Bài 3: Sứ mệnh lịch sử và yêu cầu chất lượng cuộc sống
Khu vực bể lắng, bể lọc Nhà máy nước Quyết Tiến |
Vì cuộc sống tốt đẹp hơn
Xã hội ngày một phát triển, đời sống Nhân dân huyện Tiên Lãng cũng đang thay đổi từng ngày, kéo theo đó là sự đòi hỏi nhu cầu sử dụng chất lượng hàng hóa, dịch vụ cao lên. Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, các con kênh bị thu hẹp lại do mở rộng đường, việc xả thải từ các mô hình chăn nuôi, VAC trong dân, xả thải sinh hoạt, sự biến đổi khí hậu... làm cho nguồn nước bị ô nhiễm. Điều này khiến các nhà máy nước chịu áp lực không nhỏ.
Đứng trước những thách thức thời đại mới, chính quyền địa phương cũng đang "căng mình" để tìm giải pháp hài hòa giữa quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.
Hệ thống hồ lắng, bể lọc Nhà máy nước Thanh Lương, Vĩnh Bảo |
Ông Phạm Văn Hòa, Chánh Văn phòng UBND huyện Tiên Lãng, chia sẻ: Nhu cầu và quyền lợi của bà con về nguồn nước sạch là chính đáng; công lao và số vốn đầu tư của các nhà máy nước mini cũng không nhỏ. Nguồn nước thô cung cấp cho các đơn vị sản xuất nước sạch hiện nay khó lòng đáp ứng về chất lượng. Vì vậy, huyện đang tiến hành nhiều cuộc thanh, kiểm tra, khảo sát và bàn luận tìm cách tháo gỡ.
Hướng đi của huyện là sẽ đưa đơn vị cấp nước mới vào thay thế cho các nhà máy nước trên địa bàn; sử dụng hệ thống nước từ các địa phương khác trong và ngoài thành phố có nguồn nước thô đảm bảo quy định của Bộ Y tế.
Vấn đề đặt ra, khi các doạnh nghiệp hoạt động cấp nước giải thể, nguồn vốn họ đầu tư vào nhà máy chưa được khấu hao hết sẽ lấy lại bằng cách nào. Chính quyền huyện cũng như thành phố có chính sách gì để hỗ trợ cho việc chuyển đổi công việc đối với các đơn vị đang hoạt động cấp nước này? Để làm được điều này, ông Hòa cho rằng cần sự chung tay, góp sức và thấu hiểu, đồng lòng của Nhân dân toàn huyện cũng như các chủ nhà máy nước, vì cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nghị quyết số 15-NQ/TU đã đưa ra mục tiêu cụ thể. Đến năm 2025, 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt đạt tiêu chuẩn; hoàn thành việc chấm dứt hoạt động đối với các nhà máy nước không đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn.
Băn khoăn về giải pháp “huy động sức dân”
Nghị quyết 15 đã đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình để thực hiện, mục tiêu trên. Một trong những giải pháp chính là xã hội hóa nguồn kinh phí, trên cơ sở vận động Nhân dân tự nguyện đóng góp và các nguồn xã hội hóa hợp pháp khác để hoàn trả phần giá trị còn lại của các tổ chức, cá nhân đã đầu tư nhà máy nước phải dừng hoạt động.
Theo lộ trình, từ năm 2024 - 2027, huyện sẽ vận động “sức dân đóng góp” để hỗ trợ cho 150/161 nhà máy nước dừng hoạt động; đưa các doanh nghiệp lớn có năng lực cấp nước chất lượng tốt vào phục vụ người dân…
Hệ thống ông dẫn nước D400 của một doanh nghiệp lớn kéo vào "Vùng phục vụ cấp nước" |
Ông Phạm Văn Thương, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Thuỷ sản và Dịch vụ môi trường Tiên Lãng, chia sẻ: "Hợp tác xã (HTX) đang đầu tư, quản lý, vận hành 2 nhà máy nước trên địa bàn huyện Tiên Lãng, gồm: Nhà máy nước xã Đoàn Lập 1 và Nhà máy nước Kiến Thiết, cung cấp nước trên địa bàn 3 xã.
Chủ trương của thành phố và huyện Tiên Lãng đồng thuận cho các nhà máy nước ngừng hoạt động để nhường “Vùng phục vụ cấp nước tập trung” cho đơn vị khác có năng lực cấp nước và có nguồn nước đầu vào tốt hơn phục vụ Nhân dân.
UBND huyện Tiên Lãng đã thuê đơn vị thẩm định giá, xác định giá trị còn lại 2 nhà máy nước của HTX còn lại là 16,3 tỷ đồng. Theo các văn bản của cơ quan chức năng, số tiền nói trên sẽ được UBND Tiên Lãng và UBND các xã vận động Nhân dân đóng góp để bồi thường, hỗ trợ cho các nhà máy nước mini. Tính ra, bình quân mỗi hộ phải đóng góp từ 3 - 5 triệu đồng.
Việc thẩm định giá nói trên đã hoàn thành từ nhiều tháng nay nhưng đến nay HTX chưa nhận được bất cứ một văn bản nào nào thể hiện UBND huyện, UBND các xã sẽ đứng ra bồi thường, hỗ trợ...”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng, cho biết: Theo chủ trương của thành phố, năm 2011 sẽ kêu gọi các doanh nghiệp đồng hành cùng thành phố đưa nước sạch về nông thôn. Đến năm 2013, địa phương tiếp nhận hoạt động của nhà máy nước Khởi Nghĩa, đơn vị cung cấp nước sạch trên cả 3 địa bàn xã Tiên Thanh, Khởi Nghĩa và Quyết Tiến.
Do vậy, chủ trương của thành phố cũng như của huyện là thay thế đơn vị cấp nước, đưa nguồn nước mới đảm bảo an toàn vào phục vụ Nhân dân. Lãnh đạo địa phương cũng như tâm tư, nguyện vọng của bà con là rất ủng hộ, mong muốn sớm có nguồn nước sạch thay thế.
Về vấn đề xã hội hóa kinh phí từ phía Nhân dân để giải quyết vấn đề bồi thường, hỗ trợ cho nhà máy nước cũ, địa phương nhận định là sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên nếu có chủ trương giao, địa phương sẽ đồng hành, hỗ trợ vận động bà con…
Hệ thống bơm áp lực Nhà máy nước Quyết Tiến, Tiên Lãng |
Ông Đoàn Văn San, Chủ tịch UBND xã Tiên Thanh cho rằng: Công lao của nhà máy nước mini là rất lớn, suốt trong thời gian qua đã góp phần vào cải thiện đời sống bà con nông thôn bằng việc cũng cấp nước sạch trong sinh hoạt, đưa bộ mặt nông thôn cải thiện và gần hơn so với cuộc sống thành thị.
Tuy nhiên, do yếu tố tự nhiên về nguồn nước thô hiện nay bị ô nhiễm nặng, công nghệ nhà máy nước cũ không còn đủ khả năng lọc bỏ chất ô nhiễm trong nước khiến chất lượng nước bị xuống cấp.
Việc thành phố và huyện chủ trương thay thế nhà máy nước mới nhằm đảm bảo nguồn nước sạch đạt chất lượng cho Nhân dân, bà con rất mừng. Tuy nhiên, việc vận động bà con về nguồn vốn để giải quyết hỗ trợ Nhà máy nước cũ nhường địa bàn cấp nước lại cho đơn vị mới thì rất khó.
Đối với xã Vinh Quang, ông Phạm Minh Hải, Chủ tịch UBND xã cho rằng, việc thay thế nguồn nước mới về địa phương là chính đáng và cần thiết. Hiện tại, địa bàn xã Vinh Quang có 15 thôn với 1.800 hộ dân. Về cơ bản, tất cả các hộ đều đang sử dụng nước máy, một số ít dùng nguồn nước khác.
Theo ông Hải, chất lượng nước máy ở xã Vinh Quang không đạt vì nguồn nước bị nhiễm mặn, tiêu chí xử lý nước của nhà máy nước mini không loại bỏ được ô nhiễm. Đây là vấn đề địa phương rất trăn trở. Quan điểm của địa phương là mong muốn có nước sạch cho bà con sử dụng.
Việc vận động bà con đóng góp kinh phí theo chủ trương của thành phố để giải quyết vấn đề nhà máy nước hiện nay là “một bài toán khó”. Địa phương sẵn sàng cố gắng hết sức, đồng hành vận động bà con khi có chủ trương. Tuy nhiên, ông Hải cũng mong muốn đề xuất thành phố có phương án, nguồn kinh phí nào đó để hỗ trợ địa phương giải quyết trong trường hợp không vận động được bà con hỗ trợ…
(Còn nữa)