eMag azine
06/08/2023 08:05
Bài 3: Kỳ vọng vào "sợi chỉ đỏ" kết nối

06/08/2023 08:05

TTTĐ - Vô hình trung, Vành đai 4 lại trở thành “sợi chỉ đỏ” kết nối, bao bọc và định hình văn hóa Vùng Thủ đô; Trở thành động lực thực chất cho cuộc chuyển mình của văn hóa.

Kết nối

Dự án đầu tư xây dựng Vành đai 4 thật hữu ý lại chạy qua các vùng văn hóa xứ Đoài và Sơn Nam, ấp ôm lấy vùng văn hóa Thăng Long. Không ít địa phương đã sẵn sàng những phương án để phát huy tối đa những lợi thế về mặt kết nối văn hóa, du lịch từ dự án mang tầm chiến lược này. Vô hình trung, Vành đai 4 lại trở thành “sợi chỉ đỏ” kết nối, bao bọc và định hình vùng văn hóa Thủ đô; Trở thành động lực thực chất cho cuộc chuyển mình của văn hóa sau 15 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính.

Điểm nhấn văn hoá đón chờ Vành đai 4

Không khí chung tại các địa phương của Thủ đô Hà Nội những ngày này là sự hào hứng trước viễn cảnh mang dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô mang lại.

Ngày 11/5 vừa qua, người viết có dịp tham dự hội thảo xây dựng tháp Chí Nghĩa và các hạng mục phụ trợ thuộc dự án: Khu lưu niệm anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi tại xã Nhị Khê do huyện Thường Tín tổ chức. Tại hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe ý kiến đóng góp, tham luận của PGS. TS Đặng Hồng Sơn (trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội), nhà điêu khắc Đoàn Bằng (trưởng khoa Điêu khắc - trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), họa sĩ Lê Văn Hải (nguyên Phó Cục trưởng cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cùng nhiều chia sẻ tâm huyết về tầm quan trọng của khu lưu niệm danh nhân Nguyễn Trãi; Đặc biệt là ý nghĩa biểu tượng của tháp Chí Nghĩa.

Theo thiết kế, tháp Chí Nghĩa sẽ là điểm nhấn kiến trúc của khu vực, gồm 7 tầng nổi xây dựng bằng kết cấu bê tông cốt thép và 1 tầng bán hầm, kết hợp các vật liệu truyền thống. Bên trong là hệ thống nội thất thể hiện cuộc đời, thân thế sự nghiệp, công trạng... của anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi.

Bài 3: Kỳ vọng vào "sợi chỉ đỏ" kết nối vùng văn hoá Vùng Thủ đô

Cuối buổi hội thảo, đồng chí Nguyễn Tiến Minh, Bí thư Huyện ủy Thường Tín chia sẻ, huyện huy động các nguồn lực quyết tâm xây dựng tháp Chí Nghĩa không chỉ mục đích khắc họa cuộc đời, thân thế, sự nghiệp vĩ đại của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược trong phát triển công nghiệp văn hóa.

"Tháp Chí Nghĩa là điểm nhấn về văn hóa, kiến trúc, lịch sử toạ lạc bên cạnh đường Vành đai 4. Đây sẽ là công trình quan trọng để huyện Thường Tín phát triển công nghiệp văn hóa theo Nghị quyết 09-NQ/TU Hà Nội", đồng chí Nguyễn Tiến Minh nhấn mạnh.

Không chỉ ở Thường Tín, theo tìm hiểu của người viết, các huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Đan Phượng, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây đều đã, đang chuẩn bị những kế hoạch đầy tham vọng nhằm tận dụng lợi thế về kết nối văn hóa vùng mà dự án Vành đai 4 mang lại.

Bài 3: Kỳ vọng vào "sợi chỉ đỏ" kết nối văn hoá Vùng Thủ đô
Sơ đồ quy hoạch đường Vành đai 4 qua Hà Nội và các tỉnh lân cận.

“Con đường mơ ước” - theo cách gọi của rất nhiều người - bên cạnh ý nghĩa liên kết giao thông của Hà Nội với các vùng lân cận, dự án đường Vành đai 4 như là “sợi chỉ đỏ” kết nối các vùng văn hóa có các đặc trưng rõ nét. Xứ Đoài gắn với Sơn Nam, cả hai lại quấn quýt với vốn văn hóa giàu có từ ngàn năm của Thăng Long - tất cả tạo nên vùng văn hóa Thủ đô đa dạng, nhiều màu sắc trong sự thống nhất.

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến cũng chia sẻ nhận định nói trên: “Dự án Vành đai 4 là tuyến đường kết nối các vùng văn hóa có các đặc trưng rõ nét, đó là điều rất tuyệt vời. Con đường này chạy từ phía Đông thành phố với làng gốm Bát Tràng có từ mấy trăm năm nay, nối qua Hưng Yên - một vùng đất cũng có nhiều di tích lịch sử, đến phía Bắc thành phố là vùng Mê Linh rồi vòng về phía Tây nối khu vực làng cổ Đường Lâm xứ Đoài.

