eMag azine
22/07/2023 10:00
Bài 2: Đổi thay từ trong mạch máu

22/07/2023 10:00

TTTĐ - 15 năm cho một chiến lược lớn là không hề dễ dàng, nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân, cùng hệ thống giải pháp đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả, Hà Nội đã và đang vươn mình phát triển mạnh mẽ, không chỉ khẳng định là một trong hai đầu tàu kinh tế của đất nước mà còn là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, là bộ mặt, niềm tự hào dân tộc.
Bài 2: Đổi thay từ trong mạch máu

Dành 15 năm cho một chiến lược lớn là không hề dễ dàng nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân, cùng hệ thống giải pháp đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả, Hà Nội đã và đang vươn mình phát triển mạnh mẽ, không chỉ khẳng định là một trong hai đầu tàu kinh tế của đất nước mà còn là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, là bộ mặt, niềm tự hào dân tộc.

Xóa bỏ đói nghèo, lạc hậu

Là xã miền núi của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình với 80% dân số là người Mường, Yên Trung (nay là xã thuộc huyện Thạch Thất) khi ấy là địa phương khó khăn nhất trong số 4 xã hợp nhất về Hà Nội.

Bài 2: Đổi thay từ trong mạch máu

Chỉ về những con đường đã được bê tông hóa thẳng tắp, bà Nguyễn Thị Cầu ở thôn Hội nhớ lại: "Đường xá trong thôn đều là đường đất, rất xấu và hẹp, trời mưa đi lại rất khó khăn. Thậm chí, để đến với một số thôn, người dân phải leo bộ qua vài con dốc. Người dân trong thôn chủ yếu sống bằng trồng rừng và cấy lúa. Sản xuất nhỏ lẻ, lại không có điện nên các dịch vụ buôn bán, trao đổi khó khăn".

Trong dòng hồi tưởng của mình, bà Cầu vẫn nhớ rất rõ: Chỉ trong vòng một tháng kể từ ngày trở thành công dân Thủ đô, lưới điện quốc gia đã về làm nơi đây từng bước thay da đổi thịt. Có điện, một số nhà đã đổi thóc sắm quạt điện, nồi cơm điện và các tiện nghi phục vụ sinh hoạt. Nhiều gia đình năng động đã đầu tư mua sắm máy xay xát, máy đóng gạch, máy cưa xẻ mở rộng sản xuất.

Ngay như nhà bà Cầu đã dùng 50 triệu đồng sắm cả dây chuyền đóng gạch ba banh vừa giải quyết việc làm trong gia đình, vừa tạo việc làm cho gần chục lao động địa phương với mức thu nhập mỗi ngày khi ấy bình quân 50.000 đồng/người.

Cũng giống như xã Yên Trung, trước đây, toàn bộ đường liên thôn của xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) là đường đất, đại đa số người dân chỉ sản xuất tự cung tự cấp, không giao thương buôn bán với bên ngoài.

Trở thành một phần của Thủ đô, hệ thống hạ tầng trên địa bàn xã Đông Xuân được đầu tư đồng bộ, khang trang. Trong đó, hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất như kênh mương, giao thông nội đồng được cứng hóa, đã góp phần tạo thuận lợi cho Nhân dân sản xuất nông nghiệp. Các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh như điện sinh hoạt, trạm y tế, trường học... được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ tốt hơn đời sống Nhân dân; Đã góp phần vào việc thực hiện chủ trương giảm nghèo, tạo điều kiện cho sự phát triển về kinh tế - xã hội của địa phương.

Bài 2: Đổi thay từ trong mạch máu

Chủ tịch UBND xã Đông Xuân Bùi Tiến Linh chia sẻ, 15 năm sau ngày sáp nhập, từ một mảnh đất bán sơn địa nổi tiếng vì đói nghèo và lạc hậu, nay Đông Xuân trở thành một trong những địa phương tiêu biểu cho công cuộc đổi mới với hệ thống điện, đường, trường, trạm không hề thua kém những địa phương khác.

Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã tăng vượt bậc. Nếu năm 2008, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 6.000.000 đồng/người/năm, thì đến năm 2023 ước đạt 61,5 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo của xã cuối năm 2008 là 33 hộ (chiếm 3,1%) đến nay chỉ còn 2 hộ, chiếm tỷ lệ 0,13%. Từ địa phương chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp, nay trong cơ cấu kinh tế xã, ngành này chỉ còn dưới 50%. Nhà nhà đều có điện, có xe máy, ti vi, internet...

Từ về đích cuối cùng, “lội ngược dòng” thành xã Nông thôn mới nâng cao

Từ Đông Xuân, ngược về thôn Đồng Ké (xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ), nơi tập trung rất đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống, cũng là địa phương gặp nhiều khó khăn về hạ tầng những ngày đầu thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội

Địa thế hiểm trở, đất đai cằn cỗi, manh mún, nhỏ lẻ khiến canh tác nông nghiệp của đồng bào dân tộc Mường nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ có vậy, việc sản xuất gặp khó khăn bởi thiên tai. Mùa khô, nơi đây thường xuyên rơi vào cảnh thiếu nước sản xuất, trong khi mùa mưa, lũ rừng ngang sẽ nhấn chìm những bờ thửa.

Nơi đây còn gặp muôn vàn khó khăn chung về điện - đường - trường - trạm, trong đó có cơ sở vật chất y tế. Do nằm xa trung tâm nên bà con phải đi quãng đường hàng chục cây số để khám chữa bệnh tại Trạm Y tế trung tâm xã, cho đến trước khi một trạm y tế thứ hai được chính quyền đầu tư xây dựng.

Những tưởng sự nghèo khó sẽ còn bủa vây dai dẳng xứ Mường này nhưng sự đổi thay đã đến sau khi trở thành một phần của Thủ đô. Bà Nguyễn Thị Sáng (62 tuổi), người đã gắn bó cả cuộc đời với vùng đất này chia sẻ: "Từ khi hệ thống thủy lợi nội đồng được đầu tư, bà con có thể áp dụng cơ giới hóa vào làm đất, gieo cấy. Một năm bà con có thể gieo cấy được 2 - 3 vụ; Năng suất cây trồng cũng ngày một được nâng cao".

Giờ đây, nguồn thu nhập của bà con đã được đa dạng hóa khi hàng trăm đồng bào thôn Đồng Ké đã được đào tạo nghề mây giang đan. Đồng bào dân tộc nơi đây nhờ đó cũng có thêm công ăn việc làm với mức thu nhập khá không còn phải loay hoay với trồng cây gì, nuôi con gì để mưu sinh.

Bài 2: Đổi thay từ trong mạch máu Bài 2: Đổi thay từ trong mạch máu Bài 2: Đổi thay từ trong mạch máu

Tương tự như các thôn, xã trên, xã Tự Lập (huyện Mê Linh) trước đây khi còn thuộc tỉnh Vĩnh Phúc là một xã thuần nông, xuất phát điểm thấp, cơ sở vật chất còn xập xệ; Thu nhập đầu người chỉ khoảng 10 triệu đồng/đầu người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo cao.

Thế nhưng những năm gần đây, diện mạo miền quê này đã có nhiều thay đổi. Không chỉ các công trình điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang mà địa phương còn huy động nguồn lực từ xã hội hóa đầu tư xây dựng khu tập luyện thể thao, khu vui chơi đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe của người dân. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh... chủ động sáng tạo nắm bắt xu hướng thị trường. Nhiều mô hình nông nghiệp tiêu biểu hình thành và phát huy hiệu quả, nâng cao thu nhập của người dân, bình quân 64 triệu đồng/người/năm.

Đáng kể, mặc dù năm 2020, Tự Lập là địa phương hoàn thành xây dựng Nông thôn mới cuối cùng nhưng năm 2022, xã Tự Lập đã "lội ngược dòng", trở thành một trong 2 xã về đích Nông thôn mới nâng cao sớm nhất của huyện Mê Linh.

