eMag azine
05/08/2023 08:00
Bài 2: Sống bằng các giá trị văn hóa

05/08/2023 08:00

TTTĐ - Các nhà nghiên cứu đánh giá rằng sự chủ động, tích cực này là một trong những thay đổi lớn nhất của văn hóa vùng Thủ đô sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính.
Bài 2: Sống bằng các giá trị văn hóa

Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn từng chia sẻ gan ruột rằng, Sơn Tây coi văn hóa là tài nguyên, là động lực phát triển, là đòn bẩy để hiện thực hóa giấc mơ trở thành một cực phát triển của Thủ đô Hà Nội. Tương tự như Sơn Tây, người viết có cơ hội chứng kiến quyết tâm sâu sắc và bầu không khí sôi nổi ở những vùng đất thuộc xứ Đoài, đất Sơn Nam Thượng trong nỗ lực, sáng tạo, đổi mới nhằm đưa văn hóa trở thành ngành kinh tế bền vững. Các nhà nghiên cứu đánh giá rằng sự chủ động, tích cực này là một trong những thay đổi lớn nhất của văn hóa vùng Thủ đô sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính.

Bài 2: Sống bằng các giá trị văn hoá

Đầu năm 2023, thị xã Sơn Tây kết hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội tổ chức chương trình "Tết làng Việt" chào Xuân Quý Mão 2023 tại sân đình Mông Phụ, làng cổ Đường Lâm. Chương trình đặc sắc, nhộn nhịp, tràn ngập các hoạt động thú vị đã thu hút sự tham gia của đông đảo người dân Thủ đô, đặc biệt là đại diện 16 Đại sứ quán, hàng trăm khách đến từ các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế và người nước ngoài hiện đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam đến trải nghiệm Tết cổ truyền. Có một chi tiết khiến người viết rất muốn kể lại về ngày hôm đó…

Bài 2: Sống bằng các giá trị văn hoá Bài 2: Sống bằng các giá trị văn hoá Bài 2: Sống bằng các giá trị văn hoá

“Vào sáng sớm, khi mặt trời đỏ ối mới chỉ nhô lên phía sau cây đa cổ thụ ở cổng làng Đường Lâm, Ban Thường vụ Thị ủy Sơn Tây đều tề tựu đông đủ. Mặc áo dài truyền thống như muốn tự khoe với bạn bè quốc tế về lễ phục của người Việt trong dịp Tết Nguyên đán, lãnh đạo thị xã Sơn Tây cùng nhâm nhi chén nước chè tại quán của bà lão đầu làng.

Lúc bấy giờ, hiện ra trong nắng mai là mấy đứa bé mang theo cánh diều đỏ chuẩn bị thả lên trời xanh đón gió mới. “Làng Đường Lâm có truyền thống chơi diều sáo và thú chơi diều ở đây cũng nổi tiếng khắp vùng”, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng tự hào khoe như vậy.

"Thế thì hay quá. Điều đặc sắc như thế không thể bị bỏ phí được. Chúng ta cần biến “đặc sản” ấy trở thành lý do nhằm thu hút du khách đến với Sơn Tây. Anh nghiên cứu phương án và tổ chức Lễ hội diều trong năm nay nhé!", Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn lập tức lên tiếng.

Kết quả là, sau khoảng 3 tháng, vào dịp khai mạc năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài 2023, trước sự chứng kiến của hàng ngàn quan khách, Sơn Tây thực sự đã trình diễn lễ hội diều sáo đầy màu sắc, hấp dẫn. Món ăn tinh thần mới lạ này, nói đúng hơn là một sản phẩm du lịch độc đáo, đã nhận được tiếng vỗ tay không ngớt từ du khách. Phát biểu tại lễ khai mạc ngày hôm đó, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng dành nhiều ngợi khen cho cách đưa văn hóa trở thành sản phẩm du lịch của Sơn Tây: “Thị xã Sơn Tây đã và đang triển khai hiệu quả hoạt động văn hóa, du lịch - đưa thị xã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách địa phương và lân cận. Đây là hướng đi đúng và trúng…”.

