eMag azine
16/07/2023 08:00
Bài 4: Bứt phá bằng kinh tế biển và du lịch

16/07/2023 08:00

TTTĐ - Năm 2016, Quảng Ninh đón 8,3 triệu du khách. Đến năm 2019, con số này tăng gần gấp đôi, đạt 14 triệu lượt.

Du lịch

Bài 4: Bứt phá bằng kinh tế biển và du lịch

Năm 2016, Quảng Ninh đón 8,3 triệu du khách. Đến năm 2019, con số này tăng gần gấp đôi, đạt 14 triệu lượt. Mức chi tiêu bình quân một du khách cũng tăng 9% so với năm 2018. Những con số trên không được tạo nên chỉ bởi những danh lam thắng cảnh mà tỉnh này vốn dĩ có thừa.

Đầu tư các nguồn lực để phát triển kinh tế biển

Thời gian qua, Quảng Ninh đã luôn tích cực đầu tư các nguồn lực để phát triển kinh tế biển. Qua đó, sớm đưa Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ trung chuyển của khu vực Đông Nam Á, một động lực phát triển của vùng và cả nước với hệ thống cảng biển nước sâu đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển kinh tế chuỗi khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị biển - ven biển...

Để sớm hiện thực hoá mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Nổi bật là Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 23/4/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với thực hiện Chương trình số 27-CTr/TU ngày 27/3/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tỉnh cũng đã đề xuất áp dụng nhiều cơ chế đột phá để thu hút các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng, nhằm thúc đẩy và phát huy hết những tiềm năng, lợi thế về cảng biển sẵn có.

Bài 4: Bứt phá bằng kinh tế biển và du lịch Bài 4: Bứt phá bằng kinh tế biển và du lịch
Cảng Container Quốc tế Cái Lân. Cảng Tàu khách Quốc tế Hạ Long.

Tới nay, tỉnh đã mở rộng hợp tác với nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển, như Cảng Cái Lân, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cảng khách quốc tế Tuần Châu, Cảng Cẩm Phả, Cảng Vạn Ninh, Cảng biển Hải Hà và đang tiếp tục thu hút đầu tư Cảng Hòn Nét - Con Ong...

Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Cái Lân, cho biết: Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã luôn chú trọng đến việc phát triển kinh tế biển, cảng biển với nhiều quyết sách hợp lý, đúng đắn và hiệu quả.

Bài 4: Bứt phá bằng kinh tế biển và du lịch

"Các hoạt động khai thác, kinh doanh sản xuất tại cảng biển luôn được quan tâm, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp khai thác, phát triển theo hướng hiện đại, bền vững."

-----------
Ông NGUYỄN BÁ SƠN
Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Cái Lân

Đặc biệt, với hệ thống cảng biển, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đã và đang được đầu tư đồng bộ như hiện nay, sẽ là những điều kiện thuận lợi để Quảng Ninh phát triển dịch vụ cảng biển, logistics thuận lợi trong thời gian tới, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành dịch vụ.

Quảng Ninh cũng đang đẩy mạnh thực hiện hiệu quả việc phát triển mới các dịch vụ có giá trị tăng cao như: Hệ thống cửa hàng mua sắm trong khu vực Bãi Cháy, bến du thuyền, hoàn thiện hạ tầng khu vực bờ biển Trần Quốc Nghiễn, bãi tắm Hòn Gai, Cẩm Phả; Đầu tư mới hệ thống khách sạn tiêu chuẩn 4 - 5 sao...

Đồng thời, tỉnh cũng đã thực hiện rà soát hiện trạng đất đai, các quy hoạch hai bên tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, hai bên tuyến đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả và hai bên tuyến đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều để đánh giá, đề xuất công tác quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ đất và phát huy lợi thế phát triển dọc hai bên các tuyến đường.

