eMag azine
16/05/2024 08:00
Bài 1: Chung dòng máu "con Lạc, cháu Hồng"

16/05/2024 08:00

TTTĐ - Việt Nam hiện có khoảng 6 triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc, học tập tại 130 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, trên 80% tại các nước phát triển, với khoảng 600.000 kiều bào có trình độ đại học trở lên.

cháu hồng

Bài 1: Chung dòng máu

LTS: Việt Nam hiện có khoảng 6 triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc, học tập tại 130 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, trên 80% tại các nước phát triển, với khoảng 600.000 kiều bào có trình độ đại học trở lên. Trí thức kiều bào gồm những người từ trong nước ra nước ngoài học tập, làm việc và trí thức là con em các thế hệ của người Việt ở sở tại. Với chính sách, tư duy, đường lối nhất quán, đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong nhiều năm qua, công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được nhiều thành tựu, tiếp tục phát huy mạnh mẽ nguồn lực kiều bào, đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển đất nước, giữ gìn bản sắc truyền thống của dân tộc.

Loạt bài “Phát huy nguồn lực trí thức kiều bào ở nước ngoài” của Báo Tuổi trẻ Thủ đô một lần nữa khẳng định tư duy, đường lối và chính sách nhất quán, đúng đắn của Đảng ta: Kiều bào là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam; đồng thời, khuyến khích, trân trọng và tôn vinh những đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.

Loạt bài cũng góp tiếng nói phản bác lại những luận điểm sai trái của một số đối tượng thù địch, phản động, phần tử cơ hội, xuyên tạc, bôi nhọ chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Chung dòng máu

Nhận thức được cộng đồng người Việt ở nước ngoài là “vốn quý”, nhiều năm qua, bên cạnh những chuyến thăm, tặng quà và động viên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, những chính sách về kiều bào cũng luôn được ban hành, cập nhật, sửa đổi và hoàn thiện. Điều này đã giúp đỡ bà con Việt kiều an tâm làm ăn sinh sống tại nước sở tại, từ đó, thu hút nguồn lực của kiều bào trong phát triển kinh tế, xã hội, quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Sáng mãi tư tưởng chiêu mộ nhân tài của Bác Hồ

Nói đến công tác người Việt Nam ở nước ngoài, trước tiên phải kể đến vai trò đặt nền móng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Ngay từ những năm tháng hoạt động tại Pháp, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã sớm nhận thấy vai trò vô cùng quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Giai đoạn 1917 - 1923, Người đã tham gia vào nhóm những người An Nam yêu nước tại Pháp để dễ dàng hoạt động cách mạng.

Theo GS-TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp của Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh, các hoạt động của Người đã cuốn hút đông đảo kiều bào tham gia phong trào của "Hội những người Việt Nam yêu nước” tại Pháp, đưa Hội này trở thành một đoàn thể của “Hội Liên hiệp thuộc địa”. Những năm sau đó, Nguyễn Ái Quốc thường xuyên viết thư trao đổi tình hình với nhiều người Việt Nam tại Pháp và đề nghị họ giúp đỡ việc cung cấp tài liệu để tập hợp viết sách, báo tuyên truyền, vận động kiều bào.

Đáng chú ý, năm 1928 tại Thái Lan, Nguyễn Ái Quốc tích cực học tiếng Thái và động viên mọi người cùng học để hiểu được truyền thống, phong tục, tập quán của người Thái để thuận tiện cho việc giao tiếp, sinh hoạt. Tại Bản Mạy, Người đã cùng một số cán bộ cốt cán đi khắp các tỉnh có Việt kiều ở Đông Bắc Thái Lan, liên lạc với những kiều bào yêu nước đang sống tại đây, từng bước vận động và huấn luyện họ thành những cán bộ đầu tiên cho phong trào cách mạng Việt Nam.

Đầu năm 1946, trong thư chúc Tết kiều bào, Người đã đánh giá cao tấm lòng của kiều bào tuy ở nơi đất khách quê người nhưng lòng vẫn mang dáng hình của cố hương. Bác viết trong thư: "Tổ quốc và Chính phủ cũng luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà".

