eMag azine
03/07/2023 08:00
Bài 1: “Nhịp cầu” lan tỏa thông điệp hữu nghị, hòa bình

03/07/2023 08:00

TTTĐ - Bằng nhiều hình thức lan tỏa, tà áo dài Việt Nam đã trở thành “nhịp cầu” mềm mại mà vững chắc khi truyền đi thông điệp hữu nghị, hòa bình.

“Đẹp biết bao quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu / Dù ở đâu Paris, London hay những miền xa / Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố / Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó em ơi” (Một thoáng quê hương - Thanh Tùng và Từ Huy).

Bài 1: “Nhịp cầu” lan tỏa thông điệp hữu nghị, hòa bình
BÀI 1: "NHỊP CẦU" LAN TỎA THÔNG ĐIỆP HỮU NGHỊ, HÒA BÌNH

Những giá trị sâu sắc

Ngoại giao văn hóa là một trong ba trụ cột quan trọng trong công tác đối ngoại của Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam đến thế giới. Bằng nhiều hình thức lan tỏa, tà áo dài Việt Nam đã trở thành “nhịp cầu” mềm mại mà vững chắc khi truyền đi thông điệp hữu nghị, hòa bình, mến khách, thân thiện của đất nước và con người Việt Nam.

Những ngày vừa qua, hình ảnh Phu nhân Tổng thống Hàn Quốc diện áo dài khi sang thăm Việt Nam đã làm nức lòng người dân Việt.

Sau lễ đón chính thức sáng 23/6, Phu nhân Tổng thống Hàn Quốc - bà Kim Keon Hee đã đi thăm một số cơ sở văn hóa, lịch sử đất nước, con người Việt Nam. Bà Kim Keon Hee đã rất trân trọng mặc áo dài trong sự kiện này.

Trong tà áo truyền thống đặc trưng của Việt Nam, Phu nhân Tổng thống Hàn Quốc đã thưởng trà sen, xem trình diễn áo dài và biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam cùng một bài hát Hàn Quốc. Điều này khiến người dân cả hai nước đều phấn khởi, thích thú. Bên cạnh chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc tại Việt Nam với rất nhiều chiến lược hợp tác hai bên sẽ cùng thỏa thuận, đạt được thì sự lan tỏa, giao lưu văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc được đẩy lên một tầm cao mới.

Phu nhân Tổng thống Hàn Quốc là một phụ nữ rất đẹp và có gu thời trang. Chiếc áo dài của Việt Nam tặng đã tôn lên vóc dáng chuẩn, làn da trắng sáng và nhan sắc của bà Kim Keon Hee. Chắc chắn, trải nghiệm đặc biệt, mới lạ này sẽ là một kỉ niệm khó quên trong cuộc công du cùng chồng của Phu nhân Tổng thống Hàn Quốc.

Bài 1: “Nhịp cầu” lan tỏa thông điệp hữu nghị, hòa bình

Phu nhân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại Phủ Chủ tịch (Ảnh: TTXVN)

Tà áo dài là niềm tự hào của người phụ nữ Việt Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. Đó là sự nhận diện của đất nước hình chữ S với bạn bè quốc tế. Chiếc áo dài mang đầy đủ đặc trưng cho văn hóa và tính cách, tâm hồn người phụ nữ Việt.

Điều đó thể hiện tinh thần mến khách, thân thiện, rất nhiệt tình của nước chủ nhà với khách. Thông qua chiếc áo dài, một phần văn hóa Việt được gửi tới khách phương xa đầy thân thương, trìu mến.

Bài 1: “Nhịp cầu” lan tỏa thông điệp hữu nghị, hòa bình

Phu nhân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (Ảnh: TTXVN)

Buổi thưởng trà, ngắm hoa tưởng chừng rất đỗi bình thường nhưng lại là nơi hai người phụ nữ đại diện cho hai quốc gia thể hiện nét truyền thống của dân tộc mình. Trong thời đại công nghệ số và thông tin, những hình ảnh này nhanh chóng được bay đi khắp thế giới. Đó cũng là một cách quảng bá văn hóa, lan tỏa hình ảnh tà áo dài của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế một cách xuất sắc.