Bài 2: Sống bằng các giá trị văn hoá

Nói thêm về thị xã Sơn Tây, tồn tại từ lâu và giữ vai trò quan trọng trấn thủ phía Tây kinh thành Thăng Long, đồng thời là trung tâm của xứ Đoài. Thị xã Sơn Tây là vùng đất sở hữu trầm tích văn hóa, lịch sử giàu có, đa dạng, độc đáo. Tuy nhiên, những cuộc biến thiên đã khiến nơi đây trong suốt nhiều năm chưa thể phát huy tối đa các lợi thế để vươn mình trở thành đô thị năng động, trù phú.

May mắn là, trong dòng chảy chìm nổi của nền kinh tế thị trường, thị xã Sơn Tây dường như đã tìm được lối đi riêng, đúng đắn, phù hợp và đầy hứa hẹn. Theo đó, thị xã phát triển theo hướng đảm bảo là đô thị văn hóa, lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng; Phát triển hài hòa giữa cải tạo và phát triển mới.

Hàng trăm năm qua, thị xã Sơn Tây đã tích lũy được “vốn liếng” văn hóa dầy dặn. Đây là vùng đất gắn liền với những di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng như: Làng cổ Đường Lâm, Thành cổ Sơn Tây, chùa Mía, Làng văn hóa Du lịch Việt Nam... Bên cạnh đó, Sơn Tây còn là vùng đất của huyền thoại. Những câu chuyện bên dòng sông Tích, truyền thuyết về vị vua đánh hổ Phùng Hưng, ngôi đền Và ghi dấu Đức Thánh Tản Viên... đều là những “vốn liếng” giúp Sơn Tây đặt nền móng cho phát triển du lịch văn hóa, tâm linh.

Bài 2: Sống bằng các giá trị văn hoá

Trong cuộc tiếp xúc với báo chí trước Lễ kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây, ông Trần Anh Tuấn (Bí thư Thị ủy Sơn Tây) đã chia sẻ tâm huyết: “Do đặc thù về kinh tế, chính trị, quân sự, thị xã vướng khá nhiều rào cản. Trong cái khó, ló cái khôn, Sơn Tây xác định lấy văn hóa làm tài nguyên, nền tảng để phát triển. Sơn Tây phấn đấu trở thành cực tăng trưởng, kết nối vùng phía Tây Bắc Thủ đô để xứng đáng với tiềm năng, lịch sử và vị thế vốn có của vùng đất này”.

Tới với thị xã Sơn Tây thời gian gần đây, đặc biệt các dịp cuối tuần, bầu không khí lễ hội dường như tràn trề trên các con phố. Xung quanh thành cổ 200 năm tuổi với những phiến đá ong nâu xám màu thời gian, lại là các tuyến phố đi bộ lúc nào cũng nhộn nhịp các hoạt động vui chơi, giải trí, hát ca (tuyến phố đi bộ xung quanh Thành cổ Sơn Tây được khai trương từ 30/4/2022).

Phố đi bộ Sơn Tây chính thức đi vào hoạt động từ ngày 30/4/2022.
Phố đi bộ Sơn Tây chính thức đi vào hoạt động từ ngày 30/4/2022.

Tiếp theo sự kiện khai trương tuyến phố đi bộ xung quanh thành cổ, thị xã Sơn Tây tiếp tục gây chú ý khi giới thiệu với Nhân dân và du khách hàng loạt chương trình được tổ chức công phu, hoành tráng, đầy sắc màu như đêm nhạc của ca sĩ Tuấn Hưng, chương trình “Trung thu thành cổ” với sự xuất hiện của danh hài Xuân Bắc, Lễ kỷ niệm 200 năm thành cổ Sơn Tây có sự góp mặt của ca sĩ Mỹ Linh... Ngoài ra, tại đây đã có trên 180 buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao tại 6 điểm sân khấu chính và các khu vực sân khấu xung quanh được tổ chức đa dạng theo từng chủ đề, phù hợp với nhiều đối tượng từ thanh thiếu nhi cho đến người cao tuổi. Thậm chí, Sơn Tây còn mạnh dạn đến mức đưa trái mít trở thành điểm nhấn của địa phương. Chẳng có nơi nào của Thủ đô tổ chức cả cuộc thi mít, lễ hội mít nhằm chiều lòng du khách và hỗ trợ tiêu thụ nông sản như Sơn Tây.

