eMag azine
29/11/2024 13:00
Bài 3: Tận dụng tối đa Luật Thủ đô, gỡ bỏ mọi hàng rào pháp lý

29/11/2024 13:00

TTTĐ - Khi tận dụng được tối đa những cơ chế đặc thù từ Luật Thủ đô cùng việc hoàn thiện 2 quy hoạch lớn: Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội sẽ hiện thực hóa được khát vọng xây dựng Thủ đô Hà Nội - Thành phố đáng sống với hệ giá trị 8 đặc trưng: Thủ đô Văn hiến, kết nối toàn cầu; thanh lịch hào hoa; phát triển hài hoà; thanh bình thịnh vượng, chính quyền phục vụ; doanh nghiệp số, doanh nghiệp cống hiến; xã hội số, xã hội niềm tin; người dân hạnh phúc.

Luật thủ đô

luat-thu-do

Khi tận dụng được tối đa những cơ chế đặc thù từ Luật Thủ đô cùng việc hoàn thiện 2 quy hoạch lớn: Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội sẽ hiện thực hóa được khát vọng xây dựng Thủ đô Hà Nội - Thành phố đáng sống với hệ giá trị 8 đặc trưng: Thủ đô Văn hiến, kết nối toàn cầu; thanh lịch hào hoa; phát triển hài hoà; thanh bình thịnh vượng, chính quyền phục vụ; doanh nghiệp số, doanh nghiệp cống hiến; xã hội số, xã hội niềm tin; người dân hạnh phúc.

luat-thu-do

Để giải quyết những bất cập còn tồn tại, thời gian qua, Hà Nội đã quán triệt, triển khai nghiêm túc và hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với đó, Hà Nội đang nỗ lực triển khai những định hướng tại Kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Đặc biệt, tại kỳ họp thứ bảy khóa XV Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô số 39/2024/QH15. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025, trừ 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Đây là một công cụ pháp lý mới để Hà Nội phát triển toàn diện.

luat-thu-do

Năm 2024, Hà Nội thắng lợi lớn khi ngày 28/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô, có hiệu lực từ 1/1/2025 và cho ý kiến với 2 quy hoạch lớn: Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Luật gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô năm 2012), bám sát 5 quan điểm chỉ đạo và 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định với nhiều nội dung mới, hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực... cùng nhiều giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển đất nước, Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh, Luật Thủ đô đã chỉnh lý nhiều quy định quan trọng, bảo đảm tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Luật quy định chính quyền địa phương ở thành phố, quận, huyện, thị xã thuộc thành phố, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND; chính quyền địa phương ở phường tại Hà Nội là UBND phường. Như vậy, Luật đã luật hóa quy định không tổ chức HĐND cấp phường được quy định trong Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội.

Để bảo đảm cơ chế kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền, tránh lạm dụng, ủy quyền tràn lan, Luật giao HĐND thành phố Hà Nội quy định chi tiết phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền. Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội được giao quy định việc điều chỉnh hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền phù hợp với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, ủy quyền. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của thành phố và các tổ chức thành viên giám sát việc thực hiện các nội dung được phân cấp, ủy quyền theo quy định của Luật.

luat-thu-do

Không chỉ đề cập đến công tác cán bộ, cơ chế kiểm soát quyền lực, Luật Thủ đô cũng xác định, Nhà nước ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Trong đó, trường hợp ngân sách Trung ương tăng thu so với dự toán các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương với ngân sách thành phố Hà Nội, ngân sách Trung ương trích 30% của số tăng thu để thưởng cho ngân sách thành phố.

Luật cũng mở ra “kỷ nguyên mới” trong phát triển hạ tầng giao thông Hà Nội theo hướng cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị được ưu tiên áp dụng mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng), bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững. Trong khu vực TOD, thành phố được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với một số khoản thu để tái đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Hai đồ án quy hoạch được xem là 2 “trung tâm”, thêm vào đó, Luật Thủ đô là khung pháp lý để Hà Nội thực hiện các nhiệm vụ trung tâm đó. Trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ, hai trục trung tâm để thực hiện là: Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô.

