eMag azine
07/05/2023 08:00
Bài 4: Chuyên gia hiến kế “khai phá” di sản

07/05/2023 08:00

TTTĐ - Di sản văn hóa là nguồn lực để phát triển du lịch. Để “biến” di sản thành “nguyên liệu đầu vào” thúc đẩy công nghiệp văn hóa, chúng ta cần phải làm gì?

Bài 4: Chuyên gia hiến kế “khai phá” di sản

Di sản văn hóa là nguồn lực để phát triển du lịch. Để “biến” di sản thành “nguyên liệu đầu vào” thúc đẩy công nghiệp văn hóa, chúng ta cần phải làm gì?

Theo thống kê, đóng góp GDP của các ngành công nghiệp văn hóa năm 2010 là 2,44% GDP, năm 2015 là 3,5% GDP, năm 2018 là 3,61% GDP.

Thực tế đã chứng minh, văn hóa từ một lĩnh vực vốn được coi là vũ khí tư tưởng, công cụ giáo dục con người, một ngành “chỉ biết tiêu tiền” giờ đã trở thành ngành “làm ra tiền”, đóng góp thiết thực vào GDP của đất nước.

Năm 2016, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt, xác định 12 ngành công nghiệp văn hóa then chốt của Việt Nam bao gồm: Quảng cáo, Kiến trúc, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Điện ảnh, Xuất bản, Thời trang, Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa.

Đến năm 2021, chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 cũng đặt ra mục tiêu doanh thu ngành công nghiệp văn hóa đến 2030 đạt 7% GDP, mức tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm trung bình đạt 7%.

Xoay quanh giải pháp để phát triển nguồn lực di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa, nhiều chuyên gia đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm khác nhau.

Sau đây là ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa… được phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô ghi lại.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông:

"Gắn nghệ thuật biểu diễn với di sản"

PGS.TS Tạ Quang Đông

"Trong văn hóa có văn hóa di sản vật thể và phi vật thể. Không thể phủ nhận vai trò của du lịch văn hóa đối với ngành công nghiệp văn hóa nhưng hiện nay các sản phẩm du lịch vô cùng thiếu yếu tố nghe - nhìn; Hiếm có những sản phẩm như Tinh hoa Bắc Bộ, Ký ức Hội An... mà ở đó, yếu tố lịch sử, văn hóa dân tộc như một di sản là điểm nhấn hấp dẫn.

Khách du lịch hiểu gì về lịch sử Việt Nam? Muốn họ hiểu và quay lại, trước hết, các công ty lữ hành cần phải có được chương trình, sản phẩm du lịch có yếu tố “nghe - nhìn” phù hợp với thị hiếu của từng đối tượng khách. Đây vừa là cách bảo tồn di sản văn hóa, vừa để phát huy hiệu quả giá trị của loại hình nghệ thuật biểu diễn gắn với di sản".

PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT-DL):

ầu tư xây dựng thương hiệu cho những di tích tiêu biểu"

Bài 4: Chuyên gia hiến kế “khai phá” di sản

"Việc tham gia các Công ước của UNESCO về văn hóa không chỉ thể hiện tinh thần hòa nhập của Việt Nam cùng bảo vệ, gìn giữ các giá trị văn hóa cho hiện tại và tương lai, phục vụ phát triển du lịch bền vững mà còn hướng đến mục tiêu chung góp phần duy trì hòa bình, an ninh trên cơ sở thắt chặt sự hợp tác giữa các dân tộc thông qua giáo dục, khoa học và văn hóa..

Thời gian tới, các địa phương và Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tiếp tục nghiên cứu, lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận, ghi danh các di sản văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam là di sản thế giới.

Trong đó, các đơn vị, địa phương đặc biệt chú trọng đến những khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tăng cường nghiên cứu, làm nổi bật các giá trị văn hóa, lịch sử, vẻ đẹp cảnh quan của các di tích, di sản; Đồng thời, các đơn vị, địa phương cần lựa chọn, đầu tư xây dựng thương hiệu cho những di tích tiêu biểu".

PGS. TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia:

"Yếu tố tiên quyết là bảo vệ và giữ gìn di sản văn hóa"

"Theo Tổng cục Du lịch, năm 2019, ngành Du lịch đã đón 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa, đóng góp vào ngân sách Nhà nước 720 nghìn tỷ đồng. Thành công này nhờ không nhỏ vào việc khai thác các tài nguyên di sản văn hóa.

Việc bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc có ý nghĩa trong việc xây dựng nền tảng tinh thần và kể cả ở góc độ vật chất, kinh tế. Bởi di sản văn hóa là một loại tài nguyên đặc thù, có thể bán nhiều lần, bán cho nhiều người với giá trị cao. Sự đóng góp ấy cho văn hóa cũng như kinh tế nước nhà là rất lớn. Chính vì vậy, nếu chúng ta nhìn di sản văn hóa dưới góc độ là tài sản quý giá của dân tộc, một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại thì cần có sự ứng xử thật sự đổi mới đối với di sản văn hóa. Chúng ta cần kiểm kê, khảo sát, đánh giá hệ thống di sản văn hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ vào bảo tồn di sản, đẩy mạnh công tác giáo dục di sản cho cho thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Tôi mong muốn, vấn đề ứng xử với di sản văn hóa, sự đóng góp của di sản văn hóa cho nền kinh tế được nhận diện đúng đắn, từ đó hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để bảo tồn di sản văn hóa tốt hơn nữa trong thời gian tới".

