eMag azine
25/06/2023 09:00
Bài 1. Bức tranh không gian sáng tạo tại Hà Nội

25/06/2023 09:00

TTTĐ - Hà Nội là trung tâm của cả nước, nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng những trầm tích văn hóa, lịch sử có từ ngàn năm. Mảnh đất văn hiến này cũng nuôi dưỡng nhiều tài năng và cảm hứng sáng tạo trong cộng đồng. Đó cũng là lý do Hà Nội trở thành địa phương dẫn đầu về số lượng không gian sáng tạo (KGST) so với các địa phương khác trong cả nước, góp phần tạo dấu ấn rõ nét trong ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

LTS: Sau 4 năm gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, thành phố Hà Nội đang dần hình thành những không gian sáng tạo (KGST) với hoạt động đa dạng, phát huy được tiềm năng, thu hút nguồn lực sáng tạo, góp phần phát triển du lịch Thủ đô. Tuy nhiên, để hiện thực hóa cam kết với UNESCO, trở thành trung tâm văn hóa sáng tạo của khu vực và thế giới, Hà Nội cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, mở rộng những không gian sáng tạo có quy mô, mang tầm vóc quốc tế.

Bài 1. Bức tranh không gian sáng tạo tại Hà Nội

Hà Nội là trung tâm của cả nước, nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng những trầm tích văn hóa, lịch sử có từ ngàn năm. Mảnh đất văn hiến này cũng nuôi dưỡng nhiều tài năng và cảm hứng sáng tạo trong cộng đồng. Đó cũng là lý do Hà Nội trở thành địa phương dẫn đầu về số lượng không gian sáng tạo (KGST) so với các địa phương khác trong cả nước, góp phần tạo dấu ấn rõ nét trong ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Nhu cầu kết nối hệ sinh thái sáng tạo nhìn từ Photo Hanoi’23

Giữa tháng 4/2023, sự kiện Photo Hanoi’23 - Biennale nhiếp ảnh quốc tế do Viện Pháp tại Việt Nam phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, không gian văn hóa quen thuộc của công chúng Thủ đô. Chuỗi sự kiện bao gồm nhiều hoạt động như triển lãm, workshop, hội thảo, gặp gỡ… đã mang đến cái nhìn mới mẻ và kết nối những người làm trong lĩnh vực nhiếp ảnh trong nước và quốc tế với công chúng.

Mở màn là triển lãm "Hà Nội - Một thành phố trong nhiếp ảnh"; "Hà Nội-Những khởi đầu của một đô thị kiểu phương Tây ở Đông Nam Á", với 30 bức ảnh màu do nhà nhiếp ảnh người Pháp Léon Busy thực hiện trong những năm 1914-1915. Tiếp sau đó là hàng loạt triển lãm cá nhân, tọa đàm, hội thảo, chiếu phim, trải nghiệm thực hành nhiếp ảnh... diễn ra tại hơn 20 không gian văn hóa, sáng tạo của Hà Nội như: Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Đại sứ quán Pháp, Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản, Không gian Nghệ thuật Manzi, Hanoi Studio, Tổ hợp Complex 01, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA)...

Bài 1. Bức tranh không gian sáng tạo ở Hà Nội
Bài 1. Bức tranh không gian sáng tạo ở Hà Nội
Bài 1. Bức tranh không gian sáng tạo ở Hà Nội

Đây là lần đầu tiên, chuỗi sự kiện về nhiếp ảnh quốc tế diễn ra tại Thủ đô đã không chỉ giúp công chúng có những trải nghiệm phong phú qua nhiếp ảnh đương đại, mà còn làm đa dạng hoạt động của các KGST trải rộng khắp thành phố. Điều này thể hiện ở việc đa dạng không gian trưng bày, đan cài các yếu tố lịch sử-xã hội, tôn vinh kiến trúc và những yếu tố nghệ thuật khác, góp phần phát huy giá trị di sản của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Bên cạnh đó, Photo Hanoi’23 còn cho thấy nhu cầu thực sự về sự kết nối của các nhà sáng tạo trẻ trong nước và quốc tế.