Vành đai này tạo thành một hành lang văn hóa phong phú, thực sự là tiềm năng cho các công ty du lịch thực hiện những tour tuyến hút khách. Với những cá nhân yêu mến văn hóa Hà Nội cũng có thể tự hành trình, tự khám phá những điểm đến giờ đây đã rất thuận lợi. Đó là một lợi ích có thể nhìn thấy ngay, rất thú vị mà dự án đường Vành đai 4 mang lại”.

Không ít nhà nghiên cứu đều cho rằng, dự án đường Vành đai 4 là cơ hội to lớn nhất đối với văn hóa Thủ đô sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính. Vấn đề là, các địa phương sẽ làm gì để ngọn gió mới này nâng tầm văn hóa, cũng như đưa văn hóa trở thành động lực phát triển kinh tế?

Chìa khoá nằm ở phát triển con người

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi đã dành nhiều chữ để ca ngợi thị xã Sơn Tây như là điểm sáng về biến các giá trị văn hóa xứ Đoài trở thành điểm thu hút du khách gần xa.

Làng cổ Đường Lâm và phố đi bộ quanh thành cổ được đánh giá là hai mô hình thành công với Sơn Tây khi du khách trong và ngoài nước đều biết tiếng. Tuy nhiên, như vậy dường như chưa xứng đáng với tiềm năng của Sơn Tây. Thời gian tới, Sơn Tây phấn đấu đưa làng cổ Đường Lâm trở thành điểm đến đạt tiêu chuẩn cấp quốc gia; Kết nối với các di tích tiêu biểu như đền Và, Văn Miếu, Thành cổ Sơn Tây. Đồng thời, Sơn Tây tiếp tục hình thành điểm đến du lịch hấp dẫn mới, các di tích, địa danh, như chùa Khai Nguyên, đền Măng Sơn, hồ Đồng Mô, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam nhằm khai thác tối đa các lợi thế của địa phương.

Đồng chí Lê Đại Thăng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây - Hà Nội

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng nhận định, du lịch luôn là một trong những lĩnh vực mũi nhọn để phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Vì thế, địa phương từ lâu đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch Sơn Tây theo hướng đẩy mạnh thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn. Đồng thời, thị xã Sơn Tây xác định, bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch là nhiệm vụ quan trọng, không chỉ phát triển kinh tế mà còn tạo ra các sản phẩm du lịch mới, độc đáo cho địa phương.

“Vấn đề quan trọng nhất là con người như là chủ thể của chuỗi du lịch” - ông Thăng nhận định. Nhiều năm qua, thị xã tích cực tuyên truyền, phổ biến, vận động doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân tham gia xây dựng môi trường du lịch văn minh, lịch sự, thân thiện.

Bài 3: Kỳ vọng vào "sợi chỉ đỏ" kết nối văn hoá Vùng Thủ đô
Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn góp phần gìn giữ, quảng bá nghệ thuật cồng chiêng người Mường

Vấn đề con người cũng là niềm đau đáu của nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn, người dạy chiêng cho con em Mường tại xã Tiến Xuân (Thạch Thất, Hà Nội). Ở tuổi thất thập, bà luôn đau đáu làm sao có thể dốc hết vốn liếng cồng chiêng để truyền lại cho các thế hệ sau, để khỏi tiếc xót khi vốn văn hóa dân gian ngày càng rơi rụng?

Câu hỏi ấy cũng là nỗi băn khoăn của người Tiến Xuân. Và một trong những hướng đi của chính quyền địa phương là đưa văn hóa cồng chiêng vào trường học để phổ cập cho các thế hệ học sinh.

Nghệ nhân Bích Thìn chia sẻ rằng, bà đã dành nhiều tâm huyết để truyền dạy cho thế hệ trẻ. Không chỉ dạy cách đánh chiêng, bà Thìn còn giải thích cho các em về văn hóa cồng chiêng, về dàn chiêng 12 cái có kích cỡ và âm sắc khác nhau, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Nếu như chiêng của người Mường huyện Thạch Thất có quai để xách khi biểu diễn thì người Tây Nguyên thường treo bộ chiêng trên giá chiêng. Nếu như chiêng của đồng bào Tây Nguyên không có núm thì ngược lại, núm chiêng Mường là vị trí trung tâm để dùi gỗ tiếp xúc với chiêng, ngân lên những âm thanh trầm hùng đầy biến ảo.

Các em học sinh ban đầu nghe tiếng chiêng chưa tròn, động tác đánh chiêng còn gượng, nhưng đều đam mê tìm hiểu nhạc cụ đặc biệt của dân tộc mình. Rồi mai đây, không ai khác, chính các em sẽ biểu diễn những bài chiêng quý, sẽ truyền lại cách đánh chiêng cho các thế hệ sau, để ngân lên mãi điệu hồn Mường…

Không chỉ gói gọn ở một xã hay một thị xã, đa phần các học giả được hỏi về phương kế lâu dài nhằm phát triển văn hóa tại xứ Đoài, Sơn Nam nói riêng và Vùng Thủ đô Hà Nội nói chung đều nhấn mạnh sâu sắc vào yếu tố con người.