Điều này càng thể hiện rõ hơn khi ngày 10/1/1960, khi chuyến tàu đầu tiên chở theo hơn 900 kiều bào Thái Lan cập cảng Hải Phòng, Bác đã trực tiếp xuống bến Sáu Kho (Hải Phòng) để đón kiều bào, thể hiện sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước ta đối với bà con kiều bào.

Cũng theo GS-TS Hoàng Chí Bảo, từ năm 1960 - 1964, Ban Việt kiều Trung ương đã đón tiếp chu đáo hơn 4 vạn kiều bào ta ở Thái Lan và Tân Đảo hồi hương, giải quyết công ăn việc làm và ổn định đời sống cho kiều bào. Những câu chuyện về GS.Trần Đại Nghĩa, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, nhà chí sĩ Bùi Bằng Đoàn,… đều ngời sáng lên tư tưởng của Bác, đó là chuộng hiền sĩ, quý trọng nhân tài, luôn đặt sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, lợi ích của Nhân dân lên trên tất cả.

Chung dòng máu Những bức hình ghi lại Bác Hồ gặp gỡ kiều bào tại Pháp và tại Hải Phòng (Ảnh tư liệu)

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc

Kế thừa tinh thần đó của Bác, từ năm 1946, Đảng, Chính phủ coi trọng việc xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vận động, kêu gọi được nhiều trí thức kiều bào ở nước ngoài về nước tham gia kháng chiến.

Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, nhiều kiều bào ta mong muốn trở về Tổ quốc sinh sống và xây dựng đất nước. Đáp ứng nguyện vọng đó, ngày 23/1/1959, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Nghị định số 416/NĐ-TTg thành lập Ban Việt kiều Trung ương - tiền thân của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - đánh dấu mốc phát triển quan trọng của công tác về người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là lần đầu tiên, một tổ chức chuyên trách được thành lập để giúp Chính phủ theo dõi và chỉ đạo công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời đóng vai trò là cầu nối giữa kiều bào với quê hương, đất nước.

Trong bối cảnh giai đoạn 1976 - 1985, nước ta gặp rất nhiều khó khăn do bị chiến tranh tàn phá, bị bao vây cấm vận, Đảng và Nhà nước ta chủ trương huy động cao nhất sự tham gia của kiều bào vào công cuộc khôi phục đất nước sau chiến tranh, tham gia vận động dư luận quốc tế chống bao vây, cấm vận.

Từ năm 1986, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều bước đột phá, gắn liền với yêu cầu của công cuộc đổi mới. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) đã đưa ra nhận định và đề ra phương hướng vận động, thu hút nguồn lực của kiều bào nhiều hơn vào công cuộc xây dựng đất nước: “Đảng và Nhà nước ta thông cảm và đánh giá cao lòng yêu nước của đồng bào, sẽ tạo thêm những điều kiện thuận lợi để đồng bào xây dựng khối đoàn kết cộng đồng, tiếp xúc với bà con trong nước, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào công cuộc xây dựng Tổ quốc”.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6/1991), Đảng ta đã biểu dương, khích lệ những đóng góp của kiều bào trong công cuộc xây dựng đất nước, đồng thời coi trọng việc thông tin tình hình đất nước để bà con hiểu đúng về sự phát triển của đất nước: “Đảng và Nhà nước ta hoan nghênh bà con giữ gìn bản sắc, truyền thống và giá trị văn hoá dân tộc, tình cảm gắn bó với quê hương, đất nước, nâng cao tính cộng đồng, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, xây dựng quan hệ tốt đẹp với nhân dân sở tại, đồng thời quan tâm theo dõi, ủng hộ và đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước. Cần tổ chức tốt việc thông tin tình hình trong nước và tạo điều kiện dễ dàng để bà con người Việt ở nước ngoài về thăm đất nước” .

Bước tiến tiếp theo là, ngày 29/11/1993, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là lần đầu tiên, Đảng ta có một nghị quyết riêng về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, là sự đổi mới quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng chính sách của Nhà nước.

