eMag azine
06/05/2023 08:00
Bài 3: Những người “thắp lửa” cho di sản Việt

06/05/2023 08:00

TTTĐ - Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 đã nhấn mạnh quan điểm: “Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc”. Để di sản văn hóa được phát huy giá trị hiệu quả, nhiều doanh nghiệp lữ hành, nghệ nhân dân gian đã không ngừng khơi dậy niềm đam mê, thổi hồn, lan tỏa tinh hoa của di sản trong cộng đồng.
Bài 3: Những người “thắp lửa” cho di sản văn hóa

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 đã nhấn mạnh quan điểm: “Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc”. Để di sản văn hóa được phát huy giá trị hiệu quả, nhiều doanh nghiệp lữ hành, nghệ nhân dân gian đã không ngừng khơi dậy niềm đam mê, thổi hồn, lan tỏa tinh hoa của di sản trong cộng đồng.

Không ngừng tạo sức sống mới cho xòe Thái

Nghệ thuật xòe của đồng bào Thái vùng Tây Bắc mới đây cũng đã được UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Yên Bái, trung tâm của điệu múa xòe, với chủ trương biến “di sản thành tài sản”, nhiều năm nay đã đưa xòe trở thành sản phẩm du lịch tại lễ hội Mường Lò. Tại đây, các nghệ nhân và cộng đồng người dân ở Yên Bái tham gia trình diễn cùng khách du lịch. Với họ, được biểu diễn xòe Thái không chỉ là niềm tự hào mà còn là trách nhiệm để lan tỏa tinh hoa, bản sắc của dân tộc mình. Lễ hội này luôn thu hút đông đảo Nhân dân địa phương, du khách háo hức đón chờ. Điều này không chỉ góp phần phát triển du lịch Yên Bái mà còn góp phần bảo tồn, tạo nên sức sống mới cho xòe Thái.

Chia sẻ về những tour du lịch này, anh Viết Anh Mạnh, Công ty Truyền thông và Du lịch Nhật Anh với kinh nghiệm hơn 10 năm là hướng dẫn viên cho các tour du lịch vùng cao, đánh giá: “Khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế thường mong muốn được tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với các tour ở Tây Bắc, họ thường rất thích thú với ẩm thực, đặc biệt là tham gia vào múa xòe cùng dân bản địa”.

Để xòe Thái không bị biến mất trong đời sống đương đại, ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái cho hay, từ những năm 1990 đến nay, Yên Bái đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ nghệ thuật xòe Thái. Đặc biệt, để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và Yên Bái là một trong những điểm đến hàng đầu của vùng Tây Bắc, ngày 19/4/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND về việc Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, nghị quyết có hỗ trợ cho các nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể… Theo nghị quyết này, một số nghệ nhân như ông Lò Văn Biến, bà Hoàng Thị Văn, bà Điêu Thị Xiêng - những nghệ nhân dạy xòe Thái đều được hỗ trợ 250.000 đồng/buổi; Hỗ trợ một lần kinh phí thành lập mới đội văn nghệ nhóm II, có bản sắc văn hóa các dân tộc là 40 triệu đồng/đội; Hỗ trợ kinh phí duy trì hoạt động hàng năm cho các đội văn nghệ là 3 triệu đồng/đội.

Chị Nguyễn Thu Phong, cán bộ Phòng Văn hóa thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), cho hay, thị xã Nghĩa Lộ là quê hương của xòe cổ. Hiện 100% xã, phường ở thị xã Nghĩa Lộ đều có đội văn nghệ dân gian để truyền dạy các điệu xòe Thái. Toàn thị xã có 200 câu lạc bộ sinh hoạt thường xuyên. Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã đưa 6 điệu xòe cổ vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh.

Bài 3: Những người “thắp lửa” cho di sản Việt

Nghệ nhân Lò Văn Biến tham gia trình diễn và truyền dạy xòe Thái cho thế hệ trẻ

Nghệ nhân ưu tú Hoàng Thị Văn (tổ Tông Co 3, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ) đã nhiều năm nay làm công việc truyền dạy xòe Thái trong các trường học. Bà bày tỏ: “Chúng tôi tình nguyện truyền dạy cho các cháu nhỏ trước hết vì đam mê. Xòe đã “ăn” và máu từ nhỏ, lớn dần lên theo năm tháng nên thôi thúc tôi phải truyền lại cho con cháu và các bạn trẻ. Bằng cách ươm mầm như vậy, tôi hy vọng thế hệ trẻ sẽ nối tiếp, thực hành hàng ngày và lan tỏa nét đẹp xòe Thái trong đời sống cộng đồng”, bà Văn tâm sự.

