eMag azine
04/08/2023 08:00
Bài 1: Bức tranh rực rỡ sắc màu

04/08/2023 08:00

TTTĐ - Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW, các vùng văn hóa đã và đang hòa quyện mượt mà để tạo nên bức tranh văn hóa vùng Thủ đô Hà Nội rực rỡ, nhiều gam màu, có chiều sâu.

Bức tranh

Bài 1: Bức tranh rực rỡ sắc màu

Một nhà nghiên cứu đã nói với người viết rằng, mở rộng Thủ đô Hà Nội về mặt hành chính chỉ cần một quyết định song để dung nhập văn hóa xứ Đoài, văn hóa Sơn Nam vào bức tranh rộng lớn của Thăng Long lại cần một chặng đường dài – trên hành trình đó cần rất nhiều sự trân trọng, bao dung và vô vàn nỗ lực. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW, các vùng văn hóa đã và đang hòa quyện mượt mà để tạo nên bức tranh văn hóa vùng Thủ đô Hà Nội rực rỡ, nhiều gam màu, có chiều sâu. Văn hóa giờ đây càng lúc càng chứng tỏ vai trò quan trọng trong phát triển chung của thành phố, tạo ra nhiều bứt phá, nâng tầm khát vọng.

Bài 1: Bức tranh rực rỡ sắc màu

Mười lăm năm trước, thời điểm tỉnh Hà Tây sáp nhập với Hà Nội theo Nghị quyết 15-NQ/TW, không ít người đã đọc cho nhau nghe về một bài điếu của thầy giáo Phạm Việt Long (giáo viên dạy văn tại trường THPT Thường Tín) với một chút ít ẩn ức, nhớ thương, hụt hẫng. Trước cuộc “hợp hôn”, bước chân vẫn còn đôi chút ngập ngừng, băn khoăn, lo lắng mông lung. Liệu những cảm xúc ấy còn tồn tại đến bây giờ? Đây là dấu hỏi mà người viết muốn tìm câu trả lời khi bắt tay viết đôi dòng về cuộc chuyển mình của văn hóa Thủ đô sau 15 năm.

Một chút ẩn ức, nhớ thương, hụt hẫng

Dường như bản thân thầy giáo về hưu Phạm Việt Long cũng luôn đau đáu câu hỏi như vậy hơn mười năm qua. Trong căn nhà hơi bừa bộn ở khu tập thể cũ vào một buổi chiều oi ả giữa mùa hạ, ông Long vuốt chòm râu dài, buộc gọn mớ tóc bạc lòa xòa và rỉ rả kể cho chúng tôi về cảm xúc khi sáng tác bài điếu.

Thầy giáo Phạm Việt Long đau đáu về hành trình đổi mới, khát vọng toả sáng của văn hoá xứ Đoài, xứ Sơn Nam
Thầy giáo Phạm Việt Long đau đáu về hành trình đổi mới, khát vọng toả sáng của văn hóa xứ Đoài, xứ Sơn Nam

“Kỳ thủy, tôi không định viết như thế, dẫu biết rằng sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội tốt thì quá là tốt song cũng nảy sinh một loạt vấn đề” - giọng nói của thầy giáo Long bảng lảng như vọng về từ một miền ký ức nào đó. Ngợi ca Hà Tây rất đơn giản, vì bản thân tỉnh có nhiều giá trị đã được bồi đắp hàng trăm, hàng nghìn năm. Sừng sững Ba Vì trấn biên cương phía bắc, Thánh Tản Viên uy ngự chốn linh thiêng/Một dẻo Tây Nam, mây núi nước miên miên, Hương Tích động mở một trời phật pháp/Dòng Đà Giang độc lưu lên phía Bắc, sông Tích hiền tuôn chảy xuống miền Nam/Sông Đáy trong kết bạn với Nhuệ Giang, ôm ấp trọn cả bình nguyên trù phú