Chung dòng máu

Bác Hồ với kiều bào Thái Lan (Ảnh tư liệu)

Đến tháng 7/1994, Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài được thành lập thay thế cho Ban Việt kiều Trung ương. Ngày 6/11/1995, Chính phủ đã ra Nghị định số 77/CP đặt Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Bộ Ngoại giao. Cũng từ đây, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác đối ngoại của Đảng, góp phần thực hiện tốt ba trụ cột ngoại giao: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.

Đặc biệt, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 7/1996) cũng nhấn mạnh: “Đoàn kết các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống trong nước hay đang định cư ở nước ngoài. Phát huy sức mạnh của cả cộng đồng dân tộc, truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc vì mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất, tiến lên dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh” .

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (tháng 4/2001), bên cạnh việc khẳng định vai trò của kiều bào ngày càng cao trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tư duy của Đảng về vị trí, vai trò của kiều bào được rõ hơn, cụ thể hơn. Đó là: “Có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào về thăm quê hương, mở mang các hoạt động văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, sản xuất, kinh doanh, góp phần thiết thực xây dựng đất nước”.

Chung dòng máu

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân gặp gỡ, trò chuyện với kiều bào tham dự Xuân Quê Hương 2019 tại Đền Ngọc Sơn, Hà Nội (Ảnh: Cảnh Tiêu)

Nghị quyết số 36-NQ/TW – “kim chỉ nam” về đổi mới tư duy

Có thể nói, chuyển biến cơ bản và tạo động lực mới trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài được ghi dấu ấn vào năm 2004, khi Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26/3/2004, của Bộ Chính trị, về công tác người Việt Nam ở nước ngoài được ban hành. Đây là một văn kiện có ý nghĩa lịch sử, có giá trị cơ bản, to lớn, toàn diện và lâu dài thể hiện sâu sắc tư duy đổi mới của Đảng ta về công tác này, được phổ biến rộng rãi trong toàn quốc, với kiều bào và tới tất cả các quốc gia trên thế giới.

Quan điểm “người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước” được phản ánh rõ nét trong Nghị quyết, trở thành “kim chỉ nam” cho các hoạt động điều chỉnh, cụ thể hóa nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có văn bản pháp lý cao nhất là Hiến pháp năm 2013.

Ngày 19/5/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW đã nhấn mạnh các nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thời gian tới, tập trung tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc để phát huy hơn nữa nguồn lực của kiều bào, đặc biệt là thu hút các trí thức sống ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

Ngày 31/12, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 169/NQ-CP: Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021 – 2026.

Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới đặt ra nhiệm vụ quan trọng là: “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và triển khai đồng bộ các chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài khi về nước làm việc, thường trú; tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về nước, đầu tư, sản xuất, kinh doanh…; giải quyết nhu cầu chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài liên quan đến quốc tịch phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và tinh thần của Nghị quyết 36”.

Tính đến nay, tròn 20 năm Nghị quyết 36- NQ/TW ra đời, nhiều chủ trương, đường lối về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã được thể chế hoá thông qua các chính sách pháp luật trong nhiều lĩnh vực như: Quốc tịch, xuất cảnh, nhập cảnh, đất đai, nhà ở, đầu tư, kinh doanh, lao động... Từ đây, người Việt khắp năm châu bốn bể phấn khởi, phát huy tinh thần yêu nước, cống hiến cho công cuộc xây dựng quê hương, nước nhà.