Chính vì lẽ đó, Phu nhân Tổng thống Hàn Quốc cho biết bà mặc chiếc áo dài như một biểu tượng của tình hữu nghị thân thiết giữa Hàn Quốc và Việt Nam, đồng thời ca ngợi vẻ đẹp của chiếc áo dài vì sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp truyền thống của Việt Nam với tính ứng dụng hiện đại.

Việc Phu nhân diện chiếc áo dài đã cho thấy sự tôn trọng của bà với nền văn hóa của Việt Nam. Điều này kéo gần hai nền văn hóa của hai dân tộc lại với nhau, góp sức cho sự hợp tác ngày càng sâu rộng và toàn diện. Điều đó thêm một lần chứng minh rằng, ngoại giao văn hóa thực sự là một phương pháp mềm mại và hữu hiệu để đạt được những kết quả rất khả quan.

Chính vì thế, thức cao về niềm tự hào và nhận diện quốc gia, các nữ lãnh đạo của Việt Nam luôn mặc áo dài trong các sự kiện quốc tế. Bởi vì khi nhìn thấy kimono ta sẽ liên tưởng tới Nhật Bản, hanbok của Hàn Quốc, sườn xám của Trung Hoa, sari của Ấn Độ và áo dài là hình tượng về người phụ nữ Việt Nam.

Bài 1: “Nhịp cầu” lan tỏa thông điệp hữu nghị, hòa bình

Áo dài trở thành hình tượng đẹp về người phụ nữ Việt Nam

Trong khi đó, để thể hiện sự tôn trọng và yêu mến nền văn hóa sở tại, áo dài trở thành lựa chọn của nhiều nguyên thủ và lãnh đạo các nước mỗi khi đến Việt Nam.

Năm 2006, khi Việt Nam lần đầu tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), lãnh đạo các nền kinh tế thành viên đã cùng mặc áo dài truyền thống của Việt Nam cho bức ảnh chụp chung.

Năm 2021, bà Tredene Dobson - Đại sứ New Zealand tại Việt Nam cũng đã mặc chiếc áo dài khi trình quốc thư năm 2021. Đặc biệt, họa tiết trên tấm áo với các biểu tượng của văn hóa Việt Nam và New Zealand cùng tấm áo choàng của người Maori đã cho thấy tình hữu nghị thắm thiết giữa hai nước được đề cao, trân trọng.

Năm 2022, Đệ nhất phu nhân Sierra Leone Fatima Maada Bio đã mặc áo dài truyền thống của đất nước chúng ta khi đến thăm Việt Nam. Chiếc áo màu xanh có họa tiết trống đồng Đông Sơn, cây tre và chim hạc là những đặc trưng nổi bật của văn hóa Việt được lan tỏa thông qua hành động thể hiện tình cảm yêu mến mà bà dành cho đất nước chúng ta.

Bài 1: “Nhịp cầu” lan tỏa thông điệp hữu nghị, hòa bình

Áo dài truyền thông điệp về văn hóa, con người Việt Nam

Niềm tự hào và khí chất Việt

Nói đến áo dài trong ngoại giao, ta không thể không nhắc đến bà Nguyễn Thị Bình trong suốt thời gian đàm phán kí Hiệp định Paris và các nữ tướng bên cạnh bà. Không phải là hình ảnh chiến binh "đằng đằng sát khí", không phải là đao to búa lớn, bà Bình đã cho thấy người Việt Nam bé nhỏ và rất khiêm nhường, nhã nhặn nhưng lại rất cương quyết, yêu chuộng hòa bình, đấu tranh đến cùng cho lý tưởng của mình.

Trong những năm đấu trí căng thẳng ấy, ngoài trí tuệ và bản lĩnh, phong cách giao tiếp lịch lãm, sang trọng, nét mặt và nụ cười luôn cởi mở, thân thiện, mà họ còn rất ấn tượng bởi những lời phát biểu đầy thuyết phục, thông minh, lúc rắn rỏi, khi ví von dí dỏm... khiến cho thế giới phải nể trọng thì chiếc áo dài mà bà Bình cùng các nhà ngoại giao nữ cũng góp phần truyền đi thông điệp về văn hóa và con người Việt Nam, tranh thủ sự đồng cảm và ủng hộ của Nhân dân thế giới.

