Tốc độ lưu thông sẽ là chìa khóa để nói đến hiệu quả của quốc lộ và sự phát triển, tăng trưởng kinh tế vùng. Tuy nhiên, với thực trạng giao thông hiện nay trên các tuyến quốc lộ, nếu nói tròn vai thôi thì tạm được, còn nói phát huy hết hiệu quả cần thiết thì chưa có. Bởi việc lưu thông an toàn đã là bài toán khó, nên chuyện tăng tốc góp sức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn nữa có lẽ còn trông vào giải pháp ở tương lai xa.
“Đã có lúc, tôi không muốn nghĩ đến chuyện đưa gia đình đi nghỉ mát cuối tuần nữa. Giao thông thật sự là nỗi ám ảnh mà bất cứ ai trải qua rồi sẽ không muốn gặp lại. Đi từ Vũng Tàu về TP Thủ Đức, TP HCM hơn 100km mà mất tới hơn 5 giờ. Vừa mệt mỏi, vừa hao tốn nhiên liệu, về đến nhà mọi người như không còn sức. Thật sự khủng khiếp…”, anh Võ Chánh, ở TP Thủ Đức, nhớ lại.
Các phương tiện di chuyển rất chậm đoạn qua các khu dân cư |
Chuyến đi nghỉ mát của gia đình anh Chánh vào dịp cuối năm 2022 trở thành nỗi sợ cho tất cả thành viên. Theo lời anh, chuyến đi bị kẹt xe ở trạm thu phí cao tốc TP HCM - Long Thành hơn 30 phút. Vừa thoát khỏi cao tốc, lại tiếp tục bị ùn ứ ở giao lộ QL51 - Nhơn Trạch. Tiếp đến, kẹt xe ngay trạm thu phí QL51 mất gần 30 phút nữa. Đoạn đường di chuyển trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tốc độ cho phép 80km/h nhưng mật độ giao thông cao nên xe đi không nhanh. Đến địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì khu dân cư (KDC) nối tiếp nhau nên cứ vừa tăng tốc lại phải giảm khi vào đô thị. Tình trạng kéo dài liên tục, lên đến Bãi Sau của TP Vũng Tàu mất 4 giờ, cả nhà vật vã rời khỏi xe. Quay trở về TP Hồ Chí Minh, đường đông nên di chuyển chậm, đến trạm thu phí Long Thành bị kẹt xe kéo dài, vào đến cao tốc cũng bị ùn ứ do lượng xe quá đông. 16h khởi hành về đến nhà đã gần 22h, anh Võ Chánh mất hơn 5 tiếng di chuyển.
Nét văn hóa “đường đến đâu nhà đến đó” đã hình thành nhiều KDC dọc theo hai bên quốc lộ. Điều này khiến tốc độ trên những tuyến đường ngày càng trở nên “rùa bò”.
Để cảm nhận về tốc độ “rùa”, ngày 28/2/2023, chúng tôi khởi hành từ TP HCM đến Phương Lâm, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Xe di chuyển trên cao tốc với tốc độ bình ổn 80 - 90km/h. Đến khi nhập vào QL20, đoạn qua huyện Thống Nhất, hạ tầng khá tốt nhưng tốc độ được giới hạn ở 60km. Bắt đầu từ địa bàn Gia Kiệm, các KDC cứ nối tiếp nhau: Dốc Mơ, Phú Túc, Phú Cường, La Ngà… xe chỉ di chuyển với tốc độ giới hạn 50km/h. Nhiều đoạn thoát khỏi KDC, tốc độ xe vừa tăng lên 80km được vài cây số lại phải rà thắng giảm xuống 50km/h do vào KDC khác. Sau 5 giờ đồng hồ di chuyển căng thẳng trên quãng đường 200km, chúng tôi cũng đến được thị trấn Phương Lâm…
Không tài xế nào dám chạy đúng tốc độ cho phép khi trước mũi xe là hàng loạt phương tiện dừng chờ qua đường. Do vậy, xe không muốn "rùa" cũng phải "bò" |
Với địa thế dốc cao, nhiều đoạn đường cong nên trên QL20 bảng giới hạn tốc độ 60km/h cắm rải rác tại những đoạn ngoài đô thị. Cánh tài xế phải căng mắt ra nhìn, vì chỉ cần sơ sẩy là vi phạm quy định tốc độ.
“Thật ra, thiết kế đường QL và những quy định về tốc độ hiện nay nhiều nơi chẳng theo khoa học, nhiều lúc như đánh đố tài xế, làm căng thẳng và rất nguy hiểm. Mật độ giao thông cao, các phương tiện lưu thông hỗn hợp, tài xế vừa phải quan sát mặt đường và các phương tiện giao thông khác, cộng thêm các biển báo giao thông… quá nhiều thứ cần phải quan sát nên rối và rất mệt. Lo né tránh phương tiện giao thông thì dễ bỏ qua biển báo, còn lo nhìn biển báo để đi đúng tốc độ thì xe rất dễ va chạm khi qua khu dân cư… Trong khi đó, khu dân cư thì quá nhiều. Giờ đây, từ TP HCM đi Đà Lạt khoảng 300km, tài xế nào cứng lắm cũng mất hơn 6 giờ, còn lái yếu mất 7 - 8 giờ là chuyện bình thường. Nếu kẹt xe thì miễn nói về thời gian…”, anh Quang Tuấn, ngụ tại Quận 3, TP HCM, nói.