Bài 4: Chuyên gia hiến kế “khai phá” di sản

Bài 4: Chuyên gia hiến kế “khai phá” di sản

"Việt Nam không chỉ có Hội An, Tràng An, Huế hay Hoàng thành Thăng Long. Sống ở đây đã lâu, tôi thấy còn nhiều điểm đến khác thú vị hơn nhiều và được ẩn sâu trong các ngôi làng truyền thống. Vì thế, nếu Việt Nam mong muốn trở thành điểm đến hấp dẫn, ngành Du lịch cần tăng cường quảng bá các di tích khác ngoài những các địa danh, di tích, danh lam thắng cảnh đã quen thuộc, thông qua phim ảnh, ca nhạc và đẩy mạnh truyền thông trên các kênh CNN, Reuters…"

Bà Stella Ciorra, Chủ tịch Hội những người yêu di sản Việt Nam

PGS. TS Nguyễn Thị Hiền, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia:

"Cần ưu tiên, đãi ngộ tốt đối với nghệ nhân"

"Nghị định số 109/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn đã phần nào quan tâm đến các nghệ nhân nhưng việc áp dụng đối tượng cũng như mức kinh phí hỗ trợ còn hạn chế. Đối với nhiều nghệ nhân ưu tú bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, đa số họ rất nhiều tuổi nhưng mức trợ cấp theo Nghị định 109 cao nhất từ 700.000 - 1.000.000 đồng hiện rất thấp.

Ngoài ra, quy định 5 năm xét duyệt từ nghệ nhân ưu tú lên nghệ nhân Nhân dân hiện còn nhiều bất cập. Có người cả đời cống hiến nhưng vì tuổi cao, họ cũng không sống được đến lúc xét duyệt lên nghệ nhân Nhân dân. Chưa kể, một bất cập khác là khi thực hiện Nghị định 109, nếu nghệ nhân được hưởng chế độ của nghệ nhân khi được phong tặng danh hiệu thì cá nhân đó buộc phải bỏ toàn bộ những khoản trợ cấp khác.

Các nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú chính là những người có khả năng đặc biệt, họ tự đào tạo mình cả đời, có nhiều đóng góp cho cộng đồng. Chúng ta cần có chính sách nhân văn để đãi ngộ những “báu vật sống” này".

Bài 4: Chuyên gia hiến kế “khai phá” di sản

PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:

"Chú trọng "gạn đục, khơi trong" các lễ hội"

"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn dân tộc còn”. Có nghĩa nếu chúng ta giữ gìn được giá trị văn hóa, cụ thể là lễ hội, nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng với câu chuyện về lịch sử dân tộc, địa phương, các anh hùng, danh nhân của đất nước là đang giữ hồn cốt dân tộc.

Việc các lễ hội đặc sắc được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia chính là niềm tự hào của người dân, chủ thể của lễ hội, trên cơ sở đó là động lực cho họ tiếp tục bảo tồn và gìn giữ những di sản văn hóa của địa phương mình. Ngày nay, khi du lịch luôn phải lựa chọn những địa điểm, bối cảnh độc đáo để hút khách thì bảo tồn những giá trị tốt đẹp của lễ hội, loại bỏ yếu tố lạc hậu, kém văn minh theo hướng “gạn đục, khơi trong” sẽ đảm bảo yếu tố “đặc trưng”, “duy nhất”, từ đó góp phần giúp người dân khai thác du lịch của địa phương mình hiệu quả".

Bài 4: Chuyên gia hiến kế “khai phá” di sản

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam:

"Chú trọng nâng cao kiến thức về di sản cho hướng dẫn viên du lịch"

Để đạt được mục tiêu năm 2024, Việt Nam có thị trường du lịch văn hóa, ngoài việc cần xây dựng chiến lược sản phẩm du lịch gắn với di sản, yếu tố quan trọng là con người.

Chúng ta cần có chiến lược đào tạo thêm cho hướng dẫn viên du lịch, đại diện công ty du lịch về di sản. Hiện tại, nhiều hướng dẫn viên chỉ đưa thông tin chung chung, thậm chí không biết Việt Nam có bao nhiêu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Đôi khi, hướng dẫn viên còn phải biết về Hán Nôm, về di sản vật thể, phi vật thể và cả về phong tục, tập quán của quê hương khách để có ứng xử phù hợp, tạo thiện cảm cho du khách, khiến họ muốn quay trở lại…".

Bài 4: Chuyên gia hiến kế “khai phá” di sản

Ông Phạm Hà, CEO LUX Group:

"Hãy định vị Việt Nam là “Điểm đến di sản hàng đầu Châu Á”

"Chúng ta cần xác định đâu là USP (Unique Selling Proposition) của du lịch Việt Nam? Chúng ta có “mỏ vàng” là tài nguyên di sản văn hóa phong phú và đa dạng. Khi trân quý di sản thì chúng ta sẽ có cách bảo vệ, ứng xử phù hợp và sáng tạo, nâng tầm di sản.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2030 đón 35 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4 - 5%/năm, tôi nghĩ chúng ta cần định vị lại thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030. Tuy vậy, tôi vẫn chưa hình dung được chúng ta định vị du lịch Việt Nam như thế nào? Theo tôi, hãy định vị du lịch Việt Nam là “Điểm đến hàng đầu di sản Châu Á” hoặc “Chạm vào di sản Việt Nam” để chúng ta có hướng xúc tiến du lịch tổng thể và hiệu quả trên cả môi trường số, ứng dụng chuyển đổi số…".

Bài 4: Chuyên gia hiến kế “khai phá” di sản

(Còn nữa)

<< Xem bài 3

Bài viết liên quan:

Bài 1: "Biến" di sản thành "tài sản" Bài 2: Để di sản "sống khỏe"... Bài 3: Những người "thắp lửa" cho di sản Việt

Thanh Thắng