Trong khi đó, suốt thời gian kháng chiến chống Mỹ, chiếc áo dài cũng đã trở thành “bạn đồng hành”, “bạn chiến đấu” với các nhà ngoại giao nữ của Việt Nam.

Theo các tài liệu, tháng 6/1962, tà áo dài xuất hiện tại Đại hội thanh niên sinh viên quốc tế ở Ba Lan. Lúc này bà Nguyễn Thị Bình làm trưởng đoàn đại biểu sinh viên miền Nam Việt Nam.

Tiếp đó, tháng 3/1963, đoàn đại biểu phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam gồm 3 đại biểu do bà Nguyễn Thị Bình dẫn đầu tham dự Đại hội phụ nữ thế giới tại Moscow (Liên Xô). Hàng ngàn đại biểu các nước trong hội trường sững sờ khi nghe những người phụ nữ mảnh mai trong tà áo dài nói về sự tàn khốc của cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Phụ nữ Việt Nam, người Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, luôn muốn được sống hạnh phúc và yên ổn, không có khói lửa, tang thương của chiến tranh.

Bà Nguyễn Thị Bình trong những ngày đàm phán và kí Hiệp định Paris

Tại đây, cuộc gặp gỡ lần đầu tiên giữa những người phụ nữ Việt Nam và Mỹ mở ra cơ hội tiếp xúc tiếp theo vào tháng 7/1965 tại Jakarta (Indonesia). Ở đây, nỗi đau khổ tột cùng của phụ nữ và trẻ em Việt Nam trong chiến tranh được “tà áo dài” đến từ phía bên kia chiến tuyến thuật lại vô cùng xúc động khiến nhiều phụ nữ Mỹ bật khóc. Họ đã nhận ra chiến tranh mang đến thiệt hại cho cả hai bên và hơn ai hết, phụ nữ và trẻ em là những người phải gánh chịu hậu quả. Kết quả vô cùng tốt đẹp, một bản tuyên bố đòi chính phủ Tổng thống Mỹ Johnson chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam được đưa ra.

Bài 1: “Nhịp cầu” lan tỏa thông điệp hữu nghị, hòa bình

Suốt những năm Hội nghị Paris về Việt Nam (1968 - 1972), bên cạnh bà Nguyễn Thị Bình còn có 4 “tà áo dài” thanh mảnh đầy trí tuệ, bản lĩnh: Đỗ Duy Liên, Nguyễn Thị Chơn, Nguyễn Ngọc Dung, Phạm Thanh Vân (Bình Thanh). Hình ảnh những phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài mềm mại tham gia cuộc đấu trí này đã gây ấn tượng đặc biệt với giới báo chí và Nhân dân các nước.

Bài 1: “Nhịp cầu” lan tỏa thông điệp hữu nghị, hòa bình

Sự quan tâm của các nhà báo quốc tế đối với Việt Nam lúc đó ở nhiều hướng, trong đó có cả tà áo dài. Trong cuốn hồi ký của mình, bà Nguyễn Thị Bình đã kể lại: “Có nhà báo tò mò hỏi tôi đi may áo dài ở đâu, làm tóc ở đâu, chăm sóc sắc đẹp ở đâu...”.

Bài 1: “Nhịp cầu” lan tỏa thông điệp hữu nghị, hòa bình

Như vậy, áo dài từ lâu đã trở thành biểu tượng của vẻ đẹp, là niềm tự hào và bản lĩnh, khí chất của người phụ nữ Việt Nam luôn kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Phát huy lợi thế đó, sau này, dấu ấn ấy còn được tiếp tục thông qua các nhà ngoại giao nữ. Khi họ mặc trên người tà áo dài, lòng tự tôn, tự hào về dân tộc càng như tiếp thêm sức mạnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ đại diện Việt Nam tại nước ngoài.

Bài 1: “Nhịp cầu” lan tỏa thông điệp hữu nghị, hòa bình

Áo dài, như một sứ mệnh, như một nhiệm vụ cũng đã cùng người Việt góp phần làm nên những kết quả tốt đẹp trong con đường bang giao, mang Việt Nam gần hơn với thế giới và thế giới gần hơn với Việt Nam.

(còn nữa)

Bài 1: “Nhịp cầu” lan tỏa thông điệp hữu nghị, hòa bình

Bài: Cẩm Tú. Trình bày: Ngọc Minh

Cẩm Tú