TTTĐ - Hà Nội luôn đẹp và ấn tượng trong lòng người đến đây. Những buổi la cà quán xá, đi dạo phố cổ, thưởng thức ẩm thực, nghệ thuật đường phố; Khung cảnh hiện đại pha lẫn xưa cũ… với nét đặc trưng chỉ Hà Nội mới có đã “gieo thương nhớ” về vùng đất kinh kì ngàn năm văn hiến.
Năm 18 tuổi, chị Vũ Thị Hằng (quê ở Phú Thọ) rời quê về Hà Nội học đại học. Đến nay, chị ổn định sự nghiệp và sinh sống ở mảnh đất Thủ đô yêu dấu cũng đã được 17 năm. Từng ấy thời gian và tiếp tục gắn bó với Hà Nội trên bước đường tương lai, chị Hằng có tình yêu đặc biệt dành cho quê hương thứ hai của mình. Chị kể, ngay từ khi còn là học sinh ở quê, chị đã tìm hiểu về Hà Nội và ước mong được đến, được sống tại Hà Nội.
Tình yêu đó trở thành động lực cho cô thiếu nữ năm nào nỗ lực cố gắng không ngừng để thi đỗ vào đại học và trở thành công dân Thủ đô. Từ những tháng ngày là sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chị Hằng đã quen lắm với nhiều con phố chốn Hà thành. Chị tích cực khám phá những địa chỉ “nhất định phải đến” ở đây. Càng tìm hiểu, đặt chân tới từng con đường, khu phố, mảnh đất này càng níu chân chị. Để rồi, có thời điểm đứng trước sự lựa chọn: Về quê với một công việc tốt hơn hay ở lại Hà Nội, chị Hằng vẫn chọn ở lại nơi đây sau thời gian dài đắn đo, suy nghĩ cho quyết định của mình.
Chị Vũ Thị Hằng chụp ảnh với hoa loa kèn - Một trong những loài hoa đặc trưng của “Hà Nội 12 mùa hoa” gây thương nhớ
Chị Vũ Thị Hằng bày tỏ: “Khi mỗi con phố trở nên quen thuộc, khi “chất Hà Nội” ngấm vào máu thịt, những người bạn mến thương, những khung cảnh thanh bình đậm nét Hà Nội, hay đơn giản chỉ là phút giây ngồi nhâm nhi li cà phê ở một quán quen thuộc, ăn bát phở Thìn, hay những khoảnh khắc cùng chúng bạn đi chụp ảnh “Hà Nội 12 mùa hoa”, với sen, cúc hoạ mi, hoa loa kèn, phong linh… khiến tôi không thể chia xa nơi ấm áp đầy thân thương này. Với tôi, Hà Nội có muôn vàn thứ để yêu, để nhớ, để làm kỷ niệm và cả hoài niệm”.
Tình yêu Hà Nội của chị Hằng đơn giản cả từ nỗi nhớ từng món ăn vặt. Nào hàng phở gánh, cháo đậu xanh, những món ăn từ xe, gánh hàng rong rao vang trên từng ngõ phố, hay que kem để lại ấn tượng sâu sắc. Nhất là trong thời thanh xuân của một cô gái ở độ tuổi yêu đương, cùng người yêu dạo phố cổ, phố đi bộ và dừng chân ở Tràng Tiền ăn kem…
Cũng như chị Vũ Thị Hằng, anh Đỗ Đình Toàn (quê ở Nam Định) về Hà Nội sinh sống, học tập từ khi vừa rời trường THPT. Tính đến nay, thời gian anh gắn bó với Hà Nội đã quá số năm sống ở quê. Anh Toàn đã trải qua quá trình học tập, công tác và đã ổn định công việc, gia đình ở đây. Hà Nội chính là nơi “tình yêu bắt đầu”, nơi anh gặp được người yêu và là nơi sinh của con gái – thiên thần bé nhỏ của anh bây giờ. Bởi thế, với anh Hà Nội là “nơi không thể rời đi”.