Đánh giá cao về mô hình bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của di sản xòe Thái, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, Tổ trưởng Tổ Bộ môn Di sản học, Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho hay: “Chính quyền địa phương và cộng đồng đã thực hành tốt xòe Thái, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này; Đồng thời lan tỏa qua các hoạt động thường ngày, sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của các dân tộc Tây Bắc. Đây chính là lý do xòe Thái có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng người Thái đến tận ngày nay”.

Kể chuyện về di sản tư liệu thế giới

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong số khách du lịch văn hóa nói chung, khách đến tham quan các viện bảo tàng chiếm khoảng 59%; Thăm các di tích lịch sử, di sản văn hóa chiếm khoảng 56% - cao hơn nhiều đi dự các buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Nắm bắt được điều này, nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng đã bắt tay vào khai thác và lan tỏa các di sản văn hóa.

Bà Lê Thu Trang, Giám đốc khối quản lý điểm đến SGO DMC, Công ty SGO Travel chia sẻ, hiện chúng ta có vô vàn chất liệu văn hóa từ các di sản.

“Lễ hội, con đường, chiếc nón, làn điệu dân ca… đều mang trên mình câu chuyện văn hóa. Làm sao phải kể ra câu chuyện văn hóa gắn với điểm đến; Kết nối giữa các điểm đến với nhau và phải mang trải nghiệm văn hóa, trải nghiệm thực tế và nếu có thể nên đưa nghệ thuật biểu diễn trong từng sản phẩm du lịch. Các công ty du lịch hướng đến thị trường nội địa càng cần phải coi trọng kể câu chuyện văn hóa cho du khách”, bà Trang nhấn mạnh.

Với phương châm đó, SGO Travel cũng đã thành công với các tour du lịch Hà Nội - Tây Yên Tử có tên: “Theo dấu chân Phật Hoàng Trần Nhân Tông”, trải nghiệm văn hóa làng nghề, miệt vườn ở Lục Ngạn (Bắc Giang)… Tour “Theo dấu chân Phật Hoàng”, du khách khởi hành từ Hoàng thành Thăng Long, thăm chùa Vĩnh Nghiêm - nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông hoằng dương thuyết pháp, kết thúc tại Tây Yên Tử… Chỉ trong một ngày, họ được lắng nghe câu chuyện lịch sử đầy cảm xúc trên "con đường hoằng dương thuyết pháp" của vua Trần Nhân Tông trong hành trình người cởi bỏ hoàng bào và khoác lên chiếc áo tu hành.

Đặc biệt, tại chùa Vĩnh Nghiêm, nơi đang lưu giữ hơn 3.050 mộc bản từ thế kỷ XVI - XIX, du khách được tìm hiểu về mộc bản, di sản văn hóa của nhân loại đã được UNESCO công nhận. Đồng thời, họ được tự tay in bài thơ “Cư trần lạc đạo” của vua Trần Nhân Tông trên mộc bản. Đó là một hành trình xuyên suốt từ điểm khởi hành và điểm kết thúc.

“Sản phẩm du lịch này mới ra mắt nhưng thực sự đang tạo nhiều dấu ấn và sự thích thú đối với khách du lịch. Tôi cho rằng, phát triển du lịch từ di sản văn hóa là một hướng đi đúng đắn, sáng tạo. SGO Travel sẽ kiên trì theo đuổi hướng đi này trong thời gian tới”, bà Trang cho biết.

Bài 3: Những người “thắp lửa” cho di sản Việt

Ấn tượng với "điểm chạm" trên du thuyền triệu đô

Định vị phát triển du lịch gắn với di sản văn hóa, bao gồm di sản thiên nhiên, di sản vật thể và phi vật thể, doanh nhân Phạm Hà, CEO của Lux Group đã tạo ra những “điểm chạm” ấn tượng trên du thuyền triệu đô Bình Chuẩn. Chia sẻ với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, vị CEO này cho biết, có rất nhiều cách để kể câu chuyện về di sản nhưng với LuxGroup, câu chuyện Việt Nam được kể trên chiếc du thuyền Heritage Cruises Bình Chuẩn, lấy cảm hứng từ doanh nhân Bạch Thái Bưởi - người được mệnh danh là "Vua tàu thủy Việt Nam" hay “Chúa sông Bắc kỳ”.

