Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, Quốc hội và Chính phủ có nghị quyết, nghị định về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, tạo cơ sở pháp lý và môi trường thuận lợi để chính quyền Thủ đô chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, nâng cao đời sống của nhân dân, mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội kỳ vọng sẽ đạt được nhiều thành tựu.
Với quyết tâm chính trị cao, qua hơn một năm thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội bước đầu đã đạt kết quả tích cực. Các nội dung thí điểm được triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, cơ bản bảo đảm các mục tiêu, tiến độ đề ra. Qua khảo sát của các cơ quan trong hệ thống chính trị ở quận, thị xã và cơ sở cũng như dư luận nhân dân đều đánh giá cao việc tổ chức quản trị theo mô hình chính quyền đô thị.
Những thay đổi qua hơn một năm triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội trong cơ chế quản lý và sắp xếp đội ngũ công chức UBND cấp phường đã và đang mang lại hiệu quả bước đầu trong quản lý, phục vụ người dân và doanh nghiệp, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính.
Theo lãnh đạo thị xã Sơn Tây, qua gần một năm triển khai thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại 9 phường trên địa bàn thị xã Sơn Tây cho thấy, mô hình thí điểm chính quyền đô thị nhận được sự đồng thuận từ nhân dân, công chức các phường.
Sơn Tây đã thực hiện chuyển Chủ tịch, Phó Chủ tịch, công chức thuộc UBND các phường thành công chức do UBND thị xã quản lý đối với 80 trường hợp; bổ nhiệm 9 Chủ tịch và 17 Phó Chủ tịch UBND; tổ chức tuyển dụng không qua thi tuyển vào công chức cấp xã đối với các trường hợp là cán bộ phường thuộc diện bố trí, sắp xếp khi thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị…
UBND các phường cũng đã ban hành Quy chế làm việc của UBND phường thực hiện từ tháng 7/2021, làm việc theo chế độ thủ trưởng, Chủ tịch UBND có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của UBND phường theo Quy chế làm việc, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của pháp luật.
Những thay đổi về cơ chế quản lý, phương thức hoạt động và đội ngũ công chức UBND cấp phường theo mô hình chính quyền đô thị đã và đang mang lại hiệu quả bước đầu trong điều hành, quản lý, thực thi nhiệm vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính.
Kết quả đo lường sự hài lòng của tổ chức, công dân khi thực hiện thủ tục hành chính năm 2021 tại 9 phường của thị xã đều đạt trên 98%.
Với mô hình chính quyền đô thị, người dân Thủ đô không phải chờ quá lâu cho một thủ tục hành chính. Ảnh: Vương Đức |
Cũng theo đại diện thị xã Sơn Tây, mặc dù không tổ chức HĐND cấp phường nhưng quyền dân chủ và giám sát của người dân vẫn được bảo đảm bằng nhiều hình thức: Trên các phương tiện truyền thông, thông qua các cuộc họp tổ dân phố, giám sát của HĐND Thị xã, giám sát của Ủy ban MTTQ và cộng đồng dân cư...
Tuy nhiên, đối với địa bàn thị xã Sơn Tây với đặc thù vừa có phường, vừa có xã (9 phường; 6 xã) nên khi thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị còn gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí sắp xếp công chức từ chỗ thừa sang chỗ thiếu. Đặc biệt là khi bố trí công chức từ các xã lên phường phải thực hiện quy trình tiếp nhận vào công chức cần nhiều thời gian nên khó đáp ứng được ngay đối với các đơn vị đang thiếu cần bổ sung kịp thời công chức...
Tại quận Thanh Xuân, việc triển khai thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn quận Thanh Xuân đã diễn ra thuận lợi, hiệu quả, được sự đồng thuận, tin tưởng của người dân vào những đổi mới trong hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương.
UBND quận đã thực hiện việc rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức phường để xây dựng phương án sắp xếp, bố trí theo quy định, bổ nhiệm các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND 11 phường. Thực hiện rà soát hiện trạng đội ngũ công chức làm chuyên môn ở các phường để phân công rõ trách nhiệm cho từng công chức một cách bài bản, thận trọng, đúng quy định của pháp luật.