Trở thành công dân Thủ đô, người dân các xã, huyện ngoại thành đã nỗ lực vươn lên từ nghèo khó, cải thiện từng bước đời sống gia đình, làm giàu cho quê hương.

Bài 2: Đổi thay từ trong mạch máu
Anh Lã Quang Khanh (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) đã phủ kín hơn 50ha đất bằng sen trắng Bạch Liên và sen hồng Bách Diệp

Những năm 2010 - 2011, nhiều khu vực ruộng đất ở thôn Liễu Trì, xã Mê Linh, huyện Mê Linh bị bỏ không do là vùng chiêm trũng, canh tác kém. Anh Lã Quang Khanh, một người dân địa phương đã mạnh dạn thuê khoán để nuôi trồng thủy sản.

Thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm, chưa nắm được kỹ thuật nuôi trồng nên giá trị từ thủy sản không cao. Sau nhiều ngày tháng suy nghĩ, từ năm 2016, anh Khanh chuyển sang trồng sen với 5ha diện tích thuê đất của người dân trong thôn. Đứng trước cánh đồng phủ kín bèo tây, cỏ lác mọc um tùm, vợ anh lắc đầu e ngại. Ngược lại, bản thân anh Khanh lại nhìn thấy cơ hội đổi đời. Anh thuê người dọn dẹp, cải tạo suốt gần 1 năm trời. Làm được đến đâu, anh bắt đầu trồng sen đến đó.

Bắt đầu với giống sen Quỳ lấy hạt, lấy bát nhưng đem lại hiệu quả kinh tế chưa cao, năm 2018, sau quá trình tìm hiểu và học hỏi thêm kinh nghiệm từ các vùng trồng sen, anh Khanh quyết định chuyển sang trồng và phát triển nhân giống hai loại sen chính là: Sen trắng Bạch Liên và sen hồng Bách Diệp.

Đến nay, toàn bộ quy mô hơn 50ha nhà anh Khanh đã được phủ kín sen; Đồng thời tạo công ăn việc làm cho khoảng 40 nhân công, có thu nhập ổn định từ 9 - 10 triệu đồng/tháng. Cứ vào mùa thu hoạch (từ tháng 5 đến tháng 9 dương lịch) trung bình một ngày, gia đình anh thu hái được khoảng 10.000 bông. Qua một vụ, anh Khanh thu hoạch được khoảng trên dưới 1 triệu bông với giá bán ra thị trường dao động từ 1.500 đồng - 2.500 đồng/bông.

Ngoài cung cấp chủ yếu sen bông phục vụ nhu cầu chơi hoa cắm cho thị trường, gia đình anh Khanh cũng đã tự xây dựng và phát triển quy trình ướp trà bông sen riêng. Ngoài trà sen tươi, gia đình anh Khanh còn làm cả trà sen khô nhưng quy trình cầu kỳ và cần sự tỉ mỉ hơn khi phải tách gạo trắng trong bông sen ra rồi ủ với trà khô khoảng 6 - 7 tuần để trà và sen ngấm vị vào nhau, rồi cuối cùng mang đi cấp đông để sử dụng. Mỗi năm, gia đình anh Khanh cho ra thị trường khoảng 2 - 3 tấn sản phẩm, doanh thu đạt hơn 10 tỷ đồng/năm, cao gấp 3 - 5 lần canh tác lúa truyền thống.

Bài 2: Đổi thay từ trong mạch máu

Năm 2020, Phòng Kinh tế huyện Mê Linh đã hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu “Bạch thiên sen Hải Linh” và đem đi các hội nghị, hội chợ để quảng bá, giới thiệu rộng khắp.

Về huyện Đan Phượng, hỏi mô hình trồng rau sạch hữu cơ của chị Đặng Thị Cuối, không ai không biết đến. Từng có giai đoạn khó khăn, như bao người dân quê, chị Cuối tìm kế sinh nhai bằng con đường xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Năm 2017, dồn vốn tích cóp được, chị trở về quê hương, đầu tư thuê đất, thực hiện dự án trồng rau hữu cơ công nghệ cao tại khu bãi Tổng Màu, xã Đan Phượng.

Bài 2: Đổi thay từ trong mạch máu
Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội thăm Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Cuối Quý (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng)

Khó khăn ban đầu là không tránh khỏi, có thời điểm sản phẩm từ cơ sở chị làm ra bán không ai mua. Hàng xóm xung quanh đều nghi ngại, cho rằng chị sẽ thất bại. Không cam chịu với kết quả đó, chị Cuối quyết định đem rau ra chợ, ai chê thì chị tặng, ai mua thì bán. Dần dà, mọi người hiểu hơn về sản phẩm rau an toàn nơi chị trồng, hiểu hơn về nông nghiệp công nghệ cao, vườn rau của chị cứ thế, trồng không đủ bán.

May mắn hơn, thấy được quyết tâm mang “luồng gió mới” trong lĩnh nông nghiệp của chị, huyện Đan Phượng đã “tiếp sức”, cho vay thêm kinh phí. Các cán bộ Phòng kinh tế huyện cũng giúp đỡ tận tình nên mô hình trồng rau của chị Cuối càng ngày càng phát triển mạnh.

Đến nay, sau nhiều năm đi vào hoạt động, trang trại của gia đình chị đã phát triển với tổng diện tích 46.292m2, sản xuất rau trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên, an toàn và áp dụng công nghệ sản xuất hữu cơ.

Hiện tại, hầu hết sản phẩm của Hợp tác xã rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý được các đơn vị đặt hàng ngay từ vườn với giá thành ổn định. Mỗi ngày Hợp tác xã Cuối Quý cung cấp khoảng 2 - 4 tấn rau xanh các loại cho 16 trường mẫu giáo trong huyện và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm, Đất Việt… thu về từ 50 đến 100 triệu đồng. Trung bình sản lượng hàng năm đạt từ 50 - 80 tấn rau quả các loại, cho doanh thu đạt từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận, thu nhập bình quân hàng năm đạt 50 triệu đồng/người/năm.

Bài 2: Đổi thay từ trong mạch máu
Chị Đặng Thị Cuối tại khu nuôi trồng rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng)

Sau khi khởi nghiệp thành công mô hình trang trại trồng rau sạch theo hướng hữu cơ, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, người phụ nữ quê hương “Ba đảm đang” còn tư vấn, hỗ trợ xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao miễn phí cho hàng trăm người dân Thủ đô và khắp cả nước; Tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với thu nhập ổn định.

“Vui hơn cả nguồn thu nhập ổn định, đó là, nhờ rau hữu cơ tôi có cơ hội giúp được nhiều bà con nghèo làm ăn. Mỗi một đối tượng, tôi đều tư vấn cho họ một hướng làm phù hợp. Người không có điều kiện đầu tư thì tôi tư vấn các cây trồng truyền thống; Người có vốn, dự án thì tôi giúp họ xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao…” - chị Cuối vui mừng chia sẻ.

Sự năng nổ, nhanh nhẹn “chuyển mình” của người nông dân như anh Khanh, chị Cuối... khi biết nắm bắt công nghệ, khi được chính quyền tạo cơ chế phát triển đã đem lại bộ mặt kinh tế mới cho nhiều địa phương; Từ đây đóng góp tích cực cho sự phát triển của Thủ đô.

(Còn nữa)

Nội dung: Tú Linh

Trình bày: Phạm Mạnh

Bài viết liên quan:

Bài 1: Cuộc kiến tạo mang tầm vóc lịch sử Bài 3: Đổi thay phương thức lãnh đạo
Bài 2: Đổi thay từ trong mạch máu

« Xem bài 1

>Xem bài 3 »

Phạm Mạnh