Với sự quan tâm đầu tư đồng bộ, hiệu quả, kinh tế biển của tỉnh đã ngày càng phát huy và khẳng định được vị thế, tổng doanh thu dịch vụ cảng biển năm 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh đạt 6.230 tỷ đồng, tăng bình quân 27,5%/năm, cao hơn mục tiêu đề ra là 17,5%/năm. Đến hết năm 2022, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ cảng biển đạt khoảng 0,49% trong GRDP của tỉnh, tăng 0,09 điểm % so với năm 2020.

Quảng Ninh đặt mục tiêu giai đoạn 2022 - 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế biển 11,5 - 12%, đóng góp vào cơ cấu GRDP của tỉnh 22 - 23%; xây dựng Quảng Ninh là một trong những trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ giao thương quốc tế; Doanh thu dịch vụ cảng biển khoảng 25.000 tỷ đồng... Để hiện thực hoá mục tiêu này, tiếp tục phát triển bền vững kinh tế biển, tỉnh sẽ ưu tiên xây dựng đồng bộ và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đa mục tiêu, nhằm bảo đảm “lợi ích kép” trong phát triển.

Bài 4: Bứt phá bằng kinh tế biển và du lịch
Cảng Tàu khách Quốc tế Hạ Long

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục chú trọng công tác hợp tác quốc tế và khu vực trong phát triển kinh tế biển bền vững và đào tạo nguồn nhân lực biển hiệu quả; Tổ chức lại không gian phát triển kinh tế biển trên cơ sở phân vùng không gian dựa vào hệ sinh thái và theo chức năng sử dụng biển, đảo và vùng ven biển.

Quảng Ninh đẩy mạnh phân bổ không gian biển, vùng ven biển và đảo cho các ngành, lĩnh vực theo nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích và giảm xung đột không gian trong khai thác, sử dụng cùng một vùng ven biển, đảo và biển, giữa các tập thể và cá nhân; Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo; Đồng thời, thực hiện quản lý bền vững kinh tế biển của tỉnh theo phương thức quản trị biển dựa vào không gian, liên ngành với sự tham gia thực chất của các cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.

Kêu gọi những tên tuổi lớn

Đến năm 2015 dẫu lượng khách du lịch đến Quảng Ninh tăng lên nhưng cũng chỉ mới đạt 7,7 triệu lượt với mức doanh thu 6.548 tỷ đồng đã khiến vùng đất này thấy cần thiết phải thay đổi.

"Cuộc cách mạng" chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, thay thế màu bụi than và sự phụ thuộc khai khoáng bằng “ngành công nghiệp xanh” du lịch được Quảng Ninh triển khai thực hiện. Chiến lược kêu gọi những tên tuổi lớn như Sun Group, Vingroup, BIM group… đầu tư vào du lịch đã mang tới cho tỉnh những sản phẩm du lịch “độc nhất vô nhị”. Một hệ sinh thái du lịch đã được tập đoàn du lịch hàng đầu châu Á Sun Group mang tới cho Quảng Ninh.

Tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh có lẽ là tỉnh duy nhất sở hữu đầy đủ nhất các sản phẩm trong hệ sinh thái của Sun Group gồm: Một hệ thống giao thông đồng bộ và mang đẳng cấp quốc tế trên cả đường không (với Sân bay Quốc tế Vân Đồn), đường thủy (với Cảng Tàu khách Quốc tế Hạ Long) và đường bộ (với các cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và Vân Đồn - Móng Cái) để đưa du khách tới Quảng Ninh theo một cách tiện nghi, thuận lợi nhất.

Bài 4: Bứt phá bằng kinh tế biển và du lịch Bài 4: Bứt phá bằng kinh tế biển và du lịch Bài 4: Bứt phá bằng kinh tế biển và du lịch
Bài 4: Bứt phá bằng kinh tế biển và du lịch

Bãi tắm Bãi Cháy được cải thiện, cát trắng, nước trong sạch sẽ. Một tổ hợp vui chơi giải trí Sun World Ha Long ra đời, quy mô lớn nhất miền Bắc, với tuyến cáp treo Nữ Hoàng đạt hai kỷ lục thế giới băng qua eo biển lên đỉnh Ba Đèo, nơi có khu đồi kỳ bí với rất nhiều những khám phá mang đậm chất Nhật Bản, và tổ hợp hai công viên chủ đề lần đầu tiên có ở miền Bắc.