Với các dự án hạ tầng giao thông lớn, điểm đáng quan tâm nhất là Điều 43, Luật Thủ đô với nội dung: “Tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công”. Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền của thành phố, khi quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể có quy mô dự án nhóm B, nhóm C theo quy định của pháp luật về đầu tư công, có quyền quyết định tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổng thể. Căn cứ chủ trương đầu tư dự án tổng thể, cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Hà Nội quyết định đầu tư dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng. Như vậy, "nút thắt" giải phóng mặt bằng vốn gây chậm tiến độ hàng loạt dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội được tháo gỡ.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh, những quy định mới nêu trên hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực, sẽ góp phần tạo xung lực mới, không gian mới để Thủ đô phát triển toàn diện…

luat-thu-do

Việc Luật Thủ đô được thông qua không chỉ là tin vui lớn với chính quyền và Nhân dân Thủ đô, mà còn mang đến những kỳ vọng, mong mỏi về sự thay đổi mạnh mẽ, đáp ứng kỳ vọng của cả nước về một Thủ đô phát triển xứng tầm trong tương lai. Do đó, nhằm hoàn thiện “bệ phóng” thể chế để Thủ đô tăng tốc phát triển, UBND thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh việc phối hợp với các bộ, ngành, tham mưu dự thảo các nghị định, nghị quyết, quyết định hướng dẫn thực hiện để Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống.

Ngay sau khi Luật được công bố, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị về việc triển khai thi hành Luật Thủ đô. Theo đó, Sở Tư pháp Hà Nội là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và thành phố Hà Nội xây dựng tài liệu tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Thủ đô.

Đặc biệt, UBND thành phố Hà Nội phát động phong trào thi đua thi hành Luật Thủ đô và Sở Nội vụ Hà Nội có trách nhiệm chủ trì, tham mưu đề xuất khen thưởng, tôn vinh kịp thời các cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng và thi hành Luật Thủ đô. Định kỳ ngày 25 hàng tháng, cơ quan chủ trì soạn thảo cập nhật thông tin về tình hình, tiến độ soạn thảo văn bản quy định Luật Thủ đô để tổng hợp, báo cáo tập thể UBND thành phố tại phiên họp thường kỳ hàng tháng.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các ban, Sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phụ trách, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố về chất lượng, tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết Luật Thủ đô.

luat-thu-do

Đặc biệt, 19/11, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp chuyên đề (kỳ họp thứ mười chín) để xem xét, ban hành các nội dung triển khai, thi hành Luật Thủ đô năm 2024.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, kỳ họp đã thông qua 15 Nghị quyết với tỷ lệ thống nhất cao. Trong đó có nhiều nội dung, quy định, là cơ sở pháp lý rất quan trọng để kịp thời triển khai thi hành Luật Thủ đô và tháo gỡ, giải quyết hiệu quả các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong thực tiễn phát triển của thành phố. Ngay sau kỳ họp, HĐND TP đề nghị UBND TP, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tập trung tổ chức triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đảm bảo các nghị quyết của HĐND TP đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực.

Đối với các nghị quyết thuộc nhóm chính sách mới để triển khai, thi hành Luật Thủ đô, Chủ tịch HĐND TP đề nghị UBND TP đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng, tạo sự đồng thuận và nhận thức cao trong triển khai thực hiện nghị quyết.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn

Chỉ đạo tại các cuộc làm việc với lãnh đạo các Sở, ngành, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị các đơn vị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao phải chủ động, khẩn trương triển khai để sớm đưa Luật vào cuộc sống một cách hiệu quả, với những sản phẩm cụ thể, thiết thực. Đối với các nội dung phối hợp, phải xác định rõ đơn vị chủ trì; đồng thời, quy trình xây dựng văn bản phải chặt chẽ.

Đóng góp ý kiến nhằm cụ thể hóa, đưa Luật Thủ đô 2024 thẩm thấu vào cuộc sống, TS Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa Pháp luật hành chính, nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh đến nhiệm vụ bảo đảm chất lượng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thủ đô.

luat-thu-do
TS Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa Pháp luật hành chính, nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội đóng góp ý kiến đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống

"Chất lượng của các văn bản quy định chi tiết Luật Thủ đô được đánh giá trên cơ sở các tiêu chí về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, tính khả thi... Vì vậy, việc kiểm soát chất lượng của các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật thuộc trách nhiệm của cơ quan thẩm định, thẩm tra dự thảo nghị định, nghị quyết, quyết định và thông tư trong giai đoạn soạn thảo văn bản”, TS Đoàn Thị Tố Uyên nhìn nhận.