Là một tín đồ của cà phê nên điều anh Toàn thấy rất đặc trưng ở đây là nét văn hóa cà phê Hà Nội. Cái nét này không rõ có từ bao giờ nhưng những con phố như: Trần Nhật Duật, Triệu Việt Vương, Đinh Lễ… từ lâu đã được định danh là phố cà phê. Qua nhiều năm tháng, mô hình cửa hàng cà phê ở Hà Nội ngày càng đa dạng, không chỉ còn những cửa hàng cà phê ở một góc vỉa hè như tại ngã tư Tô Hiến Thành - Bà Triệu mà còn hiện diện ở những khu đô thị, chung cư, tòa nhà cao tầng.
Ở thành phố vừa cổ kính vừa hiện đại này xuất hiện nhiều chuỗi thương hiệu cà phê nổi tiếng Cộng, Aha, Kafa cạnh tranh với một số thương hiệu ngoại như Starbucks, Highland Coffee, The Coffee House…
Anh Toàn kể, cứ mỗi buổi sáng, trước khi bắt tay vào công việc, anh phải ngồi ở một quán quen thuộc trên phố Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội nhâm nhi ly cà phê, ngắm phố phường, rồi mới có thể làm việc hăng say.
Anh Đỗ Đình Toàn cùng gia đình
Theo anh, trong quá trình phát triển, hội nhập và hợp tác đa phương đã trở thành xu hướng chủ đạo của nhiều quốc gia và thành phố lớn. Hòa vào dòng chảy chung của thời đại, Hà Nội đã không ngừng bồi đắp nét đặc sắc văn hóa để hội nhập, nắm bắt cơ hội đi lên từ đổi mới, sáng tạo. Sự hòa trộn giữa hai nền văn hóa Âu - Á còn được thể hiện qua các món ăn, đồ uống, lối kiến trúc mới, với những toà cao ốc mọc lên ngày càng nhiều. Theo dòng chảy của thời gian, Hà Nội ngày nay đã khác hơn nhiều so với trước nhưng vẫn luôn quyến rũ, làm say lòng người.
Được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chị Vân Anh (trú tại quận Hai Bà Trưng) thấu hiểu quê hương của mình để rồi dù xách vali đi khắp 5 châu 4 bể vẫn chỉ muốn trở về Thủ đô. Biết bao điều chị mang ra khoe với bạn bè các tỉnh thành khác và cả nước ngoài về Hà Nội. Cô gái trẻ cũng đã nhận thấy cảm nhận giống nhau của những tâm hồn đồng điệu về Hà Nội. Dẫu nói “1001 đêm” cũng không hết được những điều đáng yêu về người Tràng An, xứ Đoài và mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Chị Vân Anh tại phố đi bộ hồ Gươm
Chị Vân Anh chia sẻ, nhắc đến Hà Nội cứ khiến ta hồi tưởng, lưu luyến. Đó là những công trình cổ kính, những cây cầu, căn nhà Pháp cổ, hay Quảng trường Ba Đình, hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, 5 cửa ô… đánh dấu mốc son lịch sử; Nay đã thành những di vật, mang theo ký ức buồn, vui, sướng, khổ, vinh quang, tự hào trùng điệp của người Hà Nội nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.
“Thủ đô ngày càng hiện đại, văn minh. Đứng ở một góc bờ hồ Hoàn Kiếm, hay bất kỳ con phố nào của Hà Nội, tôi luôn cảm thấy sức sống mãnh liệt, trẻ trung, xinh đẹp của thành phố vì hoà bình. Hà Nội, đối với tôi là quê hương, là cổ xưa, là hiện đại, là tình yêu không thể đong đếm xuể”, chị Vân Anh bày tỏ.
Mở ra không gian thưởng thức nhạc Trịnh do các nghệ sĩ khiếm thị biểu diễn miễn phí, “phòng khám không phí”, hay “lớp học cho các bạn học sinh” là một cách gọi khác của quán cà phê “Mơ phố”. Tất cả lợi nhuận đều được sử dụng cho hoạt động thiện nguyện của “Hội bác sĩ tình nguyện” Thủ đô Hà Nội.