Năm 2020, Premier Village Ha Long Bay Resort - khu nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên ở Hạ Long mở cửa đón khách. Cũng năm đó, khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh chính thức vận hành, tạo nên “sản phẩm du lịch” đặc sắc, giúp Quảng Ninh có bước tiến dài để phá thế du lịch mùa vụ.

Chỉ sau 4 năm, vào 2019, khách du lịch tới Quảng Ninh đạt trên 14 triệu lượt, tức là gần gấp đôi lượng khách năm 2015, khi Quảng Ninh chưa có sự xuất hiện của hàng loạt sản phẩm du lịch mới.

Mức chi tiêu bình quân cho một du khách cũng thay đổi tích cực theo từng năm. So với năm 2018, mức chi tiêu của năm 2019 đạt 2,1 triệu đồng/lượt khách, tăng 9%. Tổng doanh thu từ khách du lịch năm 2019 đạt 29.487 tỷ đồng, gấp hơn bốn lần con số năm 2015. Cuộc “chuyển màu” đã giúp du lịch Quảng Ninh ghi những dấu ấn thăng hạng xuất sắc hơn bất cứ tỉnh nào ở Việt Nam khi đó.

Sau đại dịch COVID-19, Quảng Ninh đang cùng các doanh nghiệp du lịch lớn nỗ lực đưa ra nhiều sản phẩm du lịch mới, tăng thêm trải nghiệm cho du khách, để chạm tới mục tiêu đón 15 triệu lượt khách. Tỉnh cũng đã xác định sẽ đưa vào khai thác trong năm nay 39 sản phẩm du lịch mới. Trong đó, thành phố Hạ Long dẫn đầu với tám sản phẩm, một số sản phẩm đã từng thử nghiệm từ những năm trước như “Phố đêm du thuyền,” du lịch thể thao, vui chơi giải trí thuyền buồm trên Vịnh Hạ Long, nghe nhạc trên Vịnh Hạ Long hay tuyến phố đêm, phố đi bộ ở khu vực chùa Long Tiên (phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long).

Ngay trong hệ sinh thái của Sun Group, các thương hiệu cũng đã liên kết chặt chẽ, cho ra mắt những combo du lịch nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí - chăm sóc sức khỏe với tắm Onsen vừa độc đáo lại vừa có giá cả hấp dẫn tại Quảng Ninh.

Định hướng của Chính phủ về sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam đã được tóm tắt thành khẩu hiệu: “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”. Cách mà Quảng Ninh và Sun Group đã tạo dấu ấn trong thập kỷ qua có thể sẽ trở thành một ví dụ điển hình, để nhiều điểm đến tham khảo, trong quá trình hiện thực hóa khẩu hiệu trên.

Hội nhập môi trường số

Sau những bước khởi động, hiện ngành Du lịch Quảng Ninh đang tăng tốc mạnh mẽ trong lộ trình chuyển đổi số để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, bứt phá và phát triển bền vững hơn. Thời gian vừa qua, những nền tảng công nghệ phục vụ du lịch đã được phát triển mạnh mẽ nhưng chỉ thực sự bứt phá từ sau đại dịch COVID-19. Khi dịch bệnh được kiểm soát, người dân đã quen với việc quét và sử dụng QR Code.

Rất nhanh chóng, mã QR đã được ứng dụng vào lĩnh vực du lịch, từ việc hướng dẫn lịch trình tour, thông tin điểm đến, thông tin khách sạn đến các hãng lữ hành… Những tiện ích từ việc sử dụng mã QR đã giúp du khách tiết kiệm thời gian tìm hiểu thông tin du lịch; Các điểm đến cũng không tốn quá nhiều nhân lực để hướng dẫn, giới thiệu cho du khách.