Nhiều du khách thực sự ấn tượng với đêm diễn Heritage by night (Chạm vào di sản) trên du thuyền này. Với sân khấu thực cảnh, họ được về với không gian làng quê Bắc Bộ yên bình, hiền hòa nhưng cũng rất xôn xao, náo nhiệt được tái hiện trọn vẹn qua các phân đoạn "Chợ quê", "Ngày mùa" và "Hội làng" trên du thuyền. Đặc biệt, sáng sớm, du khách được tập võ cổ truyền VOVINAM ngay trên sân đất ở du thuyền, rồi được thưởng thức và trải nghiệm nấu những món ăn vốn là đặc trưng ẩm thực Việt, tham quan làng chài…

“Có những du khách Châu Âu ở 7 đêm trên du thuyền mà không cảm thấy chán. Họ đều nói, các bạn có một nền văn hóa rất tuyệt vời, bởi vì chúng tôi đưa đến những cảm xúc ở tất cả các giác quan mà họ chưa từng được trải qua trên không gian tĩnh lặng của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long”, ông Hà nói.

Bà Frances Barnett Brookner, du khách đến từ Mỹ rất ấn tượng với “Chạm vào di sản”. Vị khách này nói: “Trên tàu, mọi không gian đều lắng đọng ký ức. Mỗi bức tranh, quyển sách, đồ vật đều gắn với những câu chuyện văn hóa, lịch sử mà nhân viên có thể kể hàng giờ. Khi cần thông báo, trưởng tàu cầm chiếc mõ đem đi gõ khắp các phòng. Ngày tham quan di sản, tối xúng xính trong tà áo dài dân tộc, khách được thưởng thức những đặc sản địa phương nổi tiếng trong tiếng đàn tranh. Các sản phẩm du lịch đậm chất văn hóa thế này sẽ thu hút nhiều khách quốc tế đến Việt Nam hơn nữa. Chắc chắn vậy!”.

Doanh nhân Phạm Hà cũng nhấn mạnh, khi chúng ta trân quý di sản sẽ biết cách sáng tạo trên di sản mà không phải là “ăn mày” di sản. "Với du khách Việt Nam, chúng tôi muốn kể câu chuyện lịch sử tàu Made in Vietnam đầu tiên của tiền nhân là doanh nhân Bạch Thái Bưởi, để mọi người chạm được vào di sản phi vật thể trên hành trình khám phá di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ. Một giấc mơ người Việt đang được viết tiếp trên hành trình giấc mơ du thuyền Việt Nam ra biển lớn, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và vinh danh di sản Việt Nam”, ông nói.

Bài 3: Những người “thắp lửa” cho di sản ViệtDu khách được khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu về di sản văn hóa Việt Nam ngay trên du thuyền Bình Chuẩn

Theo ông Trần Văn Mạnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam:

"Chúng ta cần huy động trí tuệ, công sức, sáng kiến của toàn xã hội, trong đó đề cao vai trò của cộng đồng - chủ thể đóng vai trò quan trọng trong việc sáng tạo, duy trì và trao truyền di sản văn hóa. Trong cộng đồng đó, không thể bỏ qua vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hưởng lợi từ di sản.

Khi di sản có giá trị được khai thác đúng mức sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, góp phần phát triển các ngành kinh tế có liên quan, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Ngược lại, doanh nhân, doanh nghiệp được hưởng lợi từ di sản cần có trách nhiệm, kế hoạch đầu tư trở lại việc bảo tồn và xem đây là một phần trong chiến lược phát triển doanh nghiệp, tự giác trích lợi nhuận thu được từ khai thác di sản để đóng góp, thúc đẩy hơn nữa công tác bảo tồn và giữ gìn di sản".

(Còn nữa)

Thực hiện: Thanh Thắng

<< Xem bài 2

Xem bài 4 >>

Bài viết liên quan:

Bài 1: "Biến" di sản thành "tài sản" Bài 2: Để di sản "sống khỏe"... Bài 4: Chuyên gia hiến kế "khai phá" di sản

Thanh Thắng