Bãi rác Nam Sơn quá tải và rác thải ở nội đô không ngừng tăng lên. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã được ban hành và có hiệu lực giống như một giải pháp “cứu trợ” nhưng người dân vẫn đang có thái độ thờ ơ trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt mơ hồ với việc phân loại rác thải tại nguồn.
Theo thống kê, hiện nay, trung bình mỗi ngày Hà Nội phát sinh hơn 6.000 tấn rác thải sinh hoạt. Với đà hiện nay, số rác thải của thành phố dự kiến tăng thêm khoảng 5% mỗi năm. Có nghĩa là, đến 2030 Hà Nội phải xử lý 9.000 tấn rác/ngày.
Áp lực xử lý rác thải toàn thành phố Hà Nội là không nhỏ nhưng ở cấp địa phương, bài toán rác thải vẫn còn bỏ ngỏ. Tại phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội), cứ cách vài trăm mét, đường phố lại xuất hiện những “ổ rác” to nhỏ khác nhau. Dù có biển cấm và phạt tiền “đỏ rực”, rác vẫn bị vứt thành cụm công khai, chưa được mang đi xử lý kịp thời, tạo cảnh tượng nhếch nhác cho bộ mặt đô thị.
Ông Bùi Ngọc Thông, người sống liền kề bãi rác tự phát ở tổ 16, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, cho biết, đây không phải điểm tập kết rác, dù đã kiến nghị với phường rất nhiều lần, tổ dân phố có đưa ra nhiều biện pháp giải quyết nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi mọi chuyện lại như cũ. Theo thói quen, người dân hằng ngày vẫn đem rác đến đây vứt bất chấp mọi biện pháp của chính quyền.
“Nhất là những ngày nắng nóng do không phân loại mà vứt đủ các loại rác... nên bốc mùi nồng nặc, ruồi muỗi bay đầy nhà. Gia đình tôi phải đóng cửa kính, nhiều khi không bán hàng nổi”, ông Thông phản ánh.
Bán nước ngay cạnh chân bãi rác này nhiều năm, bà Lê Thị Loan cũng rất bức xúc với những hành động vô ý thức của nhiều xóm giềng: “Tôi nhắc nhở thì bị người ta chửi, thậm chí còn dọa đánh. Tôi đành tự quét dọn gọn vào giúp thôi nhưng một lúc sau rác lại bừa bộn”. Liền kề với quán nước là khu mộ đã có từ lâu năm, rác đầy, người dân còn thẳng tay ném vào nơi an nghỉ của người đã khuất.
Rác tràn ra đường còn gây ra phiền toái cho nhân viên vệ sinh. Bấy nhiêu điểm tự phát rác là bấy nhiêu lần mất thêm thời gian và công sức.
Dù đã gõ kẻng từng nhà, gom rác từng con ngõ nhỏ nhưng sau đó 1 - 2 giờ, rác lại bắt đầu ùn ứ trên các cung đường. “Một ngày phải đi qua 4-5 lần, có khi đi cả ban đêm, vậy mà chỉ rạng sáng hôm sau, lại tiếp tục có rác tích ứ tại địa phận không phải điểm tập kết”, chị Hoàng Thị Giang, công nhân thu gom rác tại Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) chia sẻ.
Chị Giang cho hay một bộ phận dân cư tiện lúc nào vứt lúc đấy, tiện chỗ nào vứt chỗ đó: “Lúc gõ kẻng, có người chưa đi làm về thì họ sẽ đem rác ra đường vứt. Tôi thu gom lúc 5h30 chiều thì 11h đêm phải đi nhặt rác lại”.
Thực tế, chính quyền địa phương đã nỗ lực trong việc ngăn chặn sự xuất hiện của các bãi rác tự phát nhưng hiệu quả chưa cao.