Theo cánh tài xế dịch vụ, lưu thông từ Đà Lạt về TP HCM dưới 6h thì chỉ có cánh xe tải chở nông sản và xe khách chạy ban đêm. Để đạt được thời gian đó, họ phải chấp nhận đi sai quy định tốc độ và lái giỏi. Họ đánh đổi vì nếu chạy chậm hàng hóa bị hư hỏng và cũng không có điều kiện bồi thường nếu hàng về chậm phiên chợ…
Việc Chính phủ đầu tư hàng loạt những cao tốc hiện nay khiến người dân vui mừng khi nghĩ đến viễn cảnh đi nhanh và không còn phải chịu kẹt xe trên QL. Tuy nhiên, theo cánh tài xế thì cao tốc chưa phải là giải pháp đủ tốt nhất. “Cao tốc là giải pháp cho những chuyến hàng đường dài, vận tải hành khách, du lịch... Còn hiện nay, các khu công nghiệp, điểm kinh doanh, khu dân sinh nằm rải rác khắp nơi, đặc biệt là ven QL. Chẳng hạn như việc vận chuyển hàng hóa giữa các khu công nghiệp ở TP Biên Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu về TP HCM hoặc ngược lại, đâu thể sử dụng cao tốc, vẫn phải di chuyển trên các tuyến QL. Cao tốc chỉ giảm tải được phần nào, QL vẫn là trục vận chuyển hàng hóa lớn nhất. Nên cần phải có giải pháp cho các tuyến QL”, anh Toàn, tài xế xe tải tại một bãi xe thuộc phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, nhận xét.
Việc các tuyến QL đang được khai thác với tốc độ “rùa” hiện nay, nhiều người cho rằng là do có quá nhiều KDC “bám” theo. Trong khi các nhà thiết kế hạ tầng QL dường như chỉ đơn giản là làm sao mở rộng mặt đường mà quên những yếu tố cơ bản cần phải có kèm theo. “Hạ tầng QL như hiện nay không “rùa” mới lạ. Cứ xác định khu dân cư thì tốc độ phải giảm xuống, mà khu dân cư thì càng ngày mọc ra càng nhiều. Đúng ra khi quyết định thiết kế hay mở rộng QL thì phải tính đến hạ tầng đường song hành dành cho khu dân cư. Chẳng ai chịu làm rồi cứ dân đông thì lại gắn bảng khu dân cư. Nếu cứ như tình hình hiện nay, chỉ trong thời gian ngắn, các khu dân cư sẽ bao kín QL, lúc đó không biết việc di chuyển sẽ như thế nào?”, anh Phạm Đức Tài, tài xế xe dịch vụ ở TP Thủ Đức, bộc bạch.
Còn theo anh Phạm Thanh Việt, chủ xe dịch vụ, cho biết, nếu chỉ trông chờ vào đường cao tốc thì phí cao sẽ làm tăng giá các loại hình vận chuyển, từ hàng hóa đến con người. Tất cả các loại phí đó, người tiêu dùng sẽ là đối tượng chịu. Chi phí cao, lượng khách cũng giảm, yếu tố cạnh tranh vận chuyển hàng hóa cũng thay đổi và câu chuyện xe quá tải, chở vượt số người quy định cũng sẽ là bài toán khó cho cơ quan quản lý và người tham gia dịch vụ vận chuyển.
Theo một chuyên gia, việc nghiên cứu cải tạo các tuyến QL cần phải làm song song với phát triển cao tốc; Phải có giải pháp nâng tốc độ hiện nay, vì nó quyết định thông thương hàng hóa và kéo theo phát triển du lịch.
Trong mắt người dân, câu chuyện quy hoạch và quy định tốc độ trên QL ảnh hưởng đến xã hội nhưng vấn đề này không được quan tâm đúng mức. Trong một công văn của UBND tỉnh Đồng Nai năm 2019 đề nghị mở rộng đoạn QL từ chợ Sặt đến giao lộ Dầu Giây do hạn chế của tuyến này ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương: Quy mô đề án với mặt đường rộng 20,5m gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ nhưng kế hoạch này đã bị bác vì sợ ảnh hưởng đến những công trình trọng điểm khác.
Cải thiện tốc độ “rùa” trên những cung đường QL có lẽ vẫn nằm ở tương lai…
Bài viết: Minh Tường Đồ họa: Phạm Mạnh |
|