Em Nguyễn Kim Ngân, học sinh Trường THPT Khoa học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Em thực sự thấy thú vị khi được hòa mình vào không khí của sự kiện, tìm hiểu về lĩnh vực nghệ thuật nhiếp ảnh thông qua nhiều hoạt động liên tiếp, thực hành chuyên sâu ở nhiều không gian khác nhau, được gặp rất nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước. Gặp họ, được trò chuyện, em được truyền cảm hứng về sự sáng tạo trong nhiếp ảnh, ngành mà em dự kiến thi năm tới”.

Ông Thierry Vergon, Tùy viên văn hóa Đại sứ quán Pháp, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội cũng khẳng định: “Đối với các tài năng trẻ, sự kiện này thúc đẩy sự sáng tạo và cơ hội nghề nghiệp cho họ. Họ tận dụng được cơ hội để giới thiệu tác phẩm, chia sẻ về các kỹ thuật của mình đồng thời học hỏi những kỹ năng mới. Hà Nội sẽ trở thành một thành phố lớn về triển lãm và những câu chuyện nhiếp ảnh. Các nhiếp ảnh gia, giám tuyển, các nhà sưu tập, tất cả hệ sinh thái này sẽ hội tụ hai năm một lần tại Hà Nội”.

Bài 1. Bức tranh không gian sáng tạo ở Hà Nội
Bài 1. Bức tranh không gian sáng tạo ở Hà Nội
Bài 1. Bức tranh không gian sáng tạo ở Hà Nội
Bài 1. Bức tranh không gian sáng tạo ở Hà Nội

Những hoạt động tại sự kiện Photo Hanoi'23 thu hút đông đảo công chúng Thủ đô và du khách nước ngoài

Đa sắc màu…

Tính đến nay, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số lượng các KGST. Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Hà Nội, Thủ đô hiện có khoảng 200 KGST, trong đó, có thể kể đến như: Phố đi bộ Hồ Gươm, Phố Sách, phố bích họa Phùng Hưng, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Pháp, Viện Goethe, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm…

Bên cạnh đó là những KGST do tư nhân thành lập, mang nhiều đặc trưng, bản sắc riêng như Heritage Space, Café chiều thứ 7, Manzi, Ơ kìa Hà Nội, Workshop 282 Design, Hanoi Creative City… Những mô hình không gian văn hóa - nghệ thuật - sân chơi này với sự đầu tư, thiết kế độc đáo đã kích thích sự sáng tạo, nâng tầm thưởng thức nghệ thuật, thu hút số lượng lớn người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

Hiện Hà Nội có 5 không gian đi bộ đang hoạt động bao gồm: các tuyến phố quanh hồ Gươm; phố Trịnh Công Sơn; phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã; phố đi bộ Trần Nhân Tông, tuyến bố đi bộ Thành cổ Sơn Tây… Chỉ tính riêng phố đi bộ Hoàn Kiếm, lượng du khách đến tham quan trung bình mỗi ngày có khoảng 3.000 - 5.000 người, buổi tối lên đến 15.000 - 20.000 người đến tham quan. Những không gian văn hóa công cộng này trở thành địa điểm vui chơi, sáng tạo cho công chúng, góp phần thu hút khách du lịch, đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng của thành phố.

Điển hình trong đó phải kể đến tổ hợp Complex 01 (Tây Sơn, Hà Nội) đa chức năng đầy sức sống bao gồm khu mua sắm, ăn uống, workshop, tổ chức sự kiện với kiến trúc nghệ thuật, không gian thân thiện, trong đó có gần 30 thương hiệu đang hoạt động sôi nổi.

Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Bùi Vũ, Founder (Nhà sáng lập) Complex 01 cho hay, các buổi trình diễn hòa nhạc, chiếu phim từng diễn ra tại đây, gây ấn tượng với công chúng. Điển hình như buổi hợp xướng Đa dạng - Diversity Choir; Buổi biểu diễn âm nhạc cổ điển SiaM in Complex 01 của các nghệ sĩ trẻ tâm huyết và muốn lan tỏa giá trị nhân văn của âm nhạc đến cộng đồng thanh thiếu niên tại Hà Nội.