Bà Hợp, tổ trưởng tổ dân phố 16, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai cho biết: “UBND phường Thịnh Liệt đã kết hợp với tổ dân phố tuyên truyền, vận động Nhân dân đổ rác đúng giờ. Thậm chí, tổ dân phố đã phân công một số người ra trực để nhắc nhờ bà con. Có những trường hợp mọi người đến vứt rác, chúng tôi trực tiếp yêu cầu xách rác về, đợi khi có kẻng của bên thu gom rác mới được mang rác ra đổ”.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các đợt giãn cách phòng dịch COVID-19, người dân đã tập kết rác tại các điểm đầu ngõ, đầu hẻm. “Tổ dân phố bận trực COVID-19, không ra trực các điểm rác được. Người dân thiếu ý thức, các điểm rác tự phát lại bắt đầu mọc lên”, bà Hợp khẳng định.
Để xử lý vấn đề này, nhiều chế tài, hành lang pháp lý được ban hành. Cụ thể như, quy định mức xử phạt các hành vi vứt rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định từ 500.000 đến 1.000.000 đồng, các biển báo cấm, phạt tiền cũng đã được cắm ở nhiều cung đường. Thực tế đáng buồn là các chế tài này dường như chưa được các cơ quan chức năng kiên quyết thực hiện và còn mang tính hình thức, chưa đủ sức răn đe với người dân vi phạm.
Rác thải không được phân loại nằm lẫn lộn trong các túi rác gộp chung của người dân là nguồn thu nhập quan trọng của chị Lê Thị Hoa, làm nghề đồng nát nhiều năm. Ngoài những khi thu gom, xin lại các thùng xốp, vỏ chai nhựa, hộp giấy từ nhà dân, chị Hoa dành phân nửa thời gian trong ngày để “tìm tài nguyên” trong rác.
Đôi khi, chính việc ấy làm cho các bãi rác trở nên bừa bộn, tan hoang hơn nhưng vì mưu sinh, chị đành ngậm ngùi: “Tôi biết là việc lục rác sẽ khiến các túi rác bị mở và rơi đồ ra ngoài nhưng cũng chẳng còn cách nào khác. Vì trong những túi rác ấy lại chứa rất nhiều sản phẩm tái chế, chỉ cần vệ sinh đúng cách là sẽ đem đi bán kiếm tiền được”.
Không giống chị Hoa, bà Nguyễn Thị Hòa (60 tuổi), trú tại N7, chung cư Khu đô thị Đồng Tàu, phường Thịnh Liệt, đã hình thành thói quen nhặt vỏ lon, chai nhựa, thùng giấy carton... khi đi đạp xe quanh khu đô thị Đồng Tàu vào mỗi buổi sáng. Với bà, đây giống như một thú vui giúp bà vừa kiếm thêm thu nhập, vừa bảo vệ môi trường.
Bà Hòa cho biết: “Người dân vứt rác ra gốc cây, không phân loại, tôi thường bới lên, cái gì bán được thì lấy. Tích góp chăm chỉ đến cuối tháng, tôi có thể bán được 100.000 - 300.000 đồng từ các đồ dùng người ta vứt đi”. Người dân sống cùng chung cư biết bà hay nhặt rác, cũng bắt đầu giữ lại những vỏ hộp, vỏ lon nước, thùng xốp… gửi tặng cho bà.
Tưởng như các bãi rác bốc mùi hôi thối chỉ có bà Hòa đến, sau đợt dịch COVID-19, người cùng khu chung cư cũng ùa ra nhặt rác khiến bà không khỏi bất ngờ: “Ngày xưa chỉ có mình tôi nhặt nhưng bây giờ từ 4-5h, người già cũng đi nhặt rác nhiều lắm. Tôi không ngờ là cả thanh niên đi xe máy cũng xuống lục những túi rác bên đường”.
Không riêng gì bà Hòa và chị Hoa, hằng ngày, có rất nhiều người đến cơ sở thu mua phế liệu để bán “tài nguyên” mình thu gom được. Anh Phạm Văn Thịnh, chủ cửa hàng thu mua phế liệu trên đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai, cho biết: “Chủ yếu người ta nhặt ở các bãi rác hoặc thu gom từ nhà dân rồi đem đến đây bán. Mỗi ngày, cửa hàng thu mua khoảng 8 tấn với nhiều loại phế liệu khác nhau như đồng, nhôm và sắt, inox. đồ nhựa, sách cũ, bìa cứng, vải vụn... rồi đem bán cho các công ty tái chế. Mỗi chuyến, tôi bán được khoảng 2 tấn giấy bìa, 2 tấn sắt”.