Quận Thanh Xuân thực hiện thí điểm chính quyền đô thị. Ảnh minh hoạ |
Sau khi sắp xếp theo mô hình chính quyền đô thị, tổ chức bộ máy của UBND các phường tinh gọn, ổn định, hoạt động hiệu lực, hiệu quả với mục tiêu khi thực hiện mô hình thí điểm chính quyền đô thị đảm bảo nâng cao chất lượng phục vụ của chính quyền, tạo động lực phát triển nhanh, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước tại địa bàn; đảm bảo quyền lợi của công chức phường khi được chuyển đổi từ công chức phường thành công chức thuộc quận.
Đến thời điểm hiện nay, đã có 10/11 phường đã thực hiện việc ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch thực hiện ký chứng thực bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản theo quy định của pháp luật.
Tại quận Thanh Xuân, phương thức hoạt động của UBND theo mô hình chính quyền đô thị thay đổi theo hướng tích cực góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiệu quả hoạt động của bộ máy được nâng lên. Việc thực hiện chính quyền đô thị sẽ đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong quận để đáp ứng các yêu cầu phát triển, tạo sự đồng thuận của người dân, cán bộ thực thi công vụ.
Trong công tác giải quyết các thủ tục hành chính, quận Hoàn Kiếm được coi là điểm sáng trên địa bàn thành phố Hà Nội khi thực hiện thí điểm chuyên đề “Các thủ tục hành chính không chờ” tại các phường. Người dân chỉ cần đến một lần, đợi vài phút để nhận kết quả. Nhờ thực hiện giải quyết thủ tục nhanh gọn nên người dân trên địa bàn quận Hoàn Kiếm chỉ cần đi lại một lần và mang được kết quả về ngay.
Các thủ tục hành chính thực hiện trong chuyên đề này có tính chất đơn giản, được tiếp nhận trực tiếp tại bộ phận “một cửa” của UBND phường, không có giấy hẹn và được giải quyết, trả ngay kết quả cho công dân. Có 5 thủ tục hành chính không chờ gồm: Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản (áp dụng cho cả trường hợp chứng thực điểm chỉ và trường hợp người yêu cầu chứng thực không thể ký, không thể điểm chỉ được); chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận; cấp bản sao trích lục hộ tịch; đăng ký kết hôn; đăng ký khai tử. Thời gian thực hiện chuyên đề từ ngày 1/5 đến 31/10/2022.
Để bảo đảm việc thực hiện chuyên đề “Các thủ tục hành chính không chờ” tại UBND 18 phường đi vào nền nếp, nâng cao hiệu quả phục vụ, đem lại sự hài lòng cho công dân, tổ chức, ngay trong những ngày đầu triển khai thực hiện, Phòng Nội vụ quận Hoàn Kiếm đã tổ chức kiểm tra công vụ đột xuất tại UBND 18 phường. Qua kiểm tra cho thấy, cơ bản UBND các phường đã triển khai thực hiện nghiêm túc chuyên đề; 18/18 phường đã xây dựng, ban hành kế hoạch về việc triển khai thực hiện chuyên đề “Các thủ tục hành chính không chờ” tại đơn vị.
Ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết, đặc điểm của quận Hoàn Kiếm là cư dân sinh sống trên địa bàn quận hầu hết có thời gian ăn, ở, sinh hoạt rất lâu. Có rất nhiều các loại giấy tờ cần phải xác minh, xác nhận. “Chúng tôi cũng đã yêu cầu đội ngũ cán bộ của quận phải nắm chắc hồ sơ lưu trữ; hiểu rõ trách nhiệm của mình trong giai đoạn hiện nay; tinh thần thái độ phục vụ người dân phải thay đổi từ việc tiếp nhận xử lý, quy trình giải quyết phải đảm bảo chặt chẽ nhưng phải tuân thủ thời gian đáp ứng yêu cầu mà Ban Chỉ đạo thành phố cũng như Ban Chỉ đạo quận đã lập ra”, ông Long nói.
Ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm |
Cũng theo ông Phạm Tuấn Long, áp dụng thí điểm mô hình chính quyền đô thị, việc giải quyết các thủ tục liên quan đến chính quyền đô thị là hoàn toàn phù hợp với tình hình hiện nay. Sẽ có rất nhiều tình huống mới, có rất nhiều vấn đề mà chính quyền cần phải giải quyết ngay lập tức. Việc giảm được các văn bản, giảm được các chỉ đạo trung gian giúp giải quyết nhanh hơn, nhất là những nhu cầu bức xúc của người dân và việc quản trị trong đô thị sẽ hiệu quả hơn so với mô hình trước đây.
Là đơn vị 3 năm liên tiếp dẫn đầu khối quận, huyện, thị xã về Chỉ số Cải cách hành chính; đứng đầu về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính của Hà Nội, quá trình triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính của quận Cầu Giấy luôn có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ quận tới cơ sở.
Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh cho biết, UBND quận chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND các phường tăng cường tập trung thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn gắn với thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền thông minh theo chỉ đạo của thành phố. Đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu mỗi đơn vị trong việc triển khai công tác cải cách hành chính.
Quận ủy - Hội đồng Nhân dân - UBND quận thường xuyên quan tâm đến xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Xác định đây là một trong những nội dung trọng tâm và khâu đột phá của công tác cải cách hành chính, quận tích cực đổi mới chương trình, nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp yêu cầu, đảm bảo việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các phường có kỹ năng nghiệp vụ cao, có tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, có phẩm chất đạo đức, có đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của quận và cơ sở.
Qua đó, thủ trưởng cơ quan và các phòng, ban, đơn vị, Chủ tịch UBND các phường ý thức được tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính, luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm chỉ đạo, triển khai và kiểm tra việc thực hiện cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị mình; đôn đốc kịp thời việc thực hiện các kế hoạch cải cách hành chính của quận, để chính quyền thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì Nhân dân, từng bước xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, phục vụ nhân dân.
Hàng năm, quận có kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với các phòng chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp và UBND các phường, trong đó tập trung kiểm tra sâu việc thực hiện kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ, bộ quy tắc ứng xử và việc thực hiện chủ đề năm công tác để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các biểu hiện sai trái, sách nhiễu, tiêu cực; Đồng thời, biểu dương, khen thưởng kịp thời những công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Việc cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính từ quận đến phường; đẩy mạnh thực hiện việc cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Do thực hiện tốt công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính, UBND quận và UBND các phường đã tiếp nhận, giải quyết đảm bảo 100% đúng hẹn.
Trong công tác giải quyết các thủ tục hành chính, quận Hoàn Kiếm được coi là điểm sáng trên địa bàn thành phố Hà Nội |
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội, thành phố đã tổ chức thực hiện thí điểm thành công mô hình chính quyền đô thị theo quy định tại Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ. Theo đánh giá, bước đầu việc tổ chức thực hiện thí điểm, tổ chức bộ máy chính quyền thành phố trong khu vực các quận đã gọn, nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn.
Nhờ đẩy mạnh phân quyền cho cơ quan, đơn vị qua mô hình chính quyền đô thị, cơ quan hành chính phường đã tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách tại địa phương trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính nhà nước nhưng vẫn bảo đảm quyền đại diện và quyền làm chủ của Nhân dân.
Hà Nội cũng hoàn thành việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các Sở; các Chi cục, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố để ban hành Quyết định điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bổ máy đối với các Sở, cơ quan tương đương Sở; bảo đảm theo nguyên tắc đúng quy định, không bỏ sót nhiệm vụ, không trùng chéo chức năng, nhiệm vụ, phân định rõ đơn vị chủ trì, phối hợp, rõ đầu mối, rõ trách nhiệm, các đơn vị hoạt động hiệu quả, khả thi, không vượt quá số cơ quan, đơn vị trực thuộc quy định.
Thành phố đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu về tinh giản biên chế (từ 10% trở lên). Cụ thể, giảm trên 1.400 biên chế công chức (tương đương tỉ lệ 15,6%); giảm trên 12.000 biên chế sự nghiệp (tương đương tỉ lệ 10%) so với năm 2015. Qua rà soát, kiện toàn, tinh giản biên chế đã góp phần thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương, của thành phố.