Chia sẻ với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, KTS Nguyễn Bùi Vũ cho biết: “Nếu các hoạt động này được tổ chức trong các điểm như Nhà hát Lớn hay các nhà hát khác ở thành phố thì đa phần công chúng sẽ khó đủ tiềm lực tài chính để vào cửa. Nếu ở một không gian sáng tạo nhỏ, họ dễ dàng tiếp cận nghệ thuật miễn phí. Chiều ngược lại, những chủ thể sáng tạo như nghệ sĩ cũng có cơ hội biểu diễn thường xuyên. Nhờ đó, có sự kết nối, tương tác liên tục, thường xuyên giữa họ với cộng đồng”.

Bài 1. Bức tranh không gian sáng tạo ở Hà Nội
Bài 1. Bức tranh không gian sáng tạo ở Hà Nội
Bài 1. Bức tranh không gian sáng tạo ở Hà Nội
Bài 1. Bức tranh không gian sáng tạo ở Hà Nội

Các hoạt động sáng tạo tại phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, Complex, 282 Design ...

Bên cạnh các tổ hợp đa chức năng như Complex 01, các không gian nhỏ hơn như Ơ kìa Hà Nội, Tổ Chim xanh… đậm chất điện ảnh lại phù hợp với các bạn đang thực hành nghệ thuật điện ảnh, các nhà nghiên cứu, những cá nhân hoặc nhóm nhỏ khởi nghiệp. Trong khi đó, Thongdong Ville (Tây Hồ) lại trở thành điểm hẹn của người yêu thích hoạt động tái chế vật liệu, trình diễn các hoạt động sản xuất thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật nấu ăn, thêu may, đan lát…

Đáng chú ý, tại nhiều trường học, những KGST cũng nở rộ muôn màu, thu hút rất nhiều học sinh, sinh viên tham dự. Ví như, tại Đại học Kiến trúc, mới đây, Không gian đa năng gồm thư viện, triển lãm đồ án, hội thảo, Talkshow, Phòng chiếu phim… được mở ra, góp phần bồi dưỡng tư duy sáng tạo, khả năng cảm thụ nghệ thuật và hiện thực hóa những dự án của sinh viên; đồng thời giúp kết nối việc làm giữa doanh nghiệp và sinh viên trong trường. Tại Đại học Anh quốc Việt Nam, SOHO Gallery lại trở thành điểm hẹn cho những cảm hứng nghệ thuật của các sinh viên được thăng hoa, đặc biệt là nơi để sinh viên các khoa Ứng dụng Sáng tạo Đương đại, Khoa học Máy tính; Thiết kế và Lập trình Games thể hiện khát vọng sáng tạo.

Bài 1. Bức tranh không gian sáng tạo ở Hà Nội
Bài 1. Bức tranh không gian sáng tạo ở Hà Nội

Các bạn trẻ say sưa tìm hiểu, khám phá tại các KGST như Heritage Space hay KGST trong các trường đại học...

Vẫn nhỏ lẻ, tự phát…

Mặc dù Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về KGST nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, các KGST ở Thủ đô hiện vẫn nhỏ lẻ, hạn chế về diện tích, tự phát và phân tán.

Nhận định này cũng được TS.KTS Trương Ngọc Lân, Phó khoa Kiến trúc, ĐH Xây Dựng khẳng định thêm: “KGST ở Hà Nội tuy đa dạng nhưng lại nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Có nơi là ngôi nhà, biệt thự của ai đó cho thuê hoặc chủ nhân tận dụng để khai thác theo sở thích, khi có sự kiện mới tổ chức mà không thường xuyên “mở”, chưa có một sự quản lý chuyên nghiệp. Trong khi đó, thông thường, KGST phải là một không gian mở, dành cho đông đảo công chúng”.

Chị Đỗ Thị Thắm, Founder của Thongdong Ville chia sẻ, nhận thấy nhu cầu trao đổi, thực hành các hoạt động văn hóa sáng tạo của nhiều bạn trẻ, chị cũng tận dụng diện tích của căn biệt thự nhỏ trên Tây Hồ để tạo ra KGST Thongdong Ville. “Hàng tuần, tại Thongdong Ville diễn ra rất nhiều hoạt động thực hành, trình diễn. Có thời điểm chúng tôi mở workshop về cắt gọt hoa thủy tiên vào dịp Tết nhưng số lượng đăng ký tham dự vượt dự tính. Không gian nhỏ quả thực là một hạn chế đối với các hoạt động nghệ thuật có số lượng người tham gia đông đảo”.

