Kỷ niệm 15 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính đánh dấu hành trình đầy nỗ lực của giáo dục Thủ đô. Dù vậy, so với yêu cầu nhiệm vụ và mong muốn của Nhân dân thì vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, trong đó có sự chênh lệch về chất lượng các nhà trường giữa khu vực nội thành và ngoại thành.
Tăng cường đầu tư để rút ngắn, xóa dần khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các địa bàn vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới.
Là huyện ngoại thành xa xôi nhất của Thủ đô Hà Nội, với nhiều khó khăn về trường, lớp, đội ngũ giáo viên, trong những năm qua, ngành Giáo dục huyện Ba Vì đã nhận được sự quan tâm, đầu tư lớn của thành phố. Theo ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện Ba Vì, huyện đã tích cực triển khai việc xây mới, cải tạo, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất, hệ thống trường học, lớp học; Mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết: "Đội ngũ giáo viên toàn huyện cơ bản đủ, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm" |
Các trường học trên địa bàn huyện được trang bị thiết bị dạy học đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Tổng kinh phí mua sắm thiết bị dạy học lên đến hơn 24,8 tỷ đồng. Từ năm 2013 đến nay, huyện có 236 dự án trường học được đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp theo hướng chuẩn hóa gắn với Nông thôn mới, tổng kinh phí hơn 3,8 tỷ đồng.
Dù được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất nhưng ngành Giáo dục huyện Ba Vì vẫn còn một số khó khăn nhất định. Đó là mặt bằng chung, điều kiện kinh tế của người dân chưa cao, nhiều học sinh còn thiếu sách vở, đồ dùng học tập. Đội ngũ giáo viên còn thiếu, đặc biệt là giáo viên dạy giỏi.
Còn tại Hà Đông, là quận có tốc độ gia tăng dân số rất nhanh, ngành Giáo dục cũng đang đối mặt với nhiều áp lực lớn. Bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông chia sẻ: “Số lượng giáo viên các cấp học hiện thiếu nhiều, hợp đồng giáo viên cấp học mầm non rất khó khăn do thiếu nguồn. Chính sách đào tạo, thu hút, tuyển dụng giáo viên có mặt còn hạn chế nên chưa thu hút được lực lượng giáo viên nói chung, nhà giáo có học hàm, học vị cao, cán bộ chuyên môn giỏi về công tác ở ngành Giáo dục quận.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất trường lớp chưa đáp ứng kịp sự gia tăng cơ học về dân số. Tỷ lệ học sinh trên lớp cao (tập trung ở các trường công lập) nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và tổ chức các hoạt động thực hành, thí nghiệm cũng như các hoạt động giáo dục khác theo yêu cầu đổi mới trong nhà trường. Chất lượng học sinh chưa đồng đều giữa các phường trong quận”.
Từ khó khăn đó, đại diện ngành Giáo dục quận Hà Đông mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo để chất lượng giáo dục trên địa bàn ngày càng nâng cao hơn, quy mô trường lớp mở rộng hơn, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và mong mỏi của phụ huynh.
Ưu tiên nguồn lực, tăng cường đầu tư để nâng chất lượng giáo dục là quyết tâm của ngành Giáo dục và chính quyền các cấp thành phố Hà Nội trong năm học 2023 - 2024.
Một trong những sự ưu tiên ấy phải nói đến chính sách học phí đầy nhân văn, thấu đáo của thành phố Hà Nội. Tại kỳ họp thứ mười hai diễn ra mới đây, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua 3 nghị quyết về mức thu học phí năm học 2023 - 2024.
Đây là mức thu học phí thấp nhất trong khung quy định của Chính phủ. Trước đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, riêng năm 2022 - 2023, ngân sách của thành phố đã chi hơn 1.300 tỷ đồng để hỗ trợ học phí và thực hiện các chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh.
Thông tin rõ hơn về những căn cứ xây dựng mức học phí của học sinh mầm non, phổ thông năm học 2023 - 2024, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP nêu rõ, khung học phí từ năm học 2023 - 2024 trở đi được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm và khả năng chi trả của người dân nhưng không quá 7,5%/năm.
“Đây là những căn cứ quan trọng và phù hợp cho việc áp dụng mức học phí từ năm học mới. Với những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh diện chính sách, thành phố Hà Nội tiếp tục có chính sách hỗ trợ phù hợp”, ông Trần Thế Cương khẳng định.
Bày tỏ sự phấn khởi, vui mừng khi chính sách của thành phố luôn dành sự ưu tiên, quan tâm đặc biệt đến học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng chí Bùi Văn Sâm, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, chia sẻ: “Quyết định của thành phố mang ý nghĩa nhân văn rất lớn, góp phần bảo đảm an sinh và khẳng định chủ trương luôn ưu tiên, dành những điều tốt đẹp nhất cho học sinh”.
Cùng với chính sách ưu tiên về học phí, theo Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Trần Thị Thu Hà, một trong những giải pháp mới đang được triển khai trong toàn ngành là cuộc vận động “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm” giai đoạn 2022 - 2025. Mục đích của cuộc vận động nhằm tăng cường kết nối nhà trường - nhà trường, giáo viên - giáo viên để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tốt trong xây dựng môi trường giáo dục, nâng cao hiệu quả dạy học...
Xác định việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong dạy học là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) Nguyễn Thị Bích Nga cho biết, sau chuyên đề trao đổi kinh nghiệm với cán bộ, giáo viên của hơn 30 trường tiểu học thuộc huyện Mỹ Đức, Phúc Thọ hồi cuối tháng 3/2023, nhà trường đã nhận được phản hồi tích cực và sẽ nhân rộng những tiết dạy hay, tiết dạy đoạt giải cấp thành phố đến nhiều đồng nghiệp...
Tạo thuận lợi, hỗ trợ nhiều nhất cho học sinh, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn, học sinh diện chính sách... là giải pháp được huyện Ba Vì tập trung triển khai trong năm học mới. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho hay, với đặc thù có nhiều học sinh dân tộc thiểu số, địa bàn rộng với nhiều xã miền núi, từ nay tới trước ngày khai giảng năm học mới, huyện ưu tiên các nguồn lực và tăng cường vận động các tập thể, cá nhân hỗ trợ cho học sinh để bảo đảm không học sinh nào bị thiếu sách giáo khoa và dụng cụ học tập thiết yếu.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương thông tin, năm học 2023 - 2024, Hà Nội tập trung 7 giải pháp trọng tâm, trong đó giải pháp đầu tiên là đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển mạng lưới giáo dục, ưu tiên nguồn lực cho các huyện còn khó khăn để nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh nơi đây.
Bài viết: Ngọc Minh Đồ họa: Phạm Mạnh |
|