Nép mình trong một con ngõ nhỏ ở phố Yên Lãng (Đống Đa), quán cà phê Mơ Phố cũng giống như bao quán cà phê khác tại Hà Nội... Thế nhưng Mơ Phố lại thu hút rất đông khách, họ đến đây không chỉ để nếm hương vị cà phê, nhấm nhấp vị ngọt của mật ong trong tách trà hoa cúc hay nhẩn nha tách từng hạt hướng dương... mà vì những điều đặc biệt từ chính những con người đang vận hành cafe Mơ Phố với nhiều dự án như: Mơ Phố học tập, Mơ phố âm nhạc, Mơ phố sức khỏe, Mơ phố Sách,...
Nằm trong số các dự án của “Hội bác sĩ tình nguyện” do bác sĩ Ngô Tuấn Anh – hiện đang công tác tại khoa phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 làm hội trưởng, Mơ Phố được khai sinh với mong muốn gây quỹ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện chăm sóc sức khỏe.
Năm năm qua, người dân quanh đây, những khách “ruột” của Mơ Phố đã quen với việc ghé quán mỗi tối thứ 6 để thưởng thức nhạc Trịnh Công Sơn, hay vào sáng thứ 7 hàng tuần, khách ngồi uống nước bên cạnh bàn khám, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho mọi người.
Anh Ngô Anh Tuấn – Hội trưởng Hội Bác sĩ tình nguyện cho biết, “Hội Bác sĩ tình nguyện” thành lập từ năm 2016. Đây là nơi tập hợp những bác sĩ, dược sĩ đang công tác hoặc đã nghỉ hưu trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Bên cạnh đó, Hội cũng thu hút được sự tham gia của lực lượng lớn các tình nguyện viên là sinh viên đại học y, dược và nhiều người công tác ở các ngành nghề khác nhau.
“Mục đích của chương trình “Chung tay vì sức khoẻ cộng đồng” là đem đến sự chăm sóc ban đầu về mặt y tế đến với những địa phương còn khó khăn.Vì thế, các chương trình này của Hội Bác sĩ tình nguyện thường nhận được sự tham gia nhiệt tình của các thành viên cũng như sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, đoàn thể. Các chương trình của Hội còn giúp lan tỏa lòng tương thân tương ái trong cộng đồng, phát huy truyền thống tốt đẹp “lá lành đùm lá rách”, anh Tuấn bày tỏ.
Quán cà phê đặc biệt nên mọi thứ ở đây đều đặc biệt. Vào đêm nhạc duy nhất trong tuần, nhóm nhạc biểu diễn cũng toàn những người khiếm thị. Không nhìn rõ từng phím đàn nhưng tất cả các thành viên đều thể hiện rất tuyệt vời. Nghề biểu diễn và tình yêu âm nhạc dường như đã khiến những con người ấy chơi đàn và hát bằng trái tim chứ không chỉ dừng lại ở những kỹ năng bài bản mà bất cứ ai đánh đổi thời gian công sức đều có thể rèn luyện được ít nhiều.
“Dù bản thân tôi khiếm khuyết nhưng tôi cảm thấy mình vẫn vô cùng may mắn vì có thể theo đuổi ước mơ âm nhạc. Đến Mơ phố biểu diễn, tôi góp được phần nhỏ công sức vào các hoạt động tình nguyện. Tôi vô cùng hạnh phúc vì được giúp đỡ mọi người. Tôi mong rằng Mơ phố thật lớn mạnh để có thể giúp ích cho những hoạt động của hội bác sĩ tình nguyện, để có nhiều hơn nữa các em nhỏ ở vùng núi khỏe mạnh đến trường, được ăn no mặc ấm và có cơ hội sống đầy đủ như trẻ em thành thị” - anh Thương nói.
Mọi hoạt động của Mơ phố đều vì mục đích tình nguyện và việc biểu diễn âm nhạc cũng vậy. Những nghệ sĩ đến đây thường hát ca khúc “Để gió cuốn đi” như muốn nói rằng, đời này những người mở quán Mơ phố và nghệ sỹ hát cho khách của Mơ phố nghe cũng chỉ muốn tấm lòng ấy để gió cuốn đi, cho đi mà không cần nhận về.
Bài viết: Lê Dung - Thi Mai Biên tập nội dung: Anh Vũ Thiết kế: Thành Trung |
Các tin liên quan: