá trị sống của thanh niên thường mang tính động và ít ổn định.
Vì vậy, xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam cần quan tâm đến hệ giá trị của thanh niên- coi đó là một thành tố quan trọng cấu thành hệ giá trị con người Việt Nam.
Chúng ta cần phải nghiên cứu nắm bắt tâm tư, tình cảm, xu hướng văn hóa trong thanh niên, đề xuất những giải pháp cụ thể để quản lý, củng cố môi trường xã hội hóa từ gia đình, nhà trường đến môi trường công việc, giao tiếp xã hội lành mạnh, tích cực cho thanh niên mà còn cần củng cố hệ thống các chuẩn mực văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và nhân loại, đặc biệt tăng cường nêu gương "người tốt, việc tốt" và các giá trị, đạo đức xã hội hướng tới phòng, chống nguy cơ lệch chuẩn văn hóa và phản văn hóa cho giới trẻ.
Có như vậy chúng ta mới có thể bảo đảm nguyên tắc tôn trọng sự đa dạng văn hóa, khuyến khích phát triển các loại hình văn hóa, giá trị mới, hiện đại và phù hợp với thanh niên Việt Nam, đồng thời tăng "sức đề kháng" của hệ giá trị thanh niên với những xu hướng ngoại lai tiêu cực xâm nhập thông qua quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa.
Bài viết: Tú Linh Trình bày: Tuấn Anh |
|