|
TTTĐ - Không còn là những ông, bà mà ngày càng nhiều anh, chị Chủ tịch Mặt trận với tuổi đời còn khá trẻ tham gia vào hệ thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và nắm giữ các chức vụ chủ chốt tại cơ sở. Sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của những cán bộ Mặt trận trẻ đang thổi luồng gió mới, góp phần đổi mới phương thức hoạt động của MTTQ và tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh. |
Sinh năm 1980 nhưng anh Nguyễn Văn Đà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) đã có 14 năm làm công tác Mặt trận, với nhiệm vụ đầu tiên là Phó Chủ tịch và sau đó là Chủ tịch MTTQ xã (năm 2017).
"Đầu quân" cho Mặt trận khi mới 28 tuổi, nên dù trước đó có kinh qua nhiều vị trí công tác như: Đoàn Thanh niên xã, cán bộ tư pháp, cán bộ phòng văn hóa thông tin, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Trưởng Công an xã... anh Đà vẫn không khỏi lo lắng. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, anh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về Luật, điều lệ, phương thức hoạt động Mặt trận, nắm các rõ các quy định được làm gì và phải làm gì. “Dù vậy, quá trình công tác, tôi nhận ra đó chỉ là những kiến thức trên sách vở. Phải dựa vào Nhân dân để phát triển Mặt trận”, anh Đà cho biết. Nắm được bí quyết ấy, anh thường dành nhiều thời gian tìm đến các hộ dân trò chuyện để bà con tin tưởng, giãi bày khi có thắc mắc, vướng bận. Khi nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của bà con, cán bộ Mặt trận lại tích cực tham mưu với cấp ủy hướng giải quyết thấu tình, đạt lý, không để mâu thuẫn, bức xúc trong dân. 14 năm làm công tác Mặt trận, anh Đà tự hào khi được người dân trên địa bàn tin tưởng, chủ động hiến kế, tư vấn những cách làm hiệu quả, hợp ý Đảng, lòng dân. |
Với cách làm hướng về dân và phát huy tinh thần “cán bộ đi trước, làng nước theo sau”, các phong trào, hoạt động ở xã Đa Tốn liên tiếp những năm qua đã thu được nhiều thành công. Xã là đơn vị dẫn đầu thi đua liên tự các năm 2019, 2020 và 2021 của MTTQ huyện; Đặc biệt là điểm sáng trong công tác vận động Nhân dân tại huyện Gia Lâm. Những mô hình như: Cải tạo vườn hoa, sân chơi; Mở đường quanh làng, vận động các quỹ quyên góp... đã được nhiều xã tìm tới học hỏi, khi huy động được người dân cùng tham gia, góp công, góp của một cách tự nguyện. Nhiều phong trào có sự thay đổi vượt bậc, điển hình như phong trào thực hiện tang văn minh trên địa bàn chuyển biến tích cực từ 67% năm 2018 lên 95% năm 2021... Trong giai đoạn chống dịch, MTTQ xã Đa Tốn luôn tiên phong hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu vận động các quỹ ủng hộ. Đó là nhờ cách làm sáng tạo, nâng cao tinh thần, ý thức tự giác của người dân. |
MTTQ xã tiếp nhận ủng hộ công tác phòng dịch covid-19 |
“Thư ngỏ” được MTTQ xã gửi tới người dân thông qua loa phát thanh vào nhiều thời điểm trong ngày, trong đó nêu rõ thời gian và kêu gọi cán bộ, đảng viên tiên phong ủng hộ. Đồng thời cứ 1-2 tiếng, loa phát thanh sẽ công bố danh sách đóng góp tới đông đảo người dân trong toàn xã và sau đó niêm yết công khai tại nhà văn hóa các khu dân cư, trên bản tin của xã”, Chủ tịch MTTQ xã Đa Tốn Nguyễn Văn Đà cho biết. Nhắc đến những thành tích của MTTQ xã Đa Tốn trong thời điểm dịch bệnh không thể không nhắc đến sự ra đời của Câu lạc bộ tình nguyện “Lá chắn xanh” tại khu đô thị Gia Lâm - Vinhomes Ocean Park với hơn 800 hội viên vào năm 2020. Thời điểm các ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại đây, thành phố đang áp dụng các biện pháp cách ly y tế, người dân rất cần sự hỗ trợ giúp đỡ. Trong một lần tới trao hỗ trợ, anh Đà gặp một nhóm tình nguyện là người dân tại khu đô thị, từ đó kết nối và thành lập nên câu lạc bộ chỉ sau 2 ngày với các quy chế, quy định cụ thể, hỗ trợ kịp thời công tác phòng, chống dịch tại khu đô thị. |