Bài 3: Kỳ vọng vào "sợi chỉ đỏ" kết nối văn hoá Vùng Thủ đô Bài 3: Kỳ vọng vào "sợi chỉ đỏ" kết nối văn hoá Vùng Thủ đô
Bài 3: Kỳ vọng vào "sợi chỉ đỏ" kết nối văn hoá Vùng Thủ đô Bài 3: Kỳ vọng vào "sợi chỉ đỏ" kết nối văn hoá Vùng Thủ đô

TS Nguyễn Huy Phòng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) phân tích: Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Trong lĩnh vực phát triển văn hóa cũng vậy, cán bộ có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng. Hà Nội sở hữu nhiều di sản văn hóa; Là “trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước”; Là nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương của Đảng và Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế và là nơi diễn ra các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng nhất của đất nước”. Mật độ dân số đông, nhu cầu thụ hưởng văn hóa lớn, đa dạng của quần chúng Nhân dân, điều này đặt ra nhiều vấn đề về công tác quản lý, tổ chức, huy động các nguồn lực văn hóa, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm lớn của đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp.

Tuy nhiên hiện nay, nguồn cán bộ văn hóa được đào tạo bài bản, đúng chuyên môn nghiệp vụ, tâm huyết với nghề, am hiểu lĩnh vực văn hóa, có kinh nghiệm thực tế còn mỏng, chưa đáp ứng tốt những yêu cầu thực tiễn đang đặt ra. Trong khi đó, việc cung ứng nguồn nhân lực cho lĩnh vực văn hóa gặp nhiều khó khăn do khâu tuyển sinh đầu vào của các trường đào tạo về văn hóa, nghệ thuật khó khăn do người học kém mặn mà với ngành văn hóa.

Chính sách tuyển dụng, đãi ngộ, cơ cấu về số lượng biên chế cho văn hóa còn có sự chênh lệch so với cán bộ thuộc các lĩnh vực khác. Vì thế, để khai thác, phát huy tốt nguồn lực văn hóa, việc rà soát, tăng cường, bổ sung đội ngũ cán bộ văn hóa, nhất là ở cấp cơ sở cần được tiến hành với những chính sách đặc thù nhằm bổ sung lực lượng, tránh tình trạng thiếu hụt, bố trí không đúng cán bộ vào làm việc trong ngành văn hóa.

Lễ hội gắn với cuộc thi thả diều truyền thống đã có nghìn năm tuổi ở làng Bá Dương Nội đang hướng đến mục tiêu được công nhân là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Lễ hội truyền thống thi thả Diều đã có nghìn năm tuổi ở làng Bá Dương Nội (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) đang hướng đến mục tiêu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia

“Để đánh thức tiềm năng văn hóa, vai trò của người làm chính sách và đội ngũ cán bộ quản lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Hà Nội cần có chính sách khuyến khích, phát triển tài năng, nhất là các tài năng trẻ, có triển vọng trong hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật. Thành phố cần có cơ chế, chính sách đặc thù trong thu hút, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực kế cận trong hoạt động sáng tạo, trình diễn và quảng bá văn học, nghệ thuật; Trong bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền như: chèo, ca trù, cải lương, tuồng, múa rối, xiếc, kịch.

Ngoài ra, thành phố cũng cần có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, huy động sự tham gia thực hành, truyền dạy văn hóa của các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú; Đảm bảo tốt quyền, nghĩa vụ của nghệ nhân Nhân dân; Tôn vinh, đãi ngộ xứng đáng với những cống hiến của họ”, TS Nguyễn Huy Phòng hiến kế.

Con người là chủ thể của văn hóa. Nhìn đến tận cùng, con người cũng là kết tinh của văn hóa. Người xứ Đoài yêu lắm văn hóa xứ Đoài, người vùng Sơn Nam không bao giờ thôi trân trọng văn hóa Sơn Nam và người Thăng Long vô cùng tự hào về ngàn năm văn hiến. Khi những yêu thương, tự hào ngấm vào máu thịt, lại thăng hoa thành đam mê cống hiến, đó là lúc các vùng văn hóa cùng sáng lên trong bức tranh rực rỡ của văn hóa Vùng Thủ đô Hà Nội.

Bài viết: Vũ Cường

Đồ họa: Phạm Mạnh

Bài viết liên quan:

Bài 1: Bức tranh rực rỡ sắc màu Bài 2: Sống bằng các giá trị văn hóa
Bài 3: Kỳ vọng vào "sợi chỉ đỏ" kết nối văn hoá Vùng Thủ đô

« Xem bài 2

Phạm Mạnh