Bà Rịa - Vũng Tàu: Biệt thự “khủng” mọc trên đất nông nghiệp
Tháng 11/2024, báo Tuổi trẻ Thủ đô nhận được phản ánh của bạn đọc về chủ của một ngôi biệt thự sang trọng, 2 tầng có dấu hiệu xây trái phép tại các thửa đất số ấp Suối Tre, thôn Tân Lễ B, xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ. Hiện công trình đã hoàn thành thế nhưng chính quyền không xử lý công trình khủng có dấu hiệu sử dụng đất không đúng mục đích này.
Ghi nhận thực tế, căn biệt thự bề thế có hành lang, khuôn viên rộng lớn. Mặc dù có mục đích sử dụng là đất trồng cây hàng cây năm, nhưng cá nhân vẫn xây dựng và đưa vào sử dụng công trình dạng biệt thự quy mô trên khuôn viên hàng nghìn mét vuông.
Toàn cảnh căn biệt thự "khủng" |
Một hộ dân cho biết, thời điểm xây dựng căn nhà trên vào khoảng đầu năm 2022. Đến năm 2023, ngôi nhà được đưa vào sử dụng. Sau đó, chủ nhà tiếp tục xây dựng thêm một số hạng mục phụ cho tới đầu năm 2024
Cụ thể, tại thửa đất số 65 và thửa đất số 21, chủ đất cho xây dựng căn biệt thự với diện tích khoảng hơn 1.000 m2 hết sức hoành tráng, chiếm hết khoảng hơn 50% diện tích của 2 thửa đất. Phần còn lại của 2 thửa đất trên và thửa đất số 22 có 2 căn chòi mái ngói dùng để nghỉ dưỡng, vui chơi, sân cỏ, tiểu cảnh, hồ cá, đường đi… trông rất quý tộc.
Cổng vào của căn biệt thự được xây dựng đồ sộ, sơn tông màu trắng bắt mắt, xung quanh thửa đất xây tường cao bao bọc hết sức kiên cố. Cạnh chiếc cổng là biển hiệu vựa cây cảnh Vọng Tuyền.
Cổng căn biệt thự có biển hiệu vựa cây cảnh Vọng Tuyền |
Mang theo những nghi vấn về dấu hiệu xây dựng trái phép, ngày 28/11, phóng viên đã gửi công văn bằng đường bưu điện đến UBND thị xã Phú Mỹ để xác minh thông tin. Đến ngày 2/12, phóng viên đã trực tiếp tới UBND thị xã Phú Mỹ và được vị Chánh Văn phòng cho biết lãnh đạo đã đi họp.
Dù đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ nhiều lần nhưng đến nay, báo Tuổi trẻ Thủ đô vẫn chưa nhận được phản hồi từ đơn vị này.
Ngày 19/12, trao đổi với báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Phú Mỹ cho biết, chủ của các thửa đất trên là vợ chồng ông Nguyễn Văn Vọng và bà Phạm Thị Mộng Tuyền.
Theo ông Nguyễn Hoàng Trung, diện tích đo đạc của thửa 02, tờ 65 là 3.810,1m2 (trong đó có 300m2 là đất ở và 3.510,1m2 là đất trồng cây lâu năm); thửa 21, tờ 65 có diện tích đo đạc là 535,1 m2, mục đích sử dụng đất là đất nuôi trồng thuỷ sản; thửa 22, tờ 65 có diện tích đo đạc là 420m2 đất trồng lúa nước còn lại.
Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Phú Mỹ thông tin, hiện các khu đất trên đã được thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Chi nhánh thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào tháng 9/2022.
Việc xây dựng biệt thự và các công trình nhà ở, chòi… trên đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng lúa nước không chỉ vi phạm Luật Đất đai mà còn khiến Nhà nước thất thoát cả tỉ đồng tiền thuế, phí.
Ngoài ra, hành vi vi phạm không được xử lý triệt để, sẽ để lại tiền lệ xấu, khiến tình hình trật tự xây dựng ở thị xã Phú Mỹ càng trở nên phức tạp. Nghiêm trọng hơn, dạng biệt thự được xây dựng kiên cố trên mảnh đất nông nghiệp, phá vỡ quy hoạch đô thị địa phương.
Chủ của các thửa đất trên là vợ chồng ông Nguyễn Văn Vọng và bà Phạm Thị Mộng Tuyền |
Căn biệt thự này lại ngang nhiên được xây dựng trong khu đất nông nghiệp, không phải là đất ở. Phải chăng các căn biệt thự này được các cơ quan chức năng cấp phép xây dựng? Nếu được cấp phép thì cơ quan nào cấp phép? Nếu không thì một căn biệt thự được xây dựng kiên cố và đưa vào sử dụng nhiều năm nhưng tại sao chính quyền không hay biết, xử lý?
Tại khoản 5, Điều 15 - Nghị định 139/2017 quy định chi tiết, cụ thể về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng có nêu rõ, nếu không có giấy phép xây dựng, sẽ bị phạt từ 10 - 50 triệu đồng. Tại điểm d, khoản 12, Điều 15 nghị định này cũng hình phạt bổ sung: Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng xây dựng không phép.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của UBND cấp xã, huyện, tỉnh trong việc quản lý hoạt động xây dựng. Trong đó, vai trò của UBND cấp huyện và xã là vô cùng quan trọng.
Theo đó, UBND cấp huyện, xã phải chịu trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo phân cấp, ủy quyền của UBND cấp tỉnh; tổ chức thực hiện việc theo dõi, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm trên địa bàn; thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.