Hiệu quả từ những hoạt động trên rất rõ nét, dễ đong đếm. Tuyến phố đi bộ Sơn Tây thu hút trên 20 vạn lượt du khách (trung bình mỗi tối thu hút khoảng trên 1 vạn lượt khách. Cá biệt có những buổi tối tăng mạnh lên 2,5 - 3 vạn lượt khách). Một lần nữa, thị xã Sơn Tây lại trở thành điểm hẹn đối với người dân các huyện lân cận và các tỉnh bạn xa xôi.

Bài 2: Sống bằng các giá trị văn hoá

Những gì đang diễn ra tại thị xã Sơn Tây, tức là hiệu quả từ việc đưa các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và tâm linh trở thành “tài nguyên” nhằm phát triển kinh tế cũng có thể chứng kiến tại nhiều địa phương khác. Như người viết đã trình bày từ sớm, những vùng đất thuộc xứ Đoài và Sơn Nam đều tràn đầy quyết tâm và lòng nhiệt thành để phát triển công nghiệp văn hóa. Họ muốn trầm tích văn hóa của quê hương được nhìn nhận xứng đáng với giá trị vốn có.

Quan trọng hơn tất cả, đó là tư duy mới! Dũng cảm hơn tất cả, đó là tinh thần dám thể nghiệm; Dám nghĩ - dám làm.

Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn (thôn Đồng Dâu, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất).
Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn (thôn Đồng Dâu, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội)

Xin kể câu chuyện của nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn, người sinh sống cả đời mãi tận thôn Đồng Dâu, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất. Xa xôi lắm! Đáng ra, người phụ nữ xứ Mường này chỉ quanh quẩn với ruộng lúa, rẫy ngô và những tiếng cồng chiêng trầm muộn bên dãy núi Viên Nam xanh ngát. Tuy nhiên, sự kiện xã Tiến Xuân chia tay huyện Lương Sơn (Hòa Bình) để về với Thủ đô Hà Nội đã thay đổi cuộc đời bà.

Bằng tất cả sự chân chất thật thà của người phụ nữ Mường, bà Bích Thìn tâm sự với người viết: “Trước kia, vì điều kiện kinh tế nghèo nàn, thôn bản dần vắng bóng những bộ chiêng quý, người dân ít đánh chiêng và sao lãng việc truyền dạy cho thế hệ sau. Từ ngày về với Hà Nội, văn hóa của đồng bào Mường được quan tâm, chăm sóc. Để gọi dậy điệu hồn Mường, trong nhiều năm liền huyện Thạch Thất đã tổ chức các lớp truyền dạy cách đánh cồng chiêng tập trung cho người dân”.

Với ước mơ thắp lửa đam mê biểu diễn nhạc cụ truyền thống của dân tộc Mường, bà Bích Thìn đã miệt mài hướng dẫn người dân cách sử dụng cồng chiêng, đánh được các bài chiêng, học hát dân ca Mường. Bà vận động những chàng trai, cô gái các thôn bản tham gia tập luyện cồng chiêng, truyền dạy cho họ kỹ thuật đánh, cách đo âm vực cồng chiêng bằng sải tay, giảng giải ý nghĩa văn hóa được mã hóa trong chuỗi âm thanh trầm bổng. May thay, thời điểm đó, được sự hỗ trợ của chính quyền, mỗi bản làng ở Tiến Xuân đều được trang bị một bộ chiêng tốt. Như cơn mưa trong ngày nắng hạn, sự trang bị kịp thời này càng khơi dậy phong trào tập cồng chiêng tại Tiến Xuân.

Nghệ nhân Bùi Bích Thìn và đội cồng chiêng xã Tiến Xuân đã mang âm nhạc của dân tộc Mường lên tầm cao mới.
Nghệ nhân Bùi Bích Thìn và đội cồng chiêng xã Tiến Xuân đã mang âm nhạc của dân tộc Mường lên tầm cao mới

Cứ như thế, văn hóa Mường đã được những người như nghệ nhân Bích Thìn lưu giữ và truyền lại cho các thế hệ sau. Mới đầu năm 2023, xã Tiến Xuân đã mạnh dạn tổ chức ngày hội văn hóa Mường ngay tại sân trụ sở UBND. Hàng nghìn người đã tham dự!