Tuy nhiên, đến phần ai vãn, thì tôi bí. Cảm giác mất mát phảng phất, chứ không phải là buồn rơi buồn rụng, buồn đau buồn đớn. Rồi một hôm, tôi xem tivi, bật chương trình Hà Tây như thói quen, bỗng thấy logo của kênh đã trở thành Hà Nội. Bấy giờ, tôi nảy sinh ý tưởng việc Hà Tây nhập vào Hà Nội giống như một cuộc cưới xin, mang những giá trị của Hà Tây về Hà Nội như là gái mang hồi môn về nhà chồng. "Chân đã bước có nề chi khó nhọc, ai bảo rằng phận dưới chẳng có công/Hồi môn kia cả mảnh đất danh hương, ai dám nói Thủ đô không nhờ cậy… Đem thân về cùng Thủ đô yêu dấu, cũng tự hào hộ đối môn đăng/Bỏ lại sau lưng một quá khứ mênh mông, tránh sao khỏi chút niềm day dứt". Như thế, lời ai vãn chỉ là lời da diết, giống như tiễn con gái về nhà chồng. Cũng buồn thương này kia, nhưng không thống thiết. Chỉ đơn thuần là mơ hồ cảm thấy mất mát, không cụ thể nhưng lại rất rõ ràng, đầy tình người” - người giáo già bồi hồi nói.

Tinh thần này đã được Phó giám đốc thường trực Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Tây Trương Minh Tiến (hiện nay là Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội) nói rõ từ 15 năm trước. Ông Tiến nói rõ rằng, Hà Tây là vùng quê không chỉ phong phú bởi các di sản văn hóa vật thể như đình, chùa, làng văn hóa, làng cổ, làng nghề truyền thống… mà đang còn là nơi lưu giữ các di sản văn hóa phi vật thể độc đáo ra đời cách đây hàng trăm năm nay như: Hát dô, hát chèo tàu, xẩm, hát trống quân, múa rối...

Bài 1: Bức tranh rực rỡ sắc màu

Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội phát biểu vào năm 2008 như sau: “Hà Tây sẽ bổ sung những di sản văn hóa phi vật thể như chèo cổ (chèo Tàu), hò cửa đình, hát dô…; Các di tích văn hóa vật thể như: Chùa Thầy, chùa Tây Phương, đặc biệt là Khu danh thắng nổi tiếng Hương Sơn… và các khu du lịch sinh thái, tâm linh mà Thủ đô không có. Các cụm, điểm văn hoá - du lịch của Hà Tây sẽ tạo nên những tua du lịch hấp dẫn, kéo khách trong nước và quốc tế lưu trú ở các khách sạn Hà Nội tới. Đây là một sự kiện gắn kết tuyệt vời nhằm phát huy và gìn giữ những di sản văn hoá mà Hà Tây và Hà Nội có được.

Ngay khi có chỉ thị Hà Tây sáp nhập Hà Nội, tạo nên vùng văn hóa - du lịch rộng lớn, hơn lúc nào hết, những người làm công tác văn hóa tỉnh nhà đã xác định và có kế hoạch bảo tồn và phát huy những vốn di sản độc đáo này. Đặc biệt, vốn di sản đó còn là “lễ vật”, góp vào sự kiện trọng đại 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”.

Đa dạng, rực rỡ trong sự thống nhất

Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã thông qua Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong nghị quyết, mục “Quan điểm” có đoạn: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”.

Bàn về tính “thống nhất trong đa dạng” của văn hóa vùng Thủ đô Hà Nội khi dung nhập văn hóa xứ Đoài, văn hóa Sơn Nam, TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội chia sẻ với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô: Văn hóa Thăng Long - Hà Nội (trước đây) vốn đã rất giàu có. Khi “đón” thêm các vùng văn hóa khác, bức tranh văn hóa Vùng Thủ đô càng thêm đa dạng, rực rỡ.

Bài 1: Bức tranh rực rỡ sắc màu Bài 1: Bức tranh rực rỡ sắc màu Bài 1: Bức tranh rực rỡ sắc màu

Thứ nhất, nói về văn hóa vật thể. Hà Nội được biết đến với những di tích nổi tiếng như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu phố cổ, chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh, làng cổ Ðông Ngạc... Hà Tây (trước đây) cũng không ít cảnh sắc nổi tiếng, có thể kể đến các danh thắng như: Chùa Hương, chùa Thầy, chùa Tây Phương, làng cổ Ðường Lâm...