Là trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh, thành phố Hạ Long đã bắt kịp xu thế du lịch thông minh bằng cách triển khai QR Code cập nhật thông tin du lịch để giúp du khách dễ dàng nắm bắt và chọn cho mình điểm đến phù hợp nhất.

Bài 4: Bứt phá bằng kinh tế biển và du lịch Bài 4: Bứt phá bằng kinh tế biển và du lịch Bài 4: Bứt phá bằng kinh tế biển và du lịch
Bài 4: Bứt phá bằng kinh tế biển và du lịch
Bài 4: Bứt phá bằng kinh tế biển và du lịch Bài 4: Bứt phá bằng kinh tế biển và du lịch

Nổi bật nhất, cuốn “Cẩm nang du lịch thành phố Hạ Long” cung cấp đầy đủ thông tin chính xác và chính thống về du lịch Hạ Long, được gắn mã QR giúp du khách tra cứu rất thuận tiện.

Chị Nguyễn Thị Hà Phương, du khách đến từ thành phố Cần Thơ cho biết, gia đình chị muốn đến du lịch Hạ Long. Khi lên mạng internet tìm thông tin thì không biết đâu mà lần, rất khó theo dõi và kiểm chứng chất lượng thực tế. Sau khi tham khảo một người bạn đã đi du lịch Hạ Long, chị Phương biết đến mã QR chứa toàn bộ thông tin, cẩm nang du lịch của TP Hạ Long. Chỉ cần quét mã là có đầy đủ thông tin các điểm đến, ẩm thực, lễ hội đặc sắc… Các thông tin này được xây dựng công phu và sắp xếp bài bản, dễ hiểu giúp chị Phương nhanh chóng lên hành trình và có chuyến đi khám phá Hạ Long ưng ý nhất.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP Hạ Long cho biết, bên cạnh việc quan tâm đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, thành phố cũng tích cực đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá Hạ Long - điểm đến thân thiện - an toàn - mến khách; Danh hiệu Hạ Long - thành phố du lịch sạch ASEAN; Vịnh Hạ Long - điểm đến du lịch hàng đầu Châu Á qua việc phát hành cuốn cẩm nang du lịch song ngữ, được số hóa bằng mã QR. Bên cạnh đó, thành phố cũng thực hiện clip quảng bá du lịch tích hợp trên ứng dụng Smart Hạ Long và nền tảng mạng xã hội, với mục tiêu hướng đến là du lịch của địa phương sẽ bắt kịp với xu thế du lịch thông minh hiện nay, mang đến trải nghiệm mới cho du khách khi đến tham quan.

Ngoài cẩm nang du lịch được số hóa, khi tham quan tại Hạ Long, du khách quét mã QR tại các điểm di tích nổi tiếng sẽ hiển thị đầy đủ thông tin về danh lam thắng cảnh, đặc sản, lễ hội... mà du khách cần tìm hiểu.

Không riêng tại Hạ Long, hiện nay, 165 điểm trong tổng số 370 điểm di tích tại 13 địa phương trong tỉnh Quảng Ninh cũng đã được số hóa và gắn mã QR. Du khách và người dân có thể tham quan, tìm hiểu thông tin điểm đến rất thuận tiện, dễ dàng, không còn phải phụ thuộc vào hướng dẫn viên. Để tiếp tục nâng cao trải nghiệm cho du khách, Quảng Ninh phấn đấu số hóa và gắn mã QR tại 100% địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

Huyện Cô Tô mã hóa QR code các tuyến đường du lịch tại huyện đảo
Huyện Cô Tô mã hóa QR code các tuyến đường du lịch tại huyện đảo.

Để tăng tốc trên lộ trình chuyển đổi số, tỉnh Quảng Ninh xác định phải nâng cao chất lượng môi trường tương tác số cho các doanh nghiệp, khách du lịch và người dân, đảm bảo thuận tiện và minh bạch.

Theo đại diện Sở Du lịch Quảng Ninh, hiện nay đơn vị đang tích cực triển khai các nội dung trong thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số lĩnh vực du lịch với Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch).

Cụ thể, ngành Du lịch Quảng Ninh tập trung triển khai áp dụng các nền tảng số cốt lõi trong hệ sinh thái du lịch thông minh theo hướng thống nhất và đồng bộ trên toàn quốc; Triển khai ứng dụng đa dịch vụ “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel” để quảng bá thông tin, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm của khách du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Triển khai các công cụ và phương tiện hỗ trợ khách du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt trên hệ thống thẻ du lịch thông minh thuộc hệ sinh thái Thẻ Việt - thẻ quốc gia đã được phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; Triển khai nền tảng số quốc gia “Quản trị và kinh doanh du lịch” để hỗ trợ cơ quan quản lý, cơ sở kinh doanh du lịch.

Ngoài ra, Sở Du lịch còn nghiên cứu, triển khai đồng bộ hệ thống vé điện tử tại các điểm tham quan du lịch, các điểm vui chơi, giải trí… trên địa bàn tỉnh; Quảng bá, hỗ trợ giao dịch sản phẩm dịch vụ du lịch Quảng Ninh trên Trang vàng Du lịch Việt Nam.

Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh cũng đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch trên các kênh truyền thông số của Tổng cục Du lịch; Xây dựng video clip quảng bá du lịch Quảng Ninh nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh và trên chức năng tìm kiếm của Google trong năm 2023; Triển khai hệ thống thuyết minh đa phương tiện...

Ngành Du lịch Quảng Ninh cũng tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành, đồng hành cùng doanh nghiệp đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số; Đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh chuyển đổi số.

Bài 4: Bứt phá bằng kinh tế biển và du lịch Bài 4: Bứt phá bằng kinh tế biển và du lịch

Đặc biệt, nhằm đa dạng hóa điểm đến cho du khách, phát triển đồng đều các loại hình du lịch, tỉnh Quảng Ninh cũng chú trọng thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn gắn với triển khai thực hiện Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Chính phủ về Phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là lập bản đồ số các sản phẩm du lịch nông thôn, hỗ trợ kết nối sản phẩm du lịch nông thôn với các sản phẩm du lịch khác phục vụ cho việc xúc tiến du lịch nông thôn; Xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất từ tỉnh đến cơ sở phục vụ cho việc quản lý, quảng bá và xúc tiến du lịch nông thôn.

Theo báo cáo của Sở Du lịch, thời gian qua, ngành Du lịch Quảng Ninh đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động chuyển đổi số gắn với du lịch thông minh. Đến nay, 26/26 (đạt 100%) thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Du lịch thực hiện ở cấp độ 4 (giải quyết qua môi trường mạng), quy trình thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân được tiếp cận.

Có thể thấy sau giai đoạn khởi động, chuyển đổi số đã được triển khai sâu rộng trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Từ công tác quản lý, quảng bá, xúc tiến du lịch đến kinh doanh của doanh nghiệp đều đã ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ.

Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản xây dựng được hệ thống du lịch thông minh nhằm hỗ trợ du khách trải nghiệm du lịch một cách tốt nhất, hỗ trợ các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch hiệu quả và hỗ trợ các cơ quan quản lý du lịch phân tích, dự báo số liệu, đẩy mạnh quảng bá và quản lý hoạt động du lịch.

(Còn nữa)

Bài viết: Ngọc Quyết

Bài viết liên quan:

Bài 1: Giá trị của tinh thần đổi mới, sáng tạo, đột phá Bài 2: "Chìa khóa" đẩy mạnh thu hút vốn FDI Bài 3: Đối mặt với thử thách, nêu cao ý chí tự lực, tự cường Bài 5: Hành trình đã trở thành thương hiệu
Bài 4: Bứt phá bằng kinh tế biển và du lịch

« Xem bài 3

Xem bài 5 »

Phạm Mạnh