TTTĐ - Sử dụng công nghệ hình ảnh 360° hiện đại kết hợp các video clip, âm thanh và hình ảnh 2D, chỉ cần thao tác “Quét mã” QR đơn giản khách du lịch sẽ có được những thông tin đầy đủ, chi tiết về di tích lịch sử Thủ đô. Đây là nội dung của công trình “Số hóa các di tích” đang được các cơ sở Đoàn trên địa bàn Thủ đô xung phong đảm nhiệm.

Khai thác tiềm năng

Các chuyên gia nhận định, Hà Nội là vùng tài nguyên di sản giàu có nhất, đa dạng nhất của quốc gia. Tính đến cuối năm 2015, Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử văn hoá, trong đó có 2.396 di tích đã được xếp hạng là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt (12), di sản thế giới (1). Hà Nội có 1.793 di sản văn hoá phi vật thể được nhận diện, kiểm kê, đưa vào danh sách để bảo vệ; trong đó, có 1.206 lễ hội; 215 tập quán xã hội và tín ngưỡng; 175 nghề thủ công truyền thống; 106 di sản về tri thức dân gian; 79 nghệ thuật trình diễn dân gian; 14 di sản về ngữ văn dân gian…

Với di sản vừa giàu có, vừa đa dạng trong phát triển công nghiệp văn hoá, Hà Nội có nhiều điểm mạnh. Đây cũng là nguồn lực vô cùng lớn, quan trọng, vốn bền vững của công nghiệp văn hoá. Nhận thức sâu sắc nguồn tài nguyên vô giá đó, góp phần thúc đẩy văn hóa du lịch với sức trẻ và sự sáng tạo, các sở Đoàn đã, chủ động nhận về nhiều phần việc. Trong đó, số hóa các di tích ngày càng được đẩy mạnh. Thành cổ Sơn Tây, nằm giữa trung tâm thị xã, là một công trình kiến trúc quân sự cổ độc đáo nhất Việt Nam được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822). Nhắc đến Sơn Tây là nhắc đến Thành cổ – một biểu tượng về lịch sử, văn hóa của xứ Đoài.

Bài 4: Số hóa các di tích – sự chủ động, sáng tạo của người trẻ

Bài 4: Số hóa các di tích – sự chủ động, sáng tạo của người trẻ

Thành phố Hà Nội có rất nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hóa

“Chúng tôi nhận thức rõ di tích lịch sử là một phần của quá khứ, là kết tinh sức lao động và tinh thần của cha ông còn lưu lại cho đến ngày nay nên việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích lịch sử nói chung và Thành cổ Sơn Tây nói riêng là hết sức cấp thiết và nhiều ý nghĩa. Vì vậy, Đoàn Thanh niên thị xã đã có nhiều hoạt động thiết thực trong việc bảo tồn, phát huy các nét đẹp của di tích lực sử”, anh Nguyễn Huy Cận, Bí thư Đoàn Thanh niên thị xã Sơn Tây cho biết.

Trong đó, để góp phần tuyên truyền, quảng bá du lịch của thị xã Sơn Tây trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, mới đây, Đoàn Thanh niên thị xã phối hợp cùng Công ty cổ phần tập đoàn công nghệ Meta365 triển khai thực hiện công trình thanh niên “Ứng dụng Công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá du lịch Sơn Tây” - “Quét mã QR Code tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa, địa chỉ đỏ trên địa bàn trên địa bàn thị xã Sơn Tây” tại 2 khu di tích lịch sử: Thành cổ và Văn miếu Sơn Tây.

Bằng công nghệ hình ảnh 360° hiện đại kết hợp các video clip, âm thanh và hình ảnh 2D, chỉ cần thao tác “Quét mã” QR đơn giản khách du lịch sẽ có được những thông tin đầy đủ, chi tiết về di tích, địa chỉ đang thăm quan. Song song với đó là bản thuyết minh bằng tiếng Anh và tiếng Việt sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tìm hiểu cho khách du lịch trong nước và du khách nước ngoài.

Bài 4: Số hóa các di tích – sự chủ động, sáng tạo của người trẻ

Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy trải nghiệm QR Code địa chỉ đỏ tại thị xã Sơn Tây

Theo anh Cận, nhằm phát huy lợi thế của di tích Thành cổ Sơn Tây, thị xã Sơn Tây đã triển khai Đề án xây dựng tuyến phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây, thí điểm đoạn từ cổng cũ trụ sở UBND thị xã (phố Phó Đức Chính) đến cầu Cửa Tiền (ngã 3 Quang Trung - Nguyễn Thái Học). Theo đó tổng chiều dài tuyến phố đi bộ dự kiến 820m, tổng diện tích dự kiến sử dụng 34.550m2 nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa và vui chơi giải trí của nhân dân địa phương và du khách tham quan vào dịp cuối tuần.

Phạm vi hoạt động của phố đi bộ gồm: Đường Phó Đức Chính, Phan Chu Trinh (gồm cả vỉa hè bên phía hào thành cổ), đường dạo phía ngoài cửa thành cổ

Sơn Tây, vườn hoa trung tâm, 1/2 quảng trường khu vực trung tâm văn hóa, sân trước khu vực trung tâm văn hóa và quảng trường sân vận động thị xã.

Giữa không gian thoáng đãng của Thành cổ, du khách sẽ được đắm chìm trong những hoạt động nghệ thuật đương đại cùng các hoạt động thể thao, giải trí đường phố,thưởng thức văn hóa ẩm thực hấp dẫn mang đậm hương vị truyền thống địa phương…

Phát huy sự sáng tạo

Trên thực tế, du lịch văn hóa phát triển thì các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy. Nhận thức rõ điều này, Đoàn Thanh niên quận Ba Đình chủ động tham gia số hóa các di tích.