Trong ngày hội, không thể thiếu tiếng cồng chiêng. Tiếng chiêng ngân lên ngày đầu năm mới để khởi đầu một năm ấm no, trâu bò đầy chuồng, ngô đầy bồ, lúa đầy nương, người người mạnh khỏe, yên vui. Tiếng chiêng ngày hội như chào mời, thúc giục du khách xa gần; Tiếng hát thiết tha: “Tiếng cồng bản Mường, âm vang rừng núi / Mãi còn đây nền văn hóa quê mình / Tiếng cồng bản Mường, trao nhau lời thương / Ta tìm nhau trong đêm hội cồng chiêng/ Hội đông mắt cũng no nhìn bạn ơi / Lại xem cô gái quê mình đánh chiêng/ Lưng xanh váy lĩnh áo choàng / Trái đào dây bạc vòng trằm roong reng/ Roong reng là roong reng”...

Không dừng ở đó, tiếng chiêng đã giúp nghệ nhân Bích Thìn và người dân Tiến Xuân được biểu diễn trên những sân khấu lớn. Bà và các chị em trong xã xuất hiện tại festival cồng chiêng toàn quốc, hoặc tham gia Liên hoan các loại hình múa dân gian Hà Nội. Thậm chí, họ còn dâng tiếng chuông ngân tại Tượng đài Lý Thái Tổ. Cứ như vậy, mạch nguồn văn hóa của dân tộc Mường được lưu truyền nhờ sự quyết tâm, tinh thần dám làm của người phụ nữ bé nhỏ Bùi Thị Bích Thìn.

Ở tầm cỡ lớn hơn so với một cá nhân, có thể kể tới cách làm mới mẻ, đi trước mở đường đang diễn ra tại xã Hồng Vân (huyện Thường Tín). Cuối năm 2022, sản phẩm “Điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân'' được đánh giá, phân hạng OCOP 4 sao - đây là sản phẩm du lịch thứ 2 của cả thành phố Hà Nội được xếp hạng OCOP.

Tuy vậy, khởi đầu con đường làm du lịch của Hồng Vân khá gian nan. Hơn 10 năm trước, xã có truyền thống nghề sản xuất hoa màu và cây cảnh, tuy nhiên, các mô hình còn nhỏ lẻ, làm thủ công, chưa được ứng dụng công nghệ nên năng suất, chất lượng chưa cao. Các sản phẩm sản xuất chưa có đầu ra vì chưa tạo được chuỗi liên kết trong vùng du lịch từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Sau khi được UBND TP Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh, xã Hồng Vẫn đã quyết tâm thay đổi. Họ muốn du khách đến, trải nghiệm các sản phẩm du lịch vật thể và phi vật thể của địa phương. Sự thay đổi bắt đầu từ tư duy, sau đó, lan ra thành hành động thực tế. Người dân làng nghề ý thức sâu sắc giá trị của du lịch cộng đồng. Thậm chí, một chủ trang trại chăn nuôi tại Hồng Vân còn tự tay san bằng chuồng trại vì lo ngại vấn đề môi trường ảnh hưởng tới du lịch.

Kết quả là, hiện nay, Hồng Vân đang phát triển kinh tế làng nghề dựa vào du lịch cộng đồng. Theo thống kê, lượng khách du lịch đến điểm du lịch xã năm 2022 là 118.566 lượt; 4 sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt OCOP 4 sao năm 2022, gồm một sản phẩm du lịch và ba sản phẩm trà thảo mộc. Trung bình hằng năm xã đón 3,5 vạn lượt khách, giá trị thu được từ du lịch ước đạt hơn 10 tỷ đồng.

Một điển hình khác để minh chứng rằng các vùng văn hóa sáp nhập vào Hà Nội đã được nhận được sự quan tâm, bồi dưỡng và phát huy giá trị nội lực là huyện Mê Linh. Là huyện duy nhất của tỉnh Vĩnh Phúc khăn gói về với Hà Nội vào năm 2008, Mê Linh dường như đã “lạc lối” một thời gian khá dài. Song, với định hướng trở thành “Thủ phủ hoa hồng”, huyện Mê Linh đã bước vọt lên trong vài năm trở lại đây.