Sở Nội vụ Hà Nội đánh giá, việc tổ chức thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, tổ chức bộ máy chính quyền thành phố trong khu vực các quận, ban hành các quy định về quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, thực hiện phân cấp, ủy quyền quản lý góp phần từng bước nâng cao năng lực bộ máy, trình độ cán bộ các cấp và thành phố xác định đây là một trong những giải pháp quan trọng đẩy mạnh cải cách hành chính của Thủ đô.
(Còn nữa)
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, kể từ ngày 1/7/2021, thành phố bắt đầu triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại 12 quận và thị xã Sơn Tây. Hơn một năm qua, thành phố đã thực hiện nghiêm túc, bài bản, đồng bộ, đúng nội dung, trình tự theo quy định và hướng dẫn của trung ương. Việc vận hành mô hình chính quyền đô thị cơ bản diễn ra thuận lợi, mang lại sự hài lòng cho người dân khi tới làm thủ tục hành chính thông qua việc ủy quyền chứng thực. Đến nay, 12 quận và thị xã Sơn Tây đã cơ bản ban hành đầy đủ quy chế làm việc, vận hành bộ máy bình thường, chưa phát sinh khó khăn, vướng mắc lớn. Việc sắp xếp cán bộ tại các phường đã bảo đảm phù hợp với vị trí việc làm, năng lực chuyên môn. Ngoài ra, việc bố trí công tác và giải quyết các chế độ chính sách đối với chủ tịch, phó chủ tịch HĐND phường sau kiện toàn được thực hiện đúng quy định, không có đơn thư khiếu nại, tố cáo. Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên chia sẻ, tổ chức bộ máy chính quyền tại các phường được tinh gọn, nhưng vẫn bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, cơ quan hành chính phường đã chủ động điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách tại địa bàn trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc; Qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính nhà nước nhưng vẫn bảo đảm quyền đại diện và quyền làm chủ của nhân dân. Đặc biệt, trong giai đoạn giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19, với nhiều nhiệm vụ mang tính chất đột xuất, yêu cầu phải giải quyết ngay, với nguyên tắc làm việc theo chế độ thủ trưởng theo mô hình mới, chủ tịch UBND phường đã phát huy vai trò là người đứng đầu, lãnh đạo, chịu trách nhiệm quản lý toàn diện mọi hoạt động của UBND phường, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cấp bách tại cơ sở dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy phường. Còn Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Duy Hoàng Dương cho rằng, ghi nhận từ thực tiễn, phương thức hoạt động của UBND các phường thay đổi theo hướng tích cực góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Việc thay đổi phương thức hoạt động từ chế độ tập thể sang chế độ thủ trưởng đã tạo điều kiện cho chủ tịch UBND phường chủ động hơn trong điều hành, giải quyết công việc trên địa bàn. Từ những thực tiễn trên, tại báo cáo đánh giá hơn một năm thực hiện mô hình thí điểm, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội xác định tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị trong thời gian tới tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của Đảng bộ và cả hệ thống chính trị Thủ đô. Trong đó, Thành ủy Hà Nội xác định cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, nhất là tuyên truyền sâu rộng về những kết quả sau hơn một năm thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong các cấp ủy, cơ quan, đơn vị nhằm triển khai hiệu quả việc tổ chức thí điểm mô hình quản trị mới. Hà Nội cũng tập trung làm tốt công tác rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy chế làm việc, quy chế phối hợp, quy trình công tác theo quy định. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố hướng dẫn xây dựng quy chế mẫu về phối hợp hoạt động giữa Mặt trận Tổ quốc, HĐND, UBND quận, thị xã, phường liên quan đến thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, thành phố sẽ tiếp tục rà soát, kiện toàn bộ máy, biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đối với cấp phường bảo đảm thực hiện tốt việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Trong đó, thành phố tập trung thực hiện nhiệm vụ đột phá, như: Thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; điều động, sắp xếp cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; hoàn thiện đề án, khung năng lực vị trí việc làm; tuyển dụng bổ sung công chức còn thiếu; quan tâm giải quyết tốt các chế độ, chính sách để cán bộ, công chức yên tâm công tác…
|
Bài viết: Mai Anh – Phạm Mạnh |