Bên cạnh Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 155/2021/NĐ-CP của Chính phủ cũng nêu rõ hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sẽ bị xử phạt hành chính từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Dù đã được quy định nhưng luật chưa thể áp dụng trên thực tế. Rác thải sinh hoạt từ các cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn thành phố hầu như vẫn được thu gom như bình thường, cho dù họ có phân loại rác hay không.
Ông Bùi Ngọc Thông, trú tại tổ 16, phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai, chia sẻ: “Từ trước tới nay, tôi không phân loại rác, vẫn cứ gói cho vào túi đựng rác tự phân hủy, để trước cửa nhà rồi các cô công nhân môi trường mang đi. Tôi cũng đã nghe thông tin trên phương tiện truyền thông đại chúng nhưng mình vẫn chưa có kiến thức về việc phân loại rác thải nên chưa thực hiện”.
Thậm chí với những người sống bằng nghề bán đồng nát như bà Hòa hay chị Hoa, việc nhặt ve chai cũng chỉ xuất phát từ lợi ích kinh tế để mưu sinh chứ không phải nhận thức bảo vệ môi trường bền vững. “Tôi đi nhặt rác và xin từ người dân cùng tòa chung cư như thùng xốp, vỏ lon... theo thói quen. Bình thường, tôi cũng không biết phân loại rác thế nào và cũng không làm việc đó”, bà Hòa cho hay.
Về phía đơn vị xử lý rác, các nhân viên thu gom cũng mơ hồ về thời gian triển khai thực hiện quy định mới. Anh Chỉnh đã có hơn 10 năm thu gom rác tại phường Thịnh Liệt tâm sự: “Việc phân loại rác là do dân. Công nhân chỉ đi gom, cẩu lên xe, chở lên Nam Sơn. Dân và công ty chưa phân loại thì sao mình tự ý bỏ ra được”. Cũng theo anh, sự thay đổi duy nhất của họ là nhận thấy rác nhiều lên chứ tuyệt nhiên không có yêu cầu phân loại nào. Tính đến nay, việc thu phí xử lý rác sinh hoạt theo khối lượng còn chưa được triển khai, viễn cảnh người dân phân loại rác còn xa vời.
Sau hơn hai năm được thông qua và thêm 3 tháng luật có hiệu lực, các quy định dường như vẫn nằm im trên giấy tờ. Bởi thực tế cho thấy, đến cả chính quyền cơ sở cũng phải thừa nhận việc triển khai luật là rất khó và không biết bao giờ mới có thể áp dụng nghiêm ngặt.
Bà Hợp, tổ trưởng tổ dân phố 16, phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai, cho biết ,vấn đề phân loại rác tại nguồn phải theo chủ trương của quận, cũng như của phường. Trong các buổi họp, bà đã được phổ biến các thông tin cơ bản sắp tới sẽ triển khai, tuy nhiên chưa có thông tin cụ thể về thời gian thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND phường Thịnh Liệt, cho biết: “Thời gian qua, người dân và chính quyền địa phương tập trung chủ yếu vào công tác phòng chống dịch nên vấn đề vệ sinh môi trường chưa được triển khai. Về phân loại rác, muốn triển khai được thì cần dây chuyền; Các đơn vị thu gom rác cần có đủ trang thiết bị cần thiết thì mới đạt được, chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền thì rất khó”.
Với thực tế tình hình rác thải đang diễn ra ở nội đô và các khu xử lý chất thải, việc chưa triển khai phân loại rác là một điều đáng tiếc. Theo kế hoạch, các địa phương vẫn còn thời gian từ nay đến hết năm 2024 để lên kế hoạch, thí điểm và đưa quy định vào cuộc sống. Đến lúc đó, tại Thủ đô sẽ không còn những núi rác lấn một nửa đường đi; Người dân không phải than trời vì mùi hôi thối trước cửa và sẽ không còn ai bới rác để mưu sinh.
(Còn nữa)
Nội dung: Phạm Mạnh, Hà Thu, Minh Quân, Hằng Hoàng Đồ họa: Hằng Hoàng, Đỗ Lý, Minh Quân |