Còn nhớ, hồi đầu tháng 12/2022, người dân huyện Mê Linh và các địa phương lân cận nô nức tìm đến với lễ hội “Mê Linh rực rỡ sắc hoa” được tổ chức tại Di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng. Đây là lễ hội hoa lần đầu tiên được tổ chức tại quê hương Nhị vị nữ vương, tựa như tuyên bố về vị thế, tầm vóc của ngành kinh tế nuôi trồng, sản xuất hoa tại huyện Mê Linh.

Bài 2: Sống bằng các giá trị văn hoá Bài 2: Sống bằng các giá trị văn hoá Bài 2: Sống bằng các giá trị văn hoá
Bài 2: Sống bằng các giá trị văn hoá
Bài 2: Sống bằng các giá trị văn hoá Bài 2: Sống bằng các giá trị văn hoá

Lễ hội “Mê Linh rực rỡ sắc hoa” lấy ý tưởng "Khúc khải hoàn" nhằm chào mừng huyện Mê Linh đạt chuẩn Nông thôn mới, đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và công nhận điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng. Trực tiếp có mặt tại lễ hội mới cảm nhận đầy đủ sự quy mô, hoành tráng cũng như tâm huyết của ban tổ chức. Lễ hội được giàn dựng trên quy mô 4.300m2, với 10 cụm nghệ thuật sắp đặt, trang trí hoa quy mô lớn tại khu vực đường kéo quân cổng đền Hai Bà Trưng.

Điểm nhấn của Lễ hội hoa là con đường trái tim dài 20m được trang trí 100% từ hoa hồng và sự kết hợp khéo léo của các thác hoa cao 4m được phủ kín hoa, sự tương tác của nghệ thuật ánh sáng được các nghệ nhân trang trí hoa nghiên cứu tỉ mỉ. Bên cạnh hoa hồng, các loài hoa khác như hoa lan, dạ yến thảo, phong ngũ thảo, hoa trạng nguyên cũng góp phần tạo nên vẻ đẹp rực rỡ của lễ hội.

Lễ hội “Mê Linh rực rỡ sắc hoa” không đơn thuần chỉ có giá trị về mặt tinh thần. Hơn hết, đó là cơ hội hiếm có để quảng bá hình ảnh về vùng hoa Mê Linh tới cả nước, cũng như quốc tế. Sự xuất hiện của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến… và 35 thí sinh tham dự Hoa hậu du lịch quốc tế trên đường hoa là thông điệp to lớn, khẳng định chất lượng, vẻ đẹp của hoa Mê Linh.

Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm cho hay: “Từ năm 2018, sản phẩm hoa Hồng, hoa Cúc và hoa Ly của huyện Mê Linh được Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 48761/QĐ-SHTT ngày 10/7/2018 chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể "Hoa Mê Linh" cho vùng sản xuất là 18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Để phát triển thương hiệu “Hoa Mê Linh”, thành phố Hà Nội có chính sách hỗ trợ tối đa 50% cây giống đối với hoa hồng, tối đa 20% cây giống đối với hoa cúc, hoa ly, hỗ trợ tối đa 50% giống và vật tư trong sản xuất hoa.

Ngoài các chính sách của Trung ương và thành phố, huyện Mê Linh đã có nhiều cơ chế chính sách như hỗ trợ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, hỗ trợ xây dựng tem, nhãn mác sản phẩm, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, phòng trừ sâu bệnh hại, tham gia hội chợ, triển lãm… Tất cả nhằm nâng cao hình ảnh của thương hiệu “Hoa Mê Linh”, qua đó nâng cao đời sống Nhân dân, phát triển kinh tế chung của huyện”.

(Còn nữa)

Bài viết: Vũ Cường

Đồ họa: Phạm Mạnh

Bài viết liên quan:

Bài 1: Bức tranh rực rỡ sắc màu Bài 3: Kỳ vọng vào "sợi chỉ đỏ" kết nối
Bài 2: Sống bằng các giá trị văn hoá

« Xem bài 1

Xem bài 3 »

Phạm Mạnh