CLB Lá chắn xanh - Vinhomes Ocean Park hỗ trợ việc nhập dữ liệu tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của xã Đa Tốn |
Sau thời gian cao điểm của dịch bệnh, câu lạc bộ tình nguyện “Lá chắn xanh” tiếp tục hỗ trợ công tác tiêm chủng và thực hiện các hoạt động xã hội như: Xã hội hóa chỉnh trang các di tích trên địa bàn huyện, đổi rác lấy cây xanh, hỗ trợ các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn xã Đa Tốn nói riêng, huyện Gia Lâm nói chung. Đây cũng là một trong những kênh thông tin và hệ thống “chân rết” hoạt động hiệu quả nhất mà Chủ tịch Mặt trận trẻ Nguyễn Văn Đà đã xây dựng được, phục vụ cho công tác Mặt trận tại Khu đô thị, vốn rất khó để triển khai các phong trào, hoạt động. |
Vào thời điểm được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) chị Trần Phương Linh (sinh năm 1988) là Chủ tịch trẻ nhất trong hệ thống lãnh đạo Mặt trận của TP Hà Nội. Đang từ Bí thư Đoàn phường hoạt động sôi nổi, sang làm công tác Mặt trận với tính chất công việc và đối tượng khác biệt, chị Linh không khỏi lo lắng. Áp lực hơn khi nhận nhiệm vụ mới vào cuối năm 2019, đúng thời điểm dịch bệnh COVID-19 bắt đầu bùng phát, nhiều việc mới, khó phát sinh cho công tác Mặt trận. Vốn có kinh nghiệm hoạt động Đoàn, khéo léo tận dụng kinh nghiệm của các “tiền bối”, cùng với sự nhanh nhạy của tuổi trẻ, chị Linh đã cùng tập thể Ủy ban MTTQ phường thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ mà cấp ủy, địa phương giao phó. Chỉ trong 2 năm ngắn ngủi, nữ cán bộ trẻ đã nhanh chóng khẳng định năng lực bản thân, đưa phong trào Mặt trận của phường đi lên. Tiêu biểu phải kể đến sáng kiến dán số điện thoại của Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư, Tổ trưởng Tổ dân phố tại các nhà trọ, các khu dân cư trong thời điểm giãn cách xã hội để phòng chống dịch. Cũng trong giai đoạn ấy, nữ cán bộ trẻ cũng thường xuyên cập nhật các thông tin trên mạng xã hội và fanpage Đoàn kết chống dịch, chủ động liên lạc với các trường hợp trên địa bàn có phản ánh, trao đổi với Tổ trưởng Tổ dân phố để hỗ trợ nhanh nhất. Đồng thời, bản thân chị Linh đã nỗ lực kêu gọi ủng hộ, chủ động tích trữ các thực phẩm như: Gạo, lạc, dầu ăn, mì tôm... những thực phẩm có thể bảo quản lâu tại kho, đảm bảo người dân cần là có theo đúng tinh thần của MTTQ các cấp “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đáng kể, người cán bộ trẻ đã góp phần thay đổi cái nhìn của các tổ chức thiện nguyện, Mạnh Thường Quân về Mặt trận trong hoạt động an sinh -xã hội. Chị Linh kể: Năm 2021, một nhóm thiện nguyện sau thời gian trao hỗ trợ tự phát trên địa bàn phường không đạt hiệu quả như mong muốn đã tìm tới MTTQ phường tìm phương án hỗ trợ. Sau khi chứng kiến phương pháp, cách làm của Mặt trận phường, họ đã tin tưởng tuyệt đối vào chúng tôi”, chị Linh chia sẻ và cho biết, cũng trong năm 2021, MTTQ phường Khương Đình đã đẩy mạnh việc phối hợp với các Mạnh Thường Quân, tổ chức thiện nguyện, tạo nên hệ thống “chân rết” hiệu quả trong việc hỗ trợ cho người dân khó khăn trên địa bàn, đặc biệt là người lao động tự do, thuê trọ. |
Sức trẻ của nữ cán bộ Mặt trận còn được thể hiện trong những phản ứng nhanh nhạy. Đó là khi phường thực hiện nhiệm vụ rà soát, lập danh sách hỗ trợ các trường hợp khó khăn do dịch nhưng không đủ điều kiện hưởng theo các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, thành phố theo Chỉ đạo của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội. Chỉ trong 3 ngày, phường đã rà soát gần 3.000 trường hợp từ các Trưởng ban công tác Mặt trận, Tổ dân phố chuyển lên và lựa chọn được hơn 1.000 trường hợp đề xuất lên quận. (Còn nữa) |