Bài 1: Chung dòng máu

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ kiều bào trong chương trình Xuân Quê hương 2023 (Ảnh: Cảnh Tiêu)

Quyết sách kịp thời

Trước yêu cầu phát triển đất nước, hội nhập sâu rộng trong tình hình mới, công tác về NVNONN đã và đang bước vào giai đoạn mới, được triển khai mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các mặt. Nhiều chính sách thông thoáng, bảo đảm lợi ích thiết thực của người Việt sinh sống trên 130 quốc gia như việc sửa đổi có tính đột phá trong quy định về các vấn đề quốc tịch, miễn thị thực, cư trú, mua và sở hữu nhà ở trong nước... đã tạo sự phấn khởi, tin tưởng cho người cộng đồng người Việt trên thế giới, tăng thêm gắn bó của kiều bào với đất nước.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) giai đoạn 2021 – 2026, tháng 1/2024, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điểm mới, tập trung vào 5 nhóm vấn đề. Trong đó, có nhóm các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, như mở rộng quyền sử dụng đất với công dân Việt Nam, kể cả người định cư sinh sống ở nước ngoài. Ví dụ, tại Điều 4, quy định về người sử dụng đất được bổ sung thêm nhóm gốc Việt định cư ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam (hay còn gọi là Việt kiều). Nhóm này sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi về đất đai, nhà ở như công dân trong nước và người Việt định cư ở nước ngoài (người còn quốc tịch Việt Nam).

Trong luật mới, Điều 28 cũng quy định cụ thể người gốc Việt định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà (luật hiện hành không có những quy định này).

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, có khoảng 4 triệu người muốn mua nhà ở Việt Nam trong tương lai, bao gồm người nước ngoài và Việt kiều, đặc biệt là xu thế dòng vốn FDI đang đổ mạnh vào Việt Nam, kéo theo nhu cầu sinh sống và làm việc lâu dài tại Việt Nam tăng lên.

Ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, cho hay: “Theo một thống kê của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, khoảng 15 - 20% lượng kiều hối về Việt Nam được đầu tư trực tiếp vào bất động sản. Chỉ riêng con số này đã có thể tương đương với khoảng 10.000 căn hộ mỗi năm. Do đó, kiều hối thực sự là một nguồn vốn quan trọng cho Việt Nam”.

Cũng theo chuyên gia này, truyền thống người Việt Nam thường rất coi trọng giá trị gia đình. Hiện có rất nhiều người Việt lớn tuổi đã di cư ra nước ngoài suốt một thời gian dài. Sau nhiều năm làm việc chăm chỉ, họ đã sở hữu lượng tài sản nhất định và cân nhắc đầu tư lại vào Việt Nam, thậm chí nhiều người trong số đó tính đến việc quay trở về. Không những vậy, ngay cả những người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài cũng không ít người mong muốn có tích lũy tài sản để trở về mua bất động sản trong nước.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn:

Chung dòng máu

Việc Bộ Chính trị ban hành kết luận về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới (Kết luận 12) có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tiếp tục khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán và đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về củng cố vững chắc đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp Nhân dân ở trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài nhằm phát huy mạnh mẽ sức mạnh toàn dân tộc cho phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, Kết luận 12 cũng thúc đẩy thực hiện công tác người Việt Nam ở nước ngoài toàn diện và mạnh mẽ hơn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị, trong đó tập trung hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển và hòa nhập xã hội nước sở tại, giúp kiều bào tiếp tục nâng cao tự hào, tự tôn dân tộc và hướng về cội nguồn, đồng thời có chính sách phù hợp để đồng bào đóng góp hiệu quả vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Ngoài ra, việc ban hành Kết luận 12 tiếp tục thể hiện rõ tình cảm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; đáp ứng nguyện vọng chính đáng, từ đó động viên, khích lệ đồng bào tiếp tục nỗ lực vươn lên, khơi dậy tiềm năng, phát huy nguồn lực to lớn và hướng về quê hương, đất nước. 

Chung dòng máu

Hội nghị Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp được Bộ Ngoại giao tổ chức năm 2023 tại TP Hải Phòng.

(Còn nữa)

Bài 2: Sức triệu người hơn sóng biển Đông Bài 3: Khát vọng nâng tầm vị thế quốc gia Bài 4: Người thủ lĩnh ươm “hạt giống đỏ” nơi trời Âu Bài 5: Người trẻ lan tỏa và phát huy “sức mạnh mềm” quốc gia

Nội dung & Trình bày: Thái Sơn

Xem bài 2 »

Thái Sơn