Theo chị Nguyễn Thị Thanh Phượng, Bí thư Quận đoàn, Ba Đình luôn được xem là một vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, giữ vị trí trọng yếu của kinh thành Thăng Long trong suốt chiều dài lịch sử với 73 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, địa chỉ kháng chiến, trong đó có 2 di tích được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt.

Nền tảng, tiềm năng phát triển du lịch lớn nhưng trên thực tế, việc phát triển du lịch cũng như tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về các danh lam thắng cảnh, về lịch sử và con người trên địa bàn quận vẫn còn nhiều hạn chế; Chưa được đầu tư ứng dụng những công nghệ mới, hiện đại để khai thác và phát triển các dịch vụ du lịch cho xứng tầm.

Trong 3 năm trở lại đây, khi đại dịch COVID-19 xuất hiện đã làm thay đổi mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng nặng nề tới các lĩnh vực trong đó bao gồm cả ngành du lịch. Trước bối cảnh khó khăn đó, việc ứng dụng khoa học, ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch càng chứng tỏ được tính hiệu quả của mình. Một trong những phát triển công nghệ quan trọng, có tác động lớn đến ngành Du lịch hiện nay là công nghệ thực tế ảo.

Sự phát triển này đã làm thay đổi cách thức khách hàng cảm nhận, trải nghiệm, xóa nhòa mọi giới hạn về khoảng cách địa lý và phù hợp với xu thế phát triển của thế giới hiện nay.

“Từ những thực tiễn đó, với tinh thần xung kích, sáng tạo và mong muốn được góp sức trẻ trong việc hoàn thành mục tiêu phát triển du lịch trên địa bàn quận Ba Đình như trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ XXVI đã đề ra, Ban Thường vụ Quận đoàn đã xây dựng đề án, tham mưu với lãnh đạo quận. Đoàn Thanh niên quận đã nhận được sự đồng tình, tạo điều kiện thực hiện Công trình“Số hóa di tích lịch sử - quảng bá du lịch Ba Đình”, Bí thư Quận đoàn Ba Đình Nguyễn Thị Thanh Phương cho biết.

Sau khi nhận được chủ trương đồng tình của các đồng chí lãnh đạo quận, Ban Thường vụ Quận đoàn đã ngay lập tức lên phương án hiện thực hóa ý tưởng, thống nhất lựa chọn 5 địa danh nổi tiếng trên địa bàn quận gồm: Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, Đền Quán Thánh, Đền Voi Phục, Cột cờ Hà Nội và Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam để thiết kế một tour du lịch thực tế ảo.

Sau khi tour du lịch thực tế ảo hoàn thiện về mặt nội dung và hình thức, được xuất bản dưới dạng QR code và được thiết kế thành các hình chibi thanh niên dưới nhiều hình thức khác nhau sẽ được các cơ sở Đoàn cài đặt tại 140 khách sạn, nhà hàng, quán café lớn, tập trung nhiều du khách các tỉnh và du khách nước ngoài để truyền thông, quảng bá hình ảnh cho du lịch Ba Đình.

Bên cạnh đó, Quận đoàn cũng lên kế hoạch tổ chức các chương trình trải nghiệm tour du lịch thực tế ảo bằng kính 3D để tăng tính chân thực và hấp dẫn của công trình tại các địa điểm công cộng thu hút nhiều du khách như phố đi bộ Hồ Gươm cũng như tại các chương trình quảng bá du lịch của thành phố Hà Nội tổ chức trong thời gian diễn ra SEA Games tại Việt Nam.

Bài 4: Số hóa các di tích – sự chủ động, sáng tạo của người trẻ

QR code địa chỉ đỏ tại quận Ba Đình

“Thời gian tới, ngoài việc quảng bá hình ảnh của quận Ba Đình với du khách trong và ngoài nước, chúng tôi dự kiến sẽ giới thiệu, triển khai công trình thanh niên “số hóa di tích lịch sử” và tour du lịch thực tế ảo tới các trường TH, THCS, THPT.

Đây như một công cụ hữu ích trong việc nâng cao chất lượng học môn lịch sử, giáo dục truyền thống bằng cách cho các bạn học sinh trải nghiệm việc thăm quan các di tích lịch sử, các địa chỉ đỏ thông qua tour du lịch thực tế ảo do Đoàn Thanh niên quận thiết kế”, Bí thư Quận đoàn Ba Đình Nguyễn Thị Thanh Phượng chia sẻ.

Công trình QR Code các điểm di tích lịch sử, văn hóa, địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố Hà Nội là một trong những sản phẩm tiên phong của tuổi trẻ Thủ đô trong cuộc cách mạng công nghệ và chuyển đổi số nhằm cụ thể hóa Chương trình số 06 và 07 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII; Đẩy mạnh triển khai phát triển công nghiệp văn hóa và ngành du lịch trên địa bàn thành phố nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Tại mỗi điểm di tích trên địa bàn thành phố đều được gắn các mã QR Code tích hợp liên kết với các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo nhằm nâng cao tính phổ biến và thuận tiện tham quan, trải nghiệm cho du khách, thông qua ứng dụng công nghệ thực tế ảo, hình ảnh đa chiều 360 và trí tuệ nhân tạo.

(Còn nữa)

Bài viết: Phương Thanh