Bên cạnh các di tích văn hóa vật thể, việc mở rộng địa giới hành chính còn giúp Hà Nội đón nhận những giá trị văn hóa tinh thần. Hà Tây, huyện Mê Linh (vốn thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) và các xã Tiến Xuân, Đông Xuân, Yên Bình (vốn thuộc về tỉnh Hòa Bình) đóng góp nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian như: Rối nước, hát dô, chèo tàu... Về lễ hội, nếu như Hà Nội trước đây có hội Gióng, thì xứ Ðoài có tín ngưỡng thờ Thánh Tản Viên, huyện Mê Linh nức tiếng với Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng. Tiếng cồng chiêng của xứ Mường làm vang dội thêm dàn trống trứ danh của Thăng Long.

Bài 1: Bức tranh rực rỡ sắc màu

Thêm nữa, sách “Cơ sở văn hóa Việt Nam” do Giáo sư Trần Quốc Vượng chủ biên có viết “phần cốt lõi của văn hóa tinh thần là tư tưởng mà thường biểu hiện chủ yếu dưới hình thức tôn giáo, tín ngưỡng”. Ở khía cạnh này, cuộc mở rộng địa giới năm 2008 đã mang tới cho Thủ đô vô cùng nhiều các giá trị về mặt tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo. “Hà Tây là vùng địa linh” - TS Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.

Tại hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” diễn ra đầu tháng 3/2023, GS.TS Nguyễn Văn Kim (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích kỹ lưỡng hơn: Trong kho tàng di sản văn hóa của Sơn Nam Thượng thấy nổi lên thế mạnh của một dải văn hóa vùng trọng trấn; Của một không gian văn hóa ở vị trí chuyển giao giữa miền duyên hải với trung tâm châu thổ - Quốc đô; Những giá trị độc đáo trong thế giới tâm linh của cư dân vùng núi Nùng - sông Nhị, núi Đọi - sông Châu và sự hòa kết giữa tín ngưỡng dân gian (tục thờ Mẫu) với Nho - Phật - Đạo và cả Kito giáo.

Ba nguồn tài nguyên đồng thời cũng là ba di sản tiêu biểu đó tạo thành phức thể văn hóa đặc sắc của Sơn Nam Thượng. Văn hóa luôn là điểm tựa, động lực thúc đẩy sự phát triển của toàn vùng, kinh đô Thăng Long - Hà Nội và Sơn Nam Thượng là vùng đất chuyển giao giữa miền duyên hải với trung tâm châu thổ sông Hồng. Hai không gian đó hợp thành tổng vùng và định thành nên khí chất tinh anh cho một vùng đất”.

Tóm lại, hội nhập các dòng chảy văn hóa vào Vùng Thủ đô Hà Nội rõ ràng đem đến những cơ hội cùng những thử thách. Nhìn lại quá trình tiếp biến văn hóa trong lịch sử, dẫu có sự giao thoa mạnh mẽ, vị trí địa lý gần gũi nhưng đất Thăng Long vẫn giữ vẻ đẹp của văn hóa Thăng Long, xứ Ðoài vẫn mang hồn cốt của văn hóa xứ Ðoài và đất Sơn Nam kiêu hùng chưa bao giờ mai một. Những dòng văn hóa vẫn bổ sung cho nhau, mà vẫn giữ những nét bản sắc riêng. Đó phải chăng chính là sự “thống nhất trong đa dạng” mà chúng ta hằng tìm kiếm!

(Còn nữa)

Bài viết: Vũ Cường

Đồ họa: Phạm Mạnh

Bài viết liên quan:

Bài 2: Sống bằng các giá trị văn hóa Bài 3: Kỳ vọng vào "sợi chỉ đỏ" kết nối
Bài 1: Bức tranh rực rỡ sắc màu

Xem bài 2 »

Phạm Mạnh