Là thành viên sáng lập, người tiên phong trong việc hình thành ý tưởng xây dựng những KGST ở Hà Nội như Zone 9, X98, Hanoi Creative City, KTS Đoàn Kỳ Thanh cho biết: Hanoi Creative City hiện đang hoạt động hết công suất, thu hút giới trẻ, những người làm văn hoá,nghệ thuật, công nghệ, start - up. Tuy nhiên, do hạn chế về không gian, nên nhiều hoạt động ngoài trời, đông người rất khó thực hiện được.

Bài 1. Bức tranh không gian sáng tạo ở Hà Nội

Ngoài “điểm trừ” về không gian, theo nhiều chuyên gia, hoạt động sáng tạo ở Hà Nội hiện tuy đa dạng nhưng thiếu điểm nhấn và có tầm vóc quốc tế. Rõ ràng, thành phố vẫn thiếu vắng các sự kiện mang tính liên kết, chuyên nghiệp, quy mô lớn như Lễ hội âm nhạc Gió mùa, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội hay Photo Hanoi’23 vừa qua.

TS.Nguyễn Văn Hoạt - nguyên Phó Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội cho rằng đến nay việc xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo của Hà Nội như cam kết với UNESCO khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo vẫn chưa được như kỳ vọng. Thành phố chưa có Trung tâm sáng tạo, chưa có Megashow. Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm văn hóa ở Hà Nội vẫn chủ yếu ở quy mô nhỏ, chưa có các tập đoàn lớn, các tổ hợp đa chức năng. “So với các thành phố sáng tạo khác có nền công nghiệp văn hóa phát triển trên thế giới, các hoạt động sáng tạo đang diễn ra ở Hà Nội có khoảng cách khá xa” - ông nói.

Bài 1. Bức tranh không gian sáng tạo ở Hà Nội

Theo kế hoạch, chỉ còn 1 năm nữa, Hà Nội sẽ phải hoàn thành cam kết với UNESCO như trong hồ sơ khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế, song đến nay, nhiều nội dung vẫn chưa triển khai như: Kiến tạo Trung tâm sáng tạo Hà Nội, Diễn đàn Mạng lưới Thành phố sáng tạo Đông Nam Á, Mạng lưới các nhà sáng tạo trẻ…

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Nghệ thuật của Heritage Space, tổ chức nghệ thuật độc lập tại Hà Nội, thành viên sáng lập Mạng lưới các không gian sáng tạo Việt Nam nhấn mạnh, thành phố cần tăng tốc trên lộ trình thực hiện các cam kết bằng việc thúc đẩy các hoạt động thiết thực, mang tính chuyên nghiệp hóa toàn bộ hệ sinh thái sáng tạo như hình thành Trung tâm sáng tạo, xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các start-up trong lĩnh vực sáng tạo.

“Một trong những điều cấp thiết, quan trọng nữa đó là thành phố cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phục vụ những hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật có quy mô, chuyên nghiệp và mang tầm vóc quốc tế.

Bên cạnh đó, thành phố cần xây dựng cơ chế hoặc mô hình điều hành phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay. Trong khi đó, mô hình quản lý thuần Nhà nước đã tỏ ra tụt hậu và chưa có sự hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa" - ông Tuấn nói.

Không gian sáng tạo là một địa điểm, có thể là địa điểm thực hoặc địa điểm trực tuyến, là nơi đem những con người sáng tạo đến với nhau. Đó là nơi tụ họp, chia sẻ không gian và hỗ trợ cho các hoạt động kết nối, phát triển kinh doanh và thu hút cộng đồng trong các lĩnh vực sáng tạo, văn hóa và công nghệ.

(Hội đồng Anh)

Bài 1. Bức tranh không gian sáng tạo ở Hà Nội

Thực hiện: Thái Sơn

Xem bài 2 >>

Bài viết liên quan:

Bài 2: Tiềm năng từ các nhà máy cũ ở Hà Nội Bài 3: "Ký ức đô thị" Hà Nội xứng đáng được bảo tồn Bài 4: Chàng kiến trúc sư và hành trình “khoác áo mới” cho xưởng in cũ Bài 5: Gỡ "nút thắt" từ chính sách

Thái Sơn