Theo các chuyên gia, cùng với việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Hà Nội cần chuẩn bị đội ngũ cán bộ tinh thông nghiệp vụ và tâm huyết với Thủ đô để thi hành Luật.

PGS. TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khoá XIII, Chủ tịch Hội nữ tri thức TP Hà Nội cho rằng, các quy định mới được đưa ra trong Luật Thủ đô sẽ tạo cú hích mang tính đột phá xây dựng và phát triển Thủ đô trong thời gian tới. Đây sẽ là căn cứ để Hà Nội tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.

Để Luật Thủ đô đi vào cuộc sống, thành phố cần chuẩn bị một lực lượng để đón nhận. Việc chuẩn bị con người phải từ thành phố tới cơ sở để cho việc vận dụng Luật ở các lĩnh vực được hiệu quả, bởi chính họ sẽ hiểu rõ lĩnh vực của mình, biết đâu là điểm cần đột phá.

Theo bà An, cần thiết nên thực hiện Luật Thủ đô theo tinh thần Chỉ thị 24 của Thành ủy Hà Nội. Tinh thần các đồng chí lãnh đạo đứng đầu các đơn vị, địa phương rất quan trọng. Nếu người đứng đầu có tầm, có tâm thì sẽ quy tụ được lòng người, nhân tài chung sức triển khai đưa Luật vào cuộc sống. Cùng với đó, cán bộ các cấp phải hiểu được một cách đầy đủ cặn kẽ các điều khoản của Luật Thủ đô để vận dụng vào từng lĩnh vực, từ đó mới có những kiến nghị, sáng tạo, cách làm cụ thể. Nếu không hiểu, không nắm chắc sẽ máy móc, cứng nhắc, dẫn tới Luật Thủ đô không phát huy hiệu quả.

luat-thu-do

Còn theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, để thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Luật Thủ đô, điều cần thiết là xây dựng, củng cố, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu “vừa hồng, vừa chuyên”, bảo đảm năng lực, có ý thức trách nhiệm cao và gương mẫu trong tổ chức triển khai thực hiện luật.

“Với rất nhiều cơ chế, chính sách đột phá trong Luật Thủ đô, chúng ta phải thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo trong khuôn khổ Quốc hội đã trao, với một tinh thần trách nhiệm cao nhất. Đội ngũ cán bộ, công chức với tư duy mới, tầm nhìn mới, với yêu cầu đòi hỏi mới phải tự nâng cao năng lực, trình độ; đặc biệt tinh thần “vì Nhân dân phục vụ” phải cao hơn nữa, lúc đó chúng ta mới có thể triển khai thực hiện Luật một cách tốt nhất”, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội nhấn mạnh.

luat-thu-do

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: Luật Thủ đô có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, nhiều quy định mới so với hệ thống pháp luật hiện hành. Yêu cầu đặt ra là các cấp, ngành, mỗi cán bộ, công chức của thành phố phải nắm vững tư tưởng, quan điểm, tinh thần của Luật Thủ đô; hiểu rõ được các quy định cụ thể cũng như mối quan hệ giữa các quy định của Luật Thủ đô trong tổng thể chung của hệ thống pháp luật.

Luật Thủ đô là “cơ hội vàng” để tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển lên tầm cao mới, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân Thủ đô. Chính vì vậy, để việc thi hành Luật Thủ đô đem lại hiệu quả, không chỉ là nhiệm vụ chung của thành phố, mà là nghĩa vụ của mỗi người dân để góp phần phát triển Thủ đô Hà Nội ngày càng “văn hiến - văn minh - hiện đại”.

Như kỳ vọng, gửi gắm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dành cho Hà Nội tại Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: “Với thời cơ, vận hội mới, chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; đây cũng là thời điểm để định hướng tương lai của chúng ta. Yêu cầu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới đặt ra nhiệm vụ ngày càng cao đối với Hà Nội; “Hà Nội phải làm thế nào để trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; phải làm thế nào để xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước”.

Thực hiện: Trí Nhân - Nguyễn Anh

Bài viết liên quan:

Bài 1: Dấu ấn 70 năm vươn mình trong kỷ nguyên mới
Bài 2: Hà Nội còn nhiều dư địa phát